Những chiến tích oai hùng đi vào lịch sử của người lính xe tăng Việt Nam

Ngày đăng: 07:12 06/09/2020 Lượt xem: 620

Những chiến tích oai hùng đi vào lịch sử của người lính xe tăng Việt Nam

                                                                Nguồn: Báo Điện tử VTC

Chiến thắng của tuyển tăng Việt Nam tại Army Games 2020 thêm một lần nữa tô thắm truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp anh hùng.



Chiều 4/9, Đội tuyển Xe tăng làm nức lòng người hâm mộ quê nhà với thành tích vô địch cuộc đua xe tăng hành tiến tại Army Games 2020.

Trước chiến tích này, Đại tá Nguyễn Ngọc Thăng, Đội trưởng đội tuyển Xe tăng QĐND Việt Nam cho biết các vận động viên đã thể hiện đúng bản lĩnh “bình tĩnh, tự tin và quyết thắng” của người lính xe tăng Việt Nam.

Tấm huy chương Vàng tại Army Games 2020 cũng thêm một lần nữa tô thắm truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp anh hùng.

Truyền thống này đã có từ lâu đời với những cái tên anh hùng làm nên những chiến tích oai hùng cách đây nhiều thập kỷ.

"Bác sĩ xe tăng” tuổi 20

Năm 1971, một nam sinh viên năm 3 ngành chế tạo máy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xếp lại việc học, xung phong lên đường nhập ngũ và vào chiến trường Nam bộ. Cũng như bao nhiêu người lính trẻ thời ấy, trong anh hừng hực khí thế và mong muốn sẵn sàng cống hiến, hy sinh để góp phần giành lại độc lập cho dân tộc.

nhu ng chie n ti ch oai hu ng di vao lich su cu a ngu o i li nh xe ta ng vie t nam
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cán.

Anh được nhận vào đơn vị tăng thiết giáp, vận hành một loại xe tăng đặc biệt nặng trên 50 tấn do Liên Xô giúp đỡ chi viện cho chiến trường miền Nam dùng để cứu kéo xe tăng hư hỏng trong trận địa về tuyến sau sửa chữa. Người lính lái xe tăng đặc biệt đó là Trung sĩ Phạm Văn Cán, Anh hùng Quân đội, đồng đội lính tăng thiết giáp hay gọi anh là “bác sĩ xe tăng”.

Tháng 3/1972, Phạm Văn Cán cùng đồng đội nhận xe tại Bằng Tường (Trung Quốc) lái băng băng về Bàu Nai, Lương Sơn (Hòa Bình) thì bị một trận bom B.52 phủ đầu. Nhận lệnh hành quân, đoàn tăng hơn 100 chiếc ngụy trang lá, ban đêm bật đèn rùa mò mẫm tiến vào Nam theo đường Trường Sơn.

Suốt chặng đường hành quân, Phạm Văn Cán đã cứu kéo 73 lượt xe tăng sa lầy, hỏng máy, trúng đạn… được đơn vị cử đi dự hội nghị Binh chủng tại Lộc Ninh và được tuyên dương.

Từ tháng 5/1973 đến tháng 4/1975, Phạm Văn Cán làm nhiệm vụ dắt xe tăng, xe thiết giáp trong chiến đấu. Anh đã tham gia 3 chiến dịch, cứu kéo được 40 chiếc xe về tới nơi an toàn.

Trong chiến dịch Bến Cát từ tháng 5-9/1974, trời mưa nhiều, đường lầy lội, địch bắn phá ác liệt, Phạm Văn Cán vẫn bất chấp gian nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Cả chiến dịch, anh cứu kéo được 18 chiếc xe tăng về sửa chữa, khôi phục lại, tiếp tục chiến đấu.

Trận đánh quận lỵ Chơn Thành (Bình Long) tháng 4/1975, có 2 xe tăng của ta bị hỏng nằm sát trận địa địch, nguy cơ sẽ bị chúng cướp xe hoặc phá hủy, Phạm Văn Cán dũng cảm mở nắp xe, nhô ra ngoài vừa lái vừa quan sát tránh bãi mìn, thà hy sinh chứ không để xe và đồng đội bị thương, anh đã cứu được 2 xe tăng về an toàn, cổ vũ cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch.

Những chiến tích này giúp Phạm Văn Cán được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, được tặng 4 bằng khen và giấy khen. Ngày 15/1/1976, ông được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dũng sĩ thiết giáp chống Mỹ

Sinh trưởng tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, cha là cán bộ cách mạng bị thực dân Pháp bắt tra tấn dã man và chết trong nhà tù của địch, năm 1971, mới 17 tuổi, Bùi Tiến Hợp xung phong lên đường nhập ngũ.

Đầu quân vào Binh chủng Tăng-Thiết giáp, tháng 4/1972 anh được bổ sung về Đại đội Thiết giáp 17 thuộc Tiểu đoàn 117b (Đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574 hiện nay), nhận nhiệm vụ lên đường vào Nam chiến đấu.

Tháng 1 năm sau, trong trận đánh chiếm ngã ba Đồng Tranh (Phú Bình), khi chiếc xe đi đầu của ta bị trúng đạn chống tăng bốc cháy, anh đã dũng cảm điều khiển xe 056 vượt lên tiêu diệt hỏa điểm địch, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng ta xuất kích giành thắng lợi.

Ngày 24/3/1975, tham gia trận tiến công mở màn Chiến dịch Xuân Hè của Quân khu 5, chiếc xe 056 do Bùi Tiến Hợp là lái xe, đồng chí Nguyễn Quốc Vinh là trưởng xe, đồng chí Đào Văn Minh - pháo thủ nhận mệnh lệnh cùng xe 389 tiến công trên hướng thứ yếu, vu hồi từ hướng Nam đánh vào thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam).

Khi qua cầu Tam Kỳ vấp phải hỏa lực rất mạnh của địch, pháo thủ Minh hy sinh, bản thân anh Hợp lúc này cũng bị thương song vẫn bình tĩnh nhấn ga cho xe tăng tốc, lao thẳng vào xe thiết giáp địch, hất chiếc xe này văng xuống vệ đường, 4 tên lính ngụy từ trong xe hoảng hốt ra hàng. Tiếp đó anh dùng xích sắt của xe 056 đè bẹp 2 xe Jeep và húc đổ nhiều xe GMC của địch, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Tam Kỳ.

Sau trận đánh dũng mãnh này, Bùi Tiến Hợp tiếp tục cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong các trận đánh vào các thành phố, thị xã phía Nam, xe thiết giáp của anh luôn dẫn đầu đội hình, chiến đấu dũng cảm, gây cho địch nhiều tổn thất.

Với những chiến công này, anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba; xe thiết giáp số hiệu 056 do anh điều khiển được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.

"La Văn Cầu của Đường 9 - Khe Sanh"

Khi đang là sinh viên khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa, Bùi Ngọc Dương tình nguyện nhập ngũ vào Binh chủng Công binh và được biên chế về Trung đoàn Công binh 7 thuộc Bộ Tư lệnh 559.

Với chuyên môn sẵn có của một sinh viên sắp tốt nghiệp khoa Xây dựng, Bùi Ngọc Dương có nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mở đường cũng như xây dựng công trình chiến đấu của đơn vị.

Với những thành tích đã lập được trong quá trình công tác, Bùi Ngọc Dương được phong quân hàm Chuẩn úy và bổ nhiệm chức vụ trung đội phó.

nhu ng chie n ti ch oai hu ng di vao lich su cu a ngu o i li nh xe ta ng vie t nam
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Bùi Ngọc Dương.

Khi Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định tiến công cụm cứ điểm Huội San (ngày 23/1/1968), tiểu đoàn của Bùi Ngọc Dương được giao nhiệm vụ bảo đảm cho xe tăng cơ động, đồng thời thực hành mở cửa cho xe tăng và bộ binh xung phong tiến công cứ điểm Tà Mây.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hạ độ dốc, làm bến lội để vận chuyển thương binh, Bùi Ngọc Dương lại chỉ huy trung đội lên phá 4 bãi mìn, mỗi bãi dài gần 400m, rộng 200m. Mặc dù hỏa lực từ trong căn cứ địch và máy bay bắn phá rất ác liệt hòng ngăn chặn quân ta tiến công, anh vẫn bình tĩnh quan sát địa hình, nắm thời cơ lao lên đánh quả bộc phá đầu tiên và đi sát hướng dẫn các chiến sỹ phá tiếp các bãi mìn.

Sau khi mở thông đường, Bùi Ngọc Dương nhanh chóng theo xe tăng tiến đánh địch ở sâu trong căn cứ của chúng. Anh bình tĩnh đứng trên xe quan sát và dùng súng 12,7mm diệt một số hỏa điểm địch, tạo thuận lợi cho xe tăng phát triển đột kích sâu. Bị gãy tay, Bùi Ngọc Dương nén đau tự băng bó và không bỏ lỡ thời cơ, tiếp tục chỉ huy đơn vị diệt địch, không rời vị trí. Lần thứ 2 bị thương vào chân, tuy chỉ còn một cuộn băng, Bùi Ngọc Dương vẫn nhường cho đồng đội.

Trận đánh kết thúc thắng lợi, trước khi được quân y chuyển đi, anh còn động viên đồng đội nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vết thương quá nặng, Bùi Ngọc Dương đã hy sinh tại bệnh viện.

Ngày 20/12/1969, Bùi Ngọc Dương được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được cán bộ chiến sĩ trong đơn vị và toàn mặt trận suy tôn là "La Văn Cầu của Đường 9 - Khe Sanh".

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan