Bữa cơm vội của Phó Trung đoàn trưởng hy sinh ở Đồng Tâm
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh và vợ chỉ kịp nắm tay nhau, ăn bữa cơm vội và dặn dò đôi điều trước khi anh làm nhiệm vụ rồi hy sinh ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).
Căn nhà nhỏ cấp 4 của gia đình bà Hoàng Thị Phúc (73 tuổi).ở giữa làng Vàng 3, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) những ngày này có đông đảo bà con lối xóm đến chia buồn.
Bà Phúc là mẹ đẻ của Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô E22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an), 1 trong 3 cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức hôm 9/1.
Rạp được dựng lên bao trọn cả khoảng sân nhỏ. Những câu chuyện về anh Thịnh thỉnh thoảng dừng lại bởi những dòng nước mắt.
Cái nắm tay vội vàng
Vợ và con Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh đã về làng Vàng 3 để cùng họ hàng chuẩn bị tang lễ cho anh. Chị Tạ Thị Lộc (43 tuổi), vợ anh Thịnh mấy ngày nay không ăn uống được gì.
Chị tâm sự, anh chị lập gia đình muộn, sinh được 2 người con một trai một gái. Để thuận tiện cho công việc, gia đình chuyển đến sống ở xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, cách đơn vị anh khoảng 1km.
|
Vợ Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh |
Chiều tối 8/1, như thường ngày chị Lộc nấu cơm xong thì gọi điện cho anh Thịnh về ăn, nhưng do bận công việc, anh dặn 3 mẹ con chị ăn trước, kịp thì anh về không thì anh sẽ ăn cơm trong đơn vị để đêm còn làm. Một lúc sau anh về, lúc đó lại đúng đến giờ đưa con gái đi học thêm nên chị Lộc đành để anh ăn cơm một mình.
Ở trong nhà đi ra chị chỉ kịp nắm tay anh, dặn: "Đưa con gái vào lớp xong em về ăn cùng với anh luôn". Khi vừa về đến cổng nhà thì chị đã thấy anh đi rồi.
Nhắc đến đây chị bật khóc, nghẹn ngào chia sẻ đây là khoảnh khắc cuối cùng với anh mà chị không bao giờ quên được. Vì nhiệm vụ công tác, anh chỉ được gặp vợ trong chốc lát. Mấy ngày trước, vợ chồng cũng không được ở gần nhau do anh còn phải trực.
Trong tối hôm đó, chị gọi điện cho anh đôi ba lần nhưng được anh dặn, anh đi làm nhiệm vụ nên sẽ không nghe máy.
8h sáng 9/1, chị Lộc gọi lại cho chồng thì máy thuê bao, gần 15h chiều thì chị nhận được tin anh Thịnh phải nhập viện. Tức tốc vào đơn vị để hỏi thăm tình hình, thấy phòng của anh khóa, chị sang phòng khác thì mọi người đang tất tả chuẩn bị quân phục cho anh. Linh tính có chuyện không lành, chị òa khóc.
"Mọi người thấy tôi khóc thì xúm lại động viên rằng anh không gặp chuyện gì đâu, bảo tôi về nhà chờ tin tức. Đến 6h tối, các bác trên thành phố xuống nhà, tôi mới tin vào sự thật chồng mình đã hy sinh", chị Lộc bùi ngùi nói.
"Nhớ anh mà lòng tôi đau đớn, cứ nhắm mắt thì hình ảnh của anh hiện ra. Sáng sớm tôi vẫn mặc định gọi điện cho anh, thật ra biết gọi sẽ không được nữa nhưng tôi vẫn ước mong có phản hồi lại hoặc chỉ cần tiếng chuông thôi. Sự thật đã như thế thì mình cũng chỉ biết động viên mình và các con thôi", chị nói.
Chị Lộc suy sụp, nằm trên giường, xung quanh lúc nào cũng phải có người thân chăm sóc.
|
Gia đình Thượng tá Thịnh khi anh được nâng lên hàm Trung sỹ năm 1997 |
Mẹ tự hào về con, con tự hào về bố!
Vững vàng hơn con dâu, bà Phúc bận bịu tiếp từng người đến chia buồn. Sinh được 4 người con thì anh Thịnh là con trai cả, công tác trong lực lượng vũ trang nên bà và gia đình rất tự hào.
Chồng mất đã hơn chục năm, các con sinh sống mỗi người một nơi, bà sống một mình ở quê, đến ngày giỗ hay dịp đặc biệt cả nhà mới đoàn tụ. Ít về quê do công việc bận rộn, anh Thịnh thường xuyên gọi điện thăm hỏi bà và các anh chị em.
Là con lớn trong gia đình nên ngay từ trẻ, Thượng tá Thịnh đã tự lập, học hết cấp 3, đi nghĩa vụ sau đó chuyển sang chế độ chuyên nghiệp, công tác trong lực lượng cảnh sát cơ động đến nay đã được hơn 20 năm.
|
Mẹ Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh |
Nhiều năm nay, mỗi dịp giỗ và Tết anh không được về, bà cũng thông cảm vì đặc thù công việc.
Lần cuối anh Thịnh về thăm nhà cách đây đã nửa tháng trong 1 dịp anh về quê ăn cỗ. Hôm đó đúng ngày bà sang nhà con thứ hai nên khóa cổng lại.
"May sao về đến ngõ thì tôi thấy thấp thoáng hình dáng con. Hôm đó con mặc áo phông đen, quần màu đất, 2 mẹ con gặp nhau nhưng chưa kịp trò chuyện gì. Nó chỉ kịp nói 'mẹ ơi con về ăn cỗ nhà không mở được cửa, con đi đây', rồi nó vội vàng lên xe đi luôn", bà chua xót kể.
Biết con bận nên bà thường chủ động lên thăm nhà anh Thịnh ở tận Sóc Sơn, quãng đường gần 40km bà phải nhờ người đi xe máy chở đi. Chủ nhật tuần trước, không biết có phải do linh cảm mách bảo hay không, tự nhiên cả nhà bà từ Gia Lâm cùng đến nhà anh chơi. Đó chính là bữa cơm cuối cùng bà được ăn cùng anh.
Nén nỗi đau "người đầu bạc tiễn người đầu xanh", bà chia sẻ: "Ngành nghề nào cũng có nguy hiểm, con tôi từ nhỏ đã mạnh mẽ, trong đơn vị còn là giáo viên dạy võ, rất dũng cảm. Con nhiều năm liền được danh hiệu chiến sĩ thi đua, được đồng đội quý mến nên tôi cũng không lo lắng nhiều mỗi khi con đi làm nhiệm vụ.
Tôi cảm ơn Nhà nước, đơn vị đã dạy bảo con trai tôi trưởng thành, biết nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng đối mặt với vì nhân dân. Tôi tự hào về con".
Người con trai đầu của Thượng tá Thịnh là Nguyễn Gia Huy, đang là sinh viên năm thứ 2. Huy chia sẻ, em ước mơ được làm trong ngành công an nhưng khi thi đại học, em cảm thấy chưa đủ tự tin nên đành tạm gác lại.
|
Nguyễn Gia Huy |
Huy nhớ rõ ngày bố về ăn bữa cơm cuối cùng ở nhà, hôm đó mẹ đưa em gái đi học, bố ngồi ăn cơm một mình. Em định đi tắm thì bố bảo em đừng tắm vội, ngồi ăn cùng bố để bố đi công tác không muộn.
Huy hỏi bố đi công tác đâu thì anh Thịnh chỉ nói là đi làm nhiệm vụ. Hỏi bố bao giờ về, anh Thịnh bảo con cứ yên tâm, mai kia bố về.
"Bố luôn là người mà em tự hào nhất, là người truyền sự mạnh mẽ cho em. Nếu có cơ hội em cũng sẽ tình nguyện viết đơn đi nghĩa vụ, để viết tiếp ước mơ", Huy nghẹn ngào.
( C. H sưu tầm)