Thế giới ghi nhận gần 217.000 ca tử vong vì nCoV, trong hơn 3,1 triệu ca nhiễm, một số nước bắt đầu nới hạn chế khi tình hình đã ổn định hơn.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 3.111.730 ca nhiễm và 216.857 ca tử vong do nCoV được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 75.553 và 6.306 ca so với hôm qua. 925.442 người đã hồi phục sau khi ghi nhận thêm 33.638 trường hợp trong 24 giờ qua.
Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận 1.011.600 ca nhiễm, trong đó 58.343 người đã tử vong, tăng lần lượt 26.226 và 2.391 ca. Đến nay, Mỹ đã thực hiện gần 5,8 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, song giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.
Một số bang như Alaska, Georgia, Oklahoma đã nới lỏng các biện pháp cách biệt cộng đồng nhằm ngăn virus lây lan, trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, New York, bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, tỏ ra thận trọng khi tỷ lệ nhập viện vẫn cao.
Tây Ban Nha báo cáo số người nhiễm do nCoV tăng lên 232.128 sau khi ghi nhận thêm 2.706 trường hợp. Ca tử vong tăng thêm 301 trường hợp lên 23.822.
Chính phủ Tây Ban Nha nhận định Covid-19 ở nước này đã đạt đỉnh ngày 2/4. Đất nước với gần 47 triệu dân đã trải qua hơn 6 tuần phong tỏa, trong đó chỉ người lớn được rời nhà để mua thức ăn, thực phẩm hoặc đưa thú cưng đi dạo.
Từ ngày 26/4, tối đa 3 trẻ em dưới 14 tuổi trong mỗi hộ gia đình Tây Ban Nha sẽ được ra ngoài một lần mỗi ngày trong vòng một giờ trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h. Các em được vui chơi ngoài trời dưới sự giám sát của một phụ huynh và không đi cách nhà quá một km. Bên cạnh đó, tất cả người dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục và đi bộ từ cuối tuần tới.
Italy ghi nhận thêm 2.091 ca nhiễm, tăng so với 1.739 ca một ngày trước đó, và 382 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 201.505 và 27.359, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.
Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5 khi ca nhiễm và ca tử vong liên tục giảm.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu, xác nhận thêm 2.638 ca nhiễm và 367 ca tử vong, tăng so với một ngày trước, nâng tổng số lên lần lượt 165.911 và 23.660.
Pháp sẽ cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.
Anh phát hiện thêm 3.996 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 161.145. Nước này ghi nhận 21.678 ca tử vong, tăng 586 trường hợp, tăng nhẹ so với một ngày trước đó. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão. Nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn một tháng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 26/4 lần đầu xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông thông báo nhiễm nCoV hôm 27/3 và phải nhập viện điều trị 10 ngày sau đó. Johnson khẳng định nước Anh sắp kết thúc "giai đoạn đầu của cuộc chiến" và "bắt đầu xoay chuyển tình thế" trong ứng phó Covid-19. Tuy nhiên, ông cảnh báo đây là thời điểm "nguy cơ tối đa" và kêu gọi người dân không mất kiên nhẫn với lệnh phong tỏa.
Đức báo cáo thêm 977 ca nhiễm và 154 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 159.735 và 6.280. Các biện pháp hạn chế cùng việc xét nghiệm rộng rãi khiến tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn nhiều nước châu Âu. Gần 3/4 người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.
Nga báo cáo thêm 6.411 ca nhiễm và 73 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên lần lượt 93.558 và 867, trở thành vùng dịch lớn thứ 8 thế giới.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitry Peskov nói Covid-19 gây ra khủng hoảng và thách thức chưa từng có cho Nga, khiến giới chức nước này phải điều chỉnh biện pháp đối phó hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Các địa phương đang phối hợp với chính phủ để xây dựng biện pháp đối phó khủng hoảng và khắc phục hậu quả.
Tại châu Mỹ Latin, Brazil ghi nhận thêm 5.385 ca nhiễm và 474 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt 71.886 và 5.107, vượt Trung Quốc về số người chết.
Theo Bộ Y tế Brazil, số người chết có thể cao hơn con số chính thức do nguyên nhân tử vong của 1.156 người đang được điều tra. Trong khi đó, các chuyên gia tin rằng ca nhiễm ở nước này có thể cao hơn 12-15 lần số liệu hiện tại do lượng lớn các trường hợp không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm hạn chế tại quốc gia 210 triệu dân.
Mexico báo cáo 15.529 ca nhiễm và 1.434 ca tử vong, tăng lần lượt 852 và 83 ca. Chính phủ nước này cho biết số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với các ca đã được xác nhận.
Tại Trung Đông, Arab Saudi ghi nhận 1.266 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên 20.077 và 152.
Nước này đã nới lỏng lệnh giới nghiêm vào ban ngày trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, tuy nhiên, thánh địa Mecca vẫn được giữ nguyên các biện pháp phong tỏa 24/7.
Tại những nơi khác, người dân được phép ra khỏi nhà từ 9h đến 17h và nối lại một số hoạt động kinh doanh tới 13/5. Trung tâm thương mại, đại lý bán buôn và các công ty xây dựng cũng được cho phép hoạt động trở lại.
Dù nằm dưới lệnh phong tỏa, Mecca là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại Arab Saudi với hơn 16.000 ca nhiễm và gần 140 ca tử vong.
Bộ trưởng Y tế Tawfiq al-Rabiah tuần trước kêu gọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành cách biệt cộng đồng trước thời điểm bắt đầu thánh lễ Ramadan.
Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 541 ca nhiễm mới và thêm 7 trường hợp tử vong. Nước này đến nay ghi nhận 11.380 ca nhiễm và 89 ca tử vong.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 92.584 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 71 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 15 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng số người chết lên 5.877.
Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh. Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước.
Chính quyền trong những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.
Trung Quốc đại lục báo cáo thêm 22 ca nhiễm nCoV, gồm 21 ca ngoại nhập, và không thêm ca tử vong nào, nâng số ca nhiễm lên 82.858, trong khi số người chết vẫn là 4.633. Nước này cũng ghi nhận thêm 26 ca nhiễm không triệu chứng. Hiện hơn 1.000 ca không triệu chứng đang được giám sát y tế chặt chẽ.
Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ báo cáo 1.909 ca nhiễm mới và 69 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 31.360 và 1008. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ kéo dài đến ngày 3/5.
Dù số người chết vì nCoV tại Ấn Độ thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác như Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này lại rất hạn chế. Do đó, sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm, với trung bình 1.500 trường hợp mỗi ngày trong tuần qua, có thể khiến các bệnh viện công rơi vào tình trạng quá tải.
Bộ Y tế Ấn Độ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.
Đông Nam Á ghi nhận 41.928 ca nhiễm nCoV, trong đó 1.477 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 14.951 ca nhiễm và 14 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 9.511 ca nhiễm và 773 ca tử vong, trong khi Philippines là vùng dịch lớn thứ ba.
Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 24 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, CNN)