Tiền "mua" hộ chiếu đảo Síp của ông Phạm Phú Quốc bằng thu nhập 90 năm của cán bộ Công ty Tân Thuận
Tiền "mua" hộ chiếu đảo Síp của ông Phạm Phú Quốc bằng thu nhập 90 năm của cán bộ Công ty Tân Thuận
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Khoản tiền 2,5 triệu USD mà đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận chi để mua "hộ chiếu vàng" ở đảo Síp gấp tới 3 lần doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 và bằng thu nhập 90 năm tích luỹ của cán bộ quản lý IPC
Việc ông Phạm Phú Quốc - đại biểu Quốc hội TP. HCM khóa XIV có tên trong danh sách người có hộ chiếu của đảo Síp đang thu hút sự chú ý trên truyền thông.
Ông Phạm Phú Quốc từng có thời gian 10 năm công tác ở Tổng công ty Bến Thành, hơn 2 năm ở Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) và mới được điều chuyển về Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) với nhiệm kỳ 5 năm.
Dấu ấn của ông Phạm Phú Quốc tại Công ty Tân Thuận
Theo đó, vào đầu tháng 12/2019, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc – người được cho đã có hộ chiếu đảo Síp vào tháng 12/2018 giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Ông Phạm Phú Quốc được điều động về Công ty Tân Thuận để thay thế ông Tề Trí Dũng - người đã bị khởi tố và bắt tạm giam vào giữa tháng 5/2019 vì tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Dưới sự điều hành của ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận (IPC) lãi lớn trong nửa đầu năm 2020 dù doanh thu "lẹt đẹt".
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Công ty Tân Thuận, doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 dù chưa tới 20 tỷ đồng, giảm 10% nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại đạt gần 663 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế hoạt động của công ty mẹ Tân Thuận không quá phức tạp với doanh thu thuần thu chủ yếu từ cho thuê văn phòng. Tuy nhiên điểm hấp dẫn nhất ở doanh nghiệp này chính là nguồn thu khổng lồ từ các đơn vị thành viên.
Cụ thể trong nửa đầu năm nay, thu nhập khác từ lợi nhuận được chia của các đơn vị thành viên lên đến 644 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2019. Trong đó nổi bật nhất là nguồn thu từ công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Tổng tài sản Công ty Tân Thuận cuối tháng 6 là 5.682 tỷ đồng. Tính chất đầu tư thể hiện rõ như khoản đầu tư tài chính dài hạn lên đến 1.783 tỷ đồng, chi phí xây dựng dở dang 1.495 tỷ đồng (chủ yếu là dự án dở dang của các đơn vị thành viên). Tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn 1.228 tỷ đồng, chiếm 64% tài sản ngắn hạn.
Được biết, trước khi trở thành Tổng giám đốc của Công ty Tân Thuận, ông Phạm Phú Quốc cũng đã làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV tại Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC). Dưới sự điều hành của ông Quốc, lợi nhuận sau thuế của HIFC năm 2016 và 2017 cũng đều ghi nhận tăng trưởng. Năm 2017 cũng là năm HFIC đạt mức lợi nhuận sau thuế cao nhất của doanh nghiệp này trong nhiều năm trở lại đây (1.513 tỷ đồng).
Không chỉ vậy, dấu ấn của ông Phạm Phú Quốc tại HIFC còn được ghi nhận qua thương vụ bán 15% cổ phần tại CTCP Sài Gòn Kim Cương (Saigon Diamond Corp) cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để giảm sở hữu xuống còn 25%.
Lương ông Phạm Phú Quốc ở Công ty Tân Thuận bao nhiêu?
Về chế độ tiền lương, tiền thưởng của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận ( Công ty Tân Thuận - IPC), báo cáo số 126/IPC.20 do Tổng giám đốc Phạm Phú Quốc ký ban hành vào tháng 3/2020 cho thấy, trong năm 2018, tiền lương của người lao động rơi vào khoảng 27,38 triệu đồng/tháng. Lương bình quân của 12 người trong ban lãnh đạo IPC ở mức 53,588 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch 54,83 triệu đồng/người/tháng).
Theo kế hoạch của năm 2019, lương của người lao động giảm so với các năm trước, còn khoảng 25,06 triệu đồng/tháng, Ban lãnh đạo IPC giảm về số lượng nhưng thu nhập chênh lệch không đáng kể so với năm trước (54,47 triệu đồng). Như vậy, nếu ước tính theo con số này mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý tại Công ty Tân Thuận (IPC), nơi ông Phạm Phú Quốc làm Tổng giám đốc trong năm 2018 và 2019 đều trên 600 triệu đồng.
"Hộ chiếu vàng" đảo Síp "đắt đỏ" cỡ nào?
Nhấn để phóng to ảnh
Điều tra của Al Jazeera: Quan chức nhiều nước chi 2,5 triệu USD mua quốc tịch Síp
Mới đây, hãng thông tấn Al-Jazeera – đã đưa thông tin cho biết, Quốc đảo Síp (Cyprus) đang bán quyền công dân cho nhiều nhân vật chính trị, trong đó có một nhân vật ở TP.HCM và người này được nêu đích danh là "Pham Phu Quoc" – một doanh nhân, nhà chính trị ở TP.HCM, Việt Nam. Mức giá để mua quyền công dân tại Quốc đảo Síp được bài báo nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng).
Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Trả lời trên báo giới, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch đảo Síp vào năm 2018 và quốc tịch của ông do "gia đình bảo lãnh", đang tiến hành các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Vậy 2,5 triệu USD mua "hộ chiếu vàng" đảo Síp lớn cỡ nào?
Nếu so với mức lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2020 của Công ty Tân Thuận (IPC) nơi ông Phạm Phú Quốc đang làm Tổng giám đốc, khoản tiền này chưa bằng 1/10 trong số hơn 660 tỷ lãi sau thuế nhưng lại gấp 3 lần doanh thu nửa đầu năm 2020 của doanh nghiệp.
Còn theo so với mức thu nhập bình quân khoảng trên 600 triệu đồng/năm (ước tính theo mức thu nhập 2 năm gần nhất 2018 và 2019) đối với với viên chức quản lý tại Công ty Tân Thuận (IPC), phải mất tới 90 năm mới "tích" được khoản tiền tương đương mức giá để mua "hộ chiếu vàng" Cyprus (Đảo Síp).
( C. H sưu tầm)