Cuộc thám hiểm Bắc Cực lớn nhất kết thúc sau 389 ngày

Ngày đăng: 08:51 12/10/2020 Lượt xem: 337

Cuộc thám hiểm Bắc Cực lớn nhất kết thúc sau 389 ngày

     
  • Thứ hai, 12/10/2020 14:25 (GMT+7)

Hàng trăm nhà khoa học từ 20 quốc gia trên con tàu Polarstern ở Bắc Cực sẽ trở về trong hôm nay. Họ mang theo dữ liệu khổng lồ về tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực.

Các nhà nghiên cứu trong sứ mệnh lớn nhất thế giới tới Bắc Cực sẽ quay về vào ngày 12/10. Họ sẽ mang theo bằng chứng về một Bắc Băng Dương đang chết dần cùng những cảnh báo về mùa hè không băng trong vài thập kỷ tới.

Con tàu Polarstern của Viện Alfred Wegener, Trung tâm Nghiên cứu Biển và Địa cực Helmholtz (AWI), dự kiến cập cảng Bremerhaven (Đức) sau 389 ngày trôi qua các khối băng trên Bắc Cực.

Con tàu giúp các nhà khoa học thu thập thông tin quan trọng về tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với Bắc Cực.

Nhóm nghiên cứu gồm hàng trăm nhà khoa học từ 20 quốc gia đã chứng kiến các tác động mạnh mẽ của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với băng ở khu vực được coi là “tâm chấn của biến đổi khí hậu”, theo trưởng đoàn Markus Rex.

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​biển Bắc Cực đang chết dần chết mòn như thế nào”, ông Rex nói với AFP. “Chúng tôi đã thấy quá trình này ngay bên ngoài cửa sổ của con tàu, hoặc khi chúng tôi đi bộ trên lớp băng giòn”.

Về lượng băng biển đã tan ra, ông Rex cho biết đoàn thám hiểm có thể đi qua những vùng nước rộng lớn, “đôi khi kéo dài đến tận chân trời”.

“Tại chính Bắc Cực, chúng tôi nhận thấy băng bị xói mòn nghiêm trọng, tan chảy, mỏng và giòn”, ông nói.

“Bắc Cực không có băng”

Nếu xu hướng ấm lên ở Bắc Cực tiếp diễn, thì chỉ sau vài thập kỷ nữa, chúng ta sẽ có “một Bắc Cực không có băng vào mùa hè”, Rex nói.

Các hình ảnh vệ tinh của Mỹ hỗ trợ cho việc quan sát của các nhà nghiên cứu. Họ nhận thấy rằng vào năm 2020, băng biển ở Bắc Cực vào mùa hè sẽ đạt mức thấp thứ hai so với kỷ lục, ghi nhận từ sau năm 2012.

Sứ mệnh Polarstern, được gọi là MOSAiC, đã dành hơn một năm để thu thập dữ liệu về khí quyển, đại dương, băng biển và các hệ sinh thái nhằm giúp đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với Bắc Cực và thế giới.

Để thực hiện nghiên cứu, 4 điểm quan sát đã được thiết lập trên biển băng trong bán kính lên tới 40 km xung quanh con tàu.

ket thuc hanh trinh tham hiem Bac Cuc anh 1

MOSAiC thường được xem là "chuyến thám hiểm nghiên cứu Bắc Cực vĩ ​​đại nhất mọi thời đại". Ảnh: MOSAiC Expedition.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu nước bên dưới lớp băng trong đêm vùng cực (đêm kéo dài hơn 24 giờ) để nghiên cứu sinh vật phù du và vi khuẩn thực vật, đồng thời hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của hệ sinh thái biển trong điều kiện khắc nghiệt.

Chuyến thám hiểm trị giá 140 triệu euro (165 triệu USD) cũng mang về 150 terabyte dữ liệu và hơn 1.000 mẫu băng, theo AFP.

“Cuộc thám hiểm tất nhiên sẽ cho ra kết quả ở nhiều cấp độ khác nhau”, trưởng đoàn nghiên cứu Rex nói.

Nhóm nghiên cứu đã đo hơn 100 thông số gần như liên tục trong suốt một năm và hy vọng thông tin này sẽ là “bước đột phá trong việc tìm hiểu hệ thống khí hậu và Bắc Cực”.

Việc phân tích dữ liệu sẽ mất tới 2 năm, với mục đích phát triển các mô hình giúp dự đoán các đợt nắng nóng, mưa lớn hoặc bão trong 20, 50 hoặc 100 năm tới.

Chuyến thám hiểm trong bóng tối

Kể từ khi con tàu khởi hành từ Tromso, Na Uy, vào ngày 20/9/2019, thủy thủ đoàn đã trải qua nhiều tháng đằng đẵng chìm hoàn toàn trong bóng tối, với nhiệt độ thấp tới -39,5 độ C và xung quanh là 20 con gấu Bắc Cực.

Sứ mệnh gần như bị “trật bánh” vào mùa xuân bởi đại dịch Covid-19, khi thủy thủ đoàn bị mắc kẹt ở Bắc Cực trong hai tháng.

Một nhóm các nhà khoa học đa quốc tịch dự kiến bay tới tàu Polarstern theo lịch trình để tiếp sức cho những người trên đó có thể trở về đã không thể thực hiện kế hoạch. Mọi thứ đảo lộn khi các chuyến bay bị hủy trên khắp thế giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

ket thuc hanh trinh tham hiem Bac Cuc anh 2

Tàu phá băng Polarstern trong đêm. Ảnh: MOSAiC Expedition.

Radiance Calmer, nhà nghiên cứu từ Đại học Colorado và là người ở trên tàu Polarstern từ tháng 6 đến tháng 9 vừa qua, nói với AFP rằng bước đi trên băng là khoảnh khắc “kỳ diệu”.

“Nếu bạn tập trung, bạn có thể cảm thấy nó đang chuyển động”, bà nói.

Thách thức lớn nhất của chuyến đi là mặt hậu cần, đặc biệt là nuôi sống thủy thủ đoàn. Trong ba tháng đầu tiên, con tàu được cung cấp 14.000 quả trứng, 2.000 lít sữa và 200 kg củ cải Thụy Điển (rutabaga).

Đầu bếp của con tàu, Sven Schneider, không đánh giá thấp vai trò của mình trong chuyến thám hiểm.

“Nhiệm vụ của tôi là duy trì tinh thần của 100 người sống hoàn toàn trong bóng tối”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Đức Die Zeit.


tin tức liên quan