Ông Lê Vinh Danh nói về "thu nhập 556 triệu đồng mỗi tháng"
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh, nói thu nhập trước thuế của mình là 407 triệu đồng, không phải 556 triệu, và đây là mức hợp lý.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa thông tin về 6 vấn đề sai phạm, khuyết điểm của ông Lê Vinh Danh (bị cách chức Hiệu trưởng hôm 21/10) tại Đại học Tôn Đức Thắng. Trong đó, lần đầu tiên cơ quan chủ quản đề cập đến "thu nhập 556 triệu đồng mỗi tháng" của ông Danh và cho là việc chi trả lương chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có sự chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa Hiệu trưởng, Trợ lý hiệu trưởng, các Hiệu phó và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Cụ thể, trong tháng 8, thu nhập viên chức giảng dạy là 23,7 triệu đồng, viên chức hành chính 22,5 triệu đồng, lao động giản đơn 13,4 triệu đồng. Lương và thu nhập của Trợ lý hiệu trưởng là 255 triệu đồng, người phụ trách trường 72,7 triệu đồng...
Trả lời VnExpress chiều 27/10,ông Lê Vinh Danh dành nhiều thời gian nói về quá trình phát triển, cơ chế tự chủ đại học tại trường Tôn Đức Thắng và không bình luận về kết luận sai phạm do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra.
Về thu nhập, cựu Hiệu trưởng cho biết, trung bình mỗi tháng nhận 407 triệu đồng. Sau khi đóng thuế và các khoản khác theo quy định, ông thực lãnh 286 triệu. Hồi đầu năm dịch bệnh bùng phát, Đại học Tôn Đức Thắng gặp khó khăn tài chính. Nhiều cán bộ tự nguyện nhận lương ít hơn trong tháng 3 và 4, phần còn lại để trường trả chậm. Ông khi đó chỉ nhận 40% thu nhập và được trả bổ sung 60% còn lại vào các tháng 6, 7 và 8. Đây là nguyên nhân khiến con số tổng thu nhập ông nhận (trước thuế) lên tới 556 triệu đồng.
Theo ông Danh, thu nhập mà Đại học Tôn Đức Thắng trả cho giảng viên, viên chức không theo chức danh mà theo vị trí công việc, số đầu việc họ phụ trách, khối lượng công việc và hiệu quả sản phẩm đầu ra. Tất cả các tiêu chí này đều định lượng, rõ ràng.
Do đó, một chức danh nghề nghiệp giống nhau, song khác nhau về số lượng sản phẩm đầu ra thì thu nhập giữa nhiều người rất chêch lệch. Chẳng hạn, cùng là giảng viên nhưng có người thu nhập gấp 4-5 lần người khác, cùng là nghiên cứu viên có thể chênh nhau 10 lần.
"Nguyên tắc trả lương là nhà trường chỉ trả lương cho anh x đồng khi và chỉ khi giá trị anh mang lại cho nhà trường là hơn x. Đây là cách giúp trường phát triển suốt những năm qua. Bởi nếu cào bằng, người có năng suất cao không muốn làm nhiều hơn, người năng suất thấp cũng không có động lực làm thêm", ông Danh nói.
|
Ông Lê Vinh Danh trong buổi gặp báo chí chiều 27/10. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Ông Lê Vinh Danh trong buổi gặp báo chí chiều 27/10. Ảnh: Mạnh Tùng.
Cựu Hiệu trưởng cũng cho rằng, bản chất của vấn đề thu nhập là làm nhiều hay làm ít, nên mỗi người khi nhận được mức thu nhập nào đó đều có sự hợp lý riêng. "Có người 20 triệu mỗi tháng là hợp lý, người 110 triệu là hợp lý và tôi 286 triệu cũng hợp lý. Tôi làm việc nhiều nhất ở trường, mỗi ngày 10-13 tiếng và gần như 360 ngày mỗi năm. Quan trọng hơn, tất cả mọi việc xảy ra ở trường tôi phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, mà sự chịu trách nhiệm này là vô giá", ông Danh nêu quan điểm.
Trả lời về việc Đại học Tôn Đức Thắng là đơn vị sự nghiệp của cơ quan Nhà nước, cơ chế trả lương phải theo quy định của pháp luật, ông Lê Vinh Danh khẳng định trường bảo đảm cơ sở pháp lý, phù hợp với pháp luật hiện hành và Quyết định 158/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng về phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Đại học Tôn Đức Thắng. Từ khi trường là đại học dân lập đến giai đoạn 2003-2008 chuyển sang đại học bán công vẫn hưởng cơ chế như dân lập. Khi trở thành trường công lập, trường vẫn thu và chi như trường ngoài công lập theo đúng quy định.
Liên quan đến thu nhập của cán bộ, giảng viên, một thành viên Hội đồng chính sách tiền lương Đại học Tôn Đức Thắng (từ chối nêu danh tính) cho biết, trường chưa từng có bảng lương trả cho cựu Hiệu trưởng mức 556 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, ông Danh nhận được 407 triệu đồng trước thuế, gồm: lương theo ngạch, bậc nhà nước (giảng viên cao cấp, hệ số lương 6,92, phụ cấp chức vụ là 1); các khoản phụ cấp (ăn trưa, trang phục...); thu nhập theo năng lực, năng suất lao động.
Ngoài ông Danh, Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (thuộc đại học này), tương đương cấp trưởng phòng có thu nhập sