Đại quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn đứng đầu đã lập được chiến tích hiếm có trong lịch sử, đó là chinh phục tới một nửa thế giới và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đội quân nhờ khả năng chiến đấu uy mãnh, có nhiều chiến thuật quân sự độc đáo.
Theo đó, Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc Mông Cổ ở khu vực Đông Bắc châu Á vào năm 1206, cho tới khi ông qua đời vào năm 1227, lãnh thổ của đế chế Mông Cổ đã ngày càng lớn mạnh, trải rộng tới tận bờ biển Thái Bình Dương và biển Caspi.
Chỉ trong hơn 20 năm ngắn ngủi, đại quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo xuất chúng của Thành Cát Tư Hãn đã làm nên một việc hiếm thấy trong lịch sử thế giới.
Sau đó, đến năm 1241, con cháu của vị khả hãn này đã tiến hành thôn tính Vienna (Áo) và đồng thời trở thành nỗi ám ảnh của các quốc gia ở Đông Âu trong suốt thời gian còn lại của thế kỷ 13.
Phát minh thay đổi cục diện chiến tranh và sự hùng mạnh của đế chế Mông Cổ
Được cho là đế chế sở hữu thuộc địa liền kề lớn nhất trong lịch sử, các nhà sử học tin rằng sức mạnh của đại quân Mông Cổ là bắt nguồn từ một phát minh, cải tiến kỹ thuật quân sự hết sức đơn giản, đó chính là chiếc bàn đạp yên ngựa.
Không ai biết chắc về chiếc bàn đạp yên ngựa đầu tiên được phát minh vào thời gian nào, nhưng vật dụng nhỏ bé này lại mang lại lợi ích rất lớn cho bất kỳ chiến binh, kỵ binh nào sử dụng chúng.
Thậm chí, dù chỉ là những chiếc bàn đạp thô sơ nhất như cái có dạng vòng da thì cũng giúp ích nhiều cho các chiến binh có thể ngồi trên lưng ngựa vững chắc và chiến đấu trên quãng đường dài hơn.
Minh chứng là thành công trong quân sự của các chiến binh Cozak, người Goth và người Hung xưa kia có được là nhờ một phần không nhỏ của việc sử dụng các bàn đạp làm bằng da khi cưỡi ngựa.
Một số người còn tin rằng chiếc bàn đạp yên ngựa thậm chí còn làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực châu Âu, với sự thay đổi từ bộ binh sang kỵ binh.
Lực lượng kỵ binh này được nhà sử học Roman Johann Jarymowycz ví như là "xe tăng bọc thép" thời trung cổ.
Tuy nhiên, bước đột phá của bàn đạp yên ngựa phải kể tới người Mông Cổ. Họ đã giúp vật dụng bé nhỏ này phát triển lên một tầm cao mới. Các nhà sử học tin rằng người Mông Cổ không chỉ sáng tạo ra những chiếc bàn đạp yên ngựa bằng da mà còn có cả những cái sử dụng vật liệu kim loại.
Theo đó, vào năm 2016, các nhà khảo cổ tại Trung tâm Di sản Văn hóa Mông Cổ đã khai quật được một ngôi mộ của người phụ nữ Mông Cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 10. Kết quả thật bất ngờ! Bên cạnh giày da và một số bộ y phục, người phụ nữ này còn được chôn cùng một chiếc yên ngựa và bàn đạp yên ngựa bằng kim loại, với chất lượng vẫn còn rất tốt.
Cặp bàn đạp 1100 năm tuổi được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ, cho thấy đây là một vật dụng tuyệt vời giúp người Mông Cổ có thể ngồi vững và linh hoạt trong chiến đấu.
Quan sát chiếc bàn đạp yên ngựa tìm thấy trong ngôi mộ cổ có thể thấy, nó được làm bằng kim loại dày với phần đầu tròn vồng lên để cho vào dây treo yên ngựa, và phần chân đế tròn, phẳng để giúp người cưỡi ngựa đặt chân lên.
Bàn đạp rộng phải thoải mái nhưng cũng cần chắc chắn vì người Mông Cổ đã sử dụng vật liệu nhỏ này để cưỡi ngựa một cách hết sức điêu luyện, giúp ích rất nhiều trong quá trình chiến đấu và thực hiện các cuộc chinh phạt.
Một vị tướng của nhà Tống (960-1279) đã mô tả cách người Mông Cổ đứng trên bàn đạp yên ngựa, cụ thể là với phần lớn trọng lượng cơ thể được dồn vào bắp chân, trong khi chỉ dồn một phần nhỏ lực xuống bàn chân và mắt cá chân.
Chiếc bàn đạp giúp những người lính Mông Cổ có thể ngồi thẳng, vững trọng tâm trên lưng ngựa ở cả trong các tình huống hỗn loạn nhất. Chúng được treo vào yên ngựa làm bằng gỗ, cao nổi lên ở phía trước và sau.
