Khai quật mật thất 4.300 năm, thứ bên trong khiến nhà khảo cổ... rùng rợn

Ngày đăng: 08:31 28/08/2020 Lượt xem: 261

Khai quật mật thất 4.300 năm, thứ bên trong khiến nhà khảo cổ... rùng rợn

 Thứ sáu, ngày 28/08/2020 06:30 AM (GMT+7)
 
Bên dưới lớp đất đá tại vùng sa mạc khô cằn ẩn chứa bí mật cổ xưa rùng rợn...
 

"Địa điểm cổ kính bị bao phủ bởi bụi, đá, thời gian và sự im lặng. Tuy nhiên, sau 4.300 năm, một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới không còn bị lịch sử đánh mất, không còn bị bỏ hoang. Những viên đá của nó đã tiết lộ vô số bí mật quý giá, thách thức sự hiểu biết của chúng ta về thời kỳ sơ khai của nền văn minh Trung Quốc. Nhiều tiết lộ khác chắc chắn sẽ được hé mở nay mai..." - National Geographic.

Trong nhiều thập kỷ, dân làng trên những ngọn đồi phủ đầy bụi ở Cao nguyên Hoàng Thổ của Trung Quốc tin rằng những bức tường đá đổ nát gần nhà họ là một phần của Vạn Lý Trường Thành. Dấu tích của hàng rào cổ xưa ngoằn ngoèo xuyên qua khu vực khô cằn này bên trong đường vòng phía bắc sông Hoàng Hà, đánh dấu biên giới thống trị của Trung Quốc kéo dài hơn 2.000 năm.

Khám phá thế kỷ

Tuy nhiên, khi một nhóm các nhà khảo cổ Trung Quốc đến để điều tra nguồn gốc của tàn tích này, họ bắt đầu khai quật được một điều gì đó kỳ diệu và khó hiểu. Những tảng đá cổ xưa này không phải là một phần của Vạn Lý Trường Thành mà là tàn tích của một thành phố tráng lệ. Họ đặt tên cho nó là Shimao. "Shimao là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 21 này" - Sun Zhouyong, Giám đốc Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây và là người chỉ đạo cuộc khai quật tại Shimao cho biết.

Phát hiện đáng kinh ngạc hơn nữa: Sau khi xác định niên đại bằng carbon tại Shimao, giới khảo cổ xác định nơi đây có niên đại 4300 năm. Điều này có nghĩa là Shimao lâu đời hơn phần cổ nhất của Vạn Lý Trường Thành tận 2000 năm, và đã tồn tại 500 năm trước khi nền văn minh Trung Quốc xuất hiện tại Đồng bằng Trung tâm (cách đó hàng trăm km về phía nam).

Khai quật mật thất niên đại 4.300 năm, thứ bên trong khiến nhà khảo cổ phải rùng rợn - Ảnh 1.

"Shimao là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 21 này" - Sun Zhouyong. Nguồn: Internet

Shimao phát triển mạnh mẽ ở khu vực xa xôi này trong gần nửa thiên niên kỷ, từ khoảng năm 2300 trước Công nguyên đến năm 1800 trước Công nguyên. Nơi đây từng là một thành phố được thiết kế để đối mặt với nguy hiểm/xung đột thường xuyên - Một vùng đất biên giới bị thống trị hàng ngàn năm bởi chiến tranh giữa những người chăn nuôi du mục phía bắc với những người nông dân ở đồng bằng trung tâm.

Để bảo vệ mình khỏi các đối thủ hung bạo, giới tinh hoa Shimao đã tạo hình kim tự tháp 20 tầng thuôn dài của họ trên đỉnh cao nhất của những ngọn đồi trong thành phố. Kim tự tháp có thể nhìn thấy từ mọi điểm của thành phố, bằng khoảng một nửa chiều cao của Đại kim tự tháp ở Giza của Ai Cập, được xây dựng vào khoảng cùng thời gian (2250 trước Công nguyên). Nhưng khu mật thất của nó lớn hơn gấp 4 lần Giza.

Các công sự của Shimao đáng kinh ngạc không chỉ về kích thước mà còn về sự khéo léo của những người tạo ra chúng.

NHƯNG, về sau Shimao bị bỏ hoang một cách đột ngột và bí ẩn. Không một văn bản cổ nào giúp định hướng cho ngành khảo cổ học Trung Quốc có nhắc đến một thành phố cổ đại ở phía bắc này.

Hé lộ bí mật rùng rợn

Tuy nhiên, càng đi sâu khám phá, các nhà khảo cổ Trung Quốc càng phát hiện thêm những bí mật thực sự đáng sợ thời xưa.

Tiếp tục khai quật, họ phát hiện bức tường thành dài gần 10 km bảo vệ xung quanh một kim tự tháp cao 700 mét và một mật thất chứa các hiện vật cổ, ngọc bích, 70 tác phẩm điêu khắc phù điêu tuyệt đẹp bằng đá và bằng chứng khủng khiếp chứa lịch sử về con người thời kỳ đồ đồng sau này ở Trung Quốc.

Khám phá rùng rợn nhất nằm bên dưới bức tường phía Đông của kim tự tháp: 80 hộp sọ người nằm gọn trong sáu cái hố - và không có bộ xương người nào hoàn chỉnh. (Hai hố gần Cổng Đông chứa đúng 24 đầu lâu trong mỗi cái hố.)

Khai quật mật thất niên đại 4.300 năm, thứ bên trong khiến nhà khảo cổ phải rùng rợn - Ảnh 2.

Kim tự tháp cao 700 mét tại Shimao. Nguồn: LI MIN / UCLA

Khai quật mật thất niên đại 4.300 năm, thứ bên trong khiến nhà khảo cổ phải rùng rợn - Ảnh 3.

Những bộ đầu lâu hé lộ bí mật kinh hoàng. Nguồn: NATIONAL GEOGRAPHIC

Số lượng và vị trí của các đầu lâu cho các nhà khảo cổ gợi ý về một nghi lễ chặt đầu hiến tế - có thể đây là minh chứng sớm nhất về sự hy sinh của con người trong lịch sử Trung Quốc. Các nhà khoa học pháp y xác định hầu hết các nạn nhân đều là các cô gái trẻ, nhiều khả năng là các tù nhân thuộc nhóm đối thủ.

Li Min, một nhà khảo cổ học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ - người đã đến thăm và viết nhiều về Shimao cho biết: "Quy mô cũng như tính chất rùng rợn trong nghi lễ ở Shimao là chưa từng có ở Trung Quốc thời kỳ đầu."

Những chiếc xương đầu lâu là một dấu hiệu cho thấy Cổng phía Đông đánh dấu lối vào một thế giới khác. Bất cứ ai đi ngang qua ngưỡng cửa — phía trên các hố hiến tế đã được chôn cất — sẽ thấy các khối đá trên các bức tường được chạm khắc với kiểu dáng hình thoi, khiến chúng trông giống như những đôi mắt khổng lồ đang nhìn xuống Cổng phía Đông. Nêm vào những bức tường đá là hàng nghìn miếng ngọc bích màu đen và xanh lá cây đậm, những đồ trang sức lung linh vừa để xua đuổi ma quỷ vừa thể hiện sức mạnh và sự giàu có của giới tinh hoa Shimao.

Bên cạnh viên ngọc bích, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy phần còn lại của da cá sấu, chắc hẳn đến từ một vùng đầm lầy xa hơn nhiều về phía nam. Trống da cá sấu có thể được sử dụng trong các nghi lễ, một dấu hiệu cho thấy vai trò quan trọng của âm nhạc trong cuộc sống cung điện Shimao.

Manh mối

Chỉ một phần nhỏ của Shimao đã được khai quật cho đến nay, vì vậy những khám phá vẫn tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Cùng với những bức chạm khắc trên đá được phát hiện vào năm 2019, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về những bức tượng bán thân và tượng người từng được đặt trên các bức tường xung quanh Cổng Đông.

Nhà khảo cổ Li Min cho biết: "Chúng tôi chỉ mới bắt đầu hiểu được những gì mà các hình chạm khắc có thể biểu thị, nhưng những hình ảnh biểu diễn nhân hình học là "một nỗ lực rất sáng tạo và hiếm có".

Khai quật mật thất niên đại 4.300 năm, thứ bên trong khiến nhà khảo cổ phải rùng rợn - Ảnh 4.

Các tác phẩm chạm khắc trên đá được khai quật gần đây "có thể đã ban tặng cho kim tự tháp Shimao sức mạnh tôn giáo đặc biệt," các nhà khảo cổ nói. Nguồn: BEN SHERLOCK / NATIONAL GEOGRAPHIC

Có quá nhiều điều về Shimao vẫn được ẩn giấu trong bí ẩn, kể cả tên của nó. Các nhà khảo cổ vẫn đang cố gắng tìm hiểu cách thức hoạt động của nền kinh tế Shimao, cách thành phố này tương tác với các nền văn hóa thời tiền sử khác và liệu giới tinh hoa của Shimao có sở hữu hệ thống chữ viết hay không. "Điều đó sẽ giải đáp được một bí ẩn lâu đời nếu chúng ta khám phá ra".

Tuy nhiên, có một số manh mối giải thích tại sao Shimao bị bỏ hoang sau 500 năm. Đó không phải là trận động đất, lũ lụt hay bệnh dịch. Một cuộc chiến có thể đã giúp đẩy lùi họ, nhưng các nhà khoa học thấy nhiều bằng chứng hơn cho thấy biến đổi khí hậu đóng một vai trò quan trọng.

Vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, khi Shimao được thành lập, khí hậu tương đối ấm và ẩm ướt đã thu hút người xưa ngày càng tăng đến Cao nguyên Hoàng thổ. Các ghi chép lịch sử cho thấy sự chuyển dịch nhanh chóng từ năm 2000 đến năm 1700 trước Công nguyên sang khí hậu khô hơn và mát hơn. Hồ cạn, rừng biến mất, sa mạc bị lấn chiếm, và người dân Shimao di cư đến nơi nào không rõ...

Shimao hiện là khu định cư thời kỳ đồ đá mới lớn nhất được biết đến ở Trung Quốc - khu đất rộng 1.000 mẫu Anh của nó lớn hơn Công viên Trung tâm của Thành phố New York (Mỹ) khoảng 25% - với nền tảng nghệ thuật và văn minh cổ, có ảnh hưởng đến các triều đại Trung Quốc về sau.

Cùng với những khám phá gần đây tại các địa điểm tiền sử khác gần đó và dọc theo bờ biển, Shimao đang buộc các nhà sử học phải suy nghĩ lại về sự khởi đầu của nền văn minh Trung Quốc — mở rộng hiểu biết của họ về các vị trí địa lý và những ảnh hưởng bên ngoài của các nền văn hóa sớm nhất của nó.

"Shimao là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 21 này. Nó cung cấp chúng ta một cách nhìn mới về sự phát triển của nền văn minh sơ khai Trung Quốc" - Nhà khảo cổ Sun Zhouyong nói cụ thể.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)

tin tức liên quan