Một gia đình cả bố mẹ cùng 3 con đều là liệt sĩ
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Mẹ Việt Nam anh hùng Thạch Cao hy sinh khi đã bước qua tuổi 50. Bà có chồng và 3 người con cũng đã ngã xuống vì Tổ quốc... Hài cốt 5 liệt sĩ đến giờ vẫn chưa được tìm thấy; ảnh cũng không có để thờ...
Liệt sĩ, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Thạch Cao sinh năm 1917 trong một gia đình nông dân Khmer nghèo ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng). Xã Long Hưng là một trong những nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng ở vùng Nam Bộ.
Cũng như những người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” khác, phát huy truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, bà Thạch Cao đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng.
Bà Thạch Cao lập gia đình với ông Thạch Xa Oai (cũng là người dân tộc Khmer ở địa phương), sinh được 4 người con là Thạch Thị Hươl, Thạch Ương, Thạch Ươl và Thạch Út.
“Tôi sinh ra khi mẹ đã tham gia hoạt động cách mạng được nhiều năm trước đó. Mẹ đã cùng bà con xóm ấp tham gia công tác, phục vụ chiến đấu như vận động bà con tham gia các cuộc đấu tranh biểu tình chặn đường giặc vào ruồng bố cướp phá xóm làng, làm liên lạc, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù…”, ông Thạch Út (con trai út của mẹ Thạch Cao, cũng là người duy nhất còn sống trong gia đình) bồi hồi kể lại.
Hồi đó, chiến tranh khốc liệt, gia đình ông Út luôn bị kẻ thù lùng sục vì chúng biết cha mẹ, các anh chị ông đều tham gia hoạt động cách mạng. Đầu năm 1968, ba ông Út hy sinh. Sau đó, người anh Thạch Ương, rồi chị Thạch Thị Hươl và anh Thạch Ươl cũng ngã xuống ngay trên quê hương Mỹ Tú anh hùng.
Ông Thạch Út hồi tưởng: “Khi nghe tin ba hy sinh, mẹ khóc nhiều lắm, nhưng sau đó mẹ lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng để trả thù cho ba, cho những người bị kẻ thù giết hại. Mẹ cũng nhắc nhở các anh chị tôi cố gắng chiến đấu thật tốt, trả thù cho ba, cho quê hương.
Đến khi nhận tin các con lật lượt hy sinh, mẹ không nói gì mà chỉ khóc. Sau lần đó, mẹ gửi tôi về U Minh vì mẹ biết sẽ còn nhiều gian khổ nguy hiểm. Ngày chia tay, mẹ nói "con xuống đó rồi giải phóng mẹ xuống đón con về quê". Nào ngờ đó là lần cuối tôi bên mẹ, nghe mẹ nói!”.
Gửi con trai út đi rồi, bà Thạch Cao (lúc đó là Phó Bí thư Chi bộ Đảng) tiếp tục tham gia công tác, phục vụ chiến đấu. Ngày 3/8/1968, trong một chuyến công tác, bà Thạch Cao bị kẻ thù phục kích và hy sinh.
“Lúc đó tôi đang ở U Minh, nghe tin mẹ hy sinh, tôi liền trở về quê tìm mẹ nhưng chiến tranh ác liệt, kẻ thù ruồng bố dữ dội nên không tìm được. Khi biết mẹ tôi còn một người con trai, bọn giặc lùng sục quyết bắt cho bằng được nên tôi phải vào chùa ở địa phương để tá túc lánh nạn. Sau đó, thấy chúng làm dữ quá, tôi phải chạy sang Mỹ Xuyên và ở lại cho đến hôm nay. Nếu hồi đó chúng bắt được, chắc chắn chúng giết tôi rồi.
Điều mà tôi áy náy nhất là cho đến bây giờ, hài cốt của cha mẹ và các anh chị vẫn chưa được tìm thấy. Tôi đã nhiều lần đi tìm nhưng chưa được. Thậm chí không có lấy một tấm hình nào của cha mẹ và các anh, chị để thờ nữa”, ông Út nghẹn ngào chia sẻ.
Bà Thạch Cao là người phụ nữ gan dạ, kiên cường, có tinh thần cách mạng, đã dâng hiến cả cuộc đời và những người thân yêu nhất của mình cho quê hương đất nước. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, bà phải đón nhận hung tin cả chồng và 3 người con đều hy sinh.
Ghi nhận sự hy sinh to lớn của bà Thạch Cao, năm 1978, Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Năm 1994, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho Mẹ Thạch Cao.
( C. H sưu tầm)