Bằng cách dành nhiều thời gian chăm chỉ luyện tập, người Mông Cổ có khả năng cưỡi ngựa điệu nghệ và chiến đấu ngay trên lưng ngựa. Họ có thể giữ cân bằng rất tốt mà không cần phải dùng đến tay ngay cả khi con ngựa xoay chuyển hay người cưỡi dịch chuyển để tấn công kẻ địch.
Chính vì vậy, binh lính Mông Cổ có thể dùng tay để bắn tên theo bất kỳ hướng nào ngay trên lưng ngựa với độ chính xác rất cao.
Bên cạnh khả năng bắn tên thiện xạ ngay trên lưng ngựa, đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn còn sở hữu một chiến thuật chiến đấu đặc biệt, giúp họ trở nên "bất bại". Đó là chiến thuật "giả vờ" rút lui.
Theo đó, vào thời điểm mà hầu hết các đội quân giành chiến thắng chỉ bằng cách cố hết sức tiến lên phía trước thì người Mông Cổ lúc bấy giờ lại lựa chọn cách vừa tiến vừa "giả vờ" rút lui trong các trận chiến.
Cụ thể, khi mặt đối mặt với đối thủ, kỵ binh Mông Cổ phi ngựa chạy nhanh như gió tiến về phía trước và đồng thời bắn tên liên tục để tạo thế trận tấn công dữ dội và đáng sợ. Sau đó, khi chỉ còn cách đối thủ chừng vài mét, kỵ binh Mông Cổ bất ngờ quay lưng lại và nhanh chóng rút đi.
Sức mạnh của chiến thuật "giả vờ" rút lui: Đại quân Mông Cổ "bách chiến bách thắng"
Nhận định về chiến thuật đặc biệt này, nhà sử học Thomas Craughwell giải thích rằng, với khả năng xoay chuyển vô cùng linh hoạt trên yên ngựa, nên các kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên về phía kẻ địch ngay cả khi họ quay lưng rút lui. Chiến thuật tấn công và liên tục rút lui kỳ lạ của người Mông Cổ khiến thế trận của đối phương trở nên hỗn loạn hơn.
Marco Polo, nhà thám hiểm gốc Venezia, người từng có cơ hội chứng kiến kỹ thuật tấn công đặc biệt của người Mông Cổ, mô tả: "Đội quân của họ không bao giờ để rơi vào tình thế cận chiến hay giáp lá cà thường xuyên, mà thay vào đó liên tục cưỡi ngựa vòng quanh và bắn tên vào kẻ thù".
Nếu như quân đội truyền thống được coi như "xe tăng", thì kỵ binh Mông Cổ được ví như những phi công chiến đấu. Sự chủ động và linh hoạt trong di chuyển giúp họ trở nên bất khả chiến bại.
Đặc biệt, khi nhận thấy có nguy cơ thất bại, những binh sĩ Mông Cổ sẽ sử dụng chiến thuật tâm lý đặc biệt. Những kỵ binh khi đó sẽ quay lưng và giả vờ rút lui. Lúc bấy giờ, đối thủ thường mất cảnh giác sẽ đuổi theo và tin rằng thế trận đang nghiêng về phía họ.
Tuy nhiên, ngay khi nhận thấy "con mồi" sập bẫy đang tưởng mình chiến thắng tiến đến gần, những kỵ binh Mông Cổ sẽ bất ngờ quay lại, chạy vòng vòng cơ động và tiếp đến đội quân xạ thủ sẽ xông lên bắn "cơn mưa" mũi tên vào kẻ địch, và những kỵ binh mặc áo giáp nặng hơn sẽ tấn công bằng những vũ khí sắc nhọn như giáo, thương.
Khi đó, trận chiến như đã được an bài với phần thắng nghiêng về đại quân Mông Cổ.
Sự vùng lên nổi bật của Đế chế Mông Cổ cho thấy sức mạnh của cải tiến kỹ thuật, phát minh nhỏ bé nhưng đã tạo bước đệm cho phong cách chiến đấu mới mà hiếm có đội quân nào có thể chống lại được.
Đế chế hùng mạnh của người cầm quân xuất chúng Thành Cát Tư Hãn với sự "bành trướng" về thuộc địa lớn nhất trên thế giới, hình thành không chỉ nhờ có một vài yếu tố riêng lẻ mà là hàng nghìn yếu tố khác nhau.
Rất nhiều thứ tương trợ cùng khả năng rèn luyện nghiêm túc với kỷ luật cao đã giúp Thành Cát Tư Hãn và những hậu duệ của vị khả hãn tài ba này thực hiện thành công nhiều cuộc chinh phạt với phần lớn lục địa.
Trong đó, cải tiến nhỏ trên chiếc bàn đạp yên ngựa đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi thắng trận bất bại của đại quân Mông Cổ.
Phát minh chiếc bàn đạp yên ngựa với kỹ thuật và thiết kế hoàn hảo đã góp phần không hề nhỏ giúp kỵ binh Mông Cổ và quân đội của Thành Cát Tư Hãn làm nên những chiến tích "vô tiền khoáng hậu" và có vai trò, vị thế quan trọng trong lịch sử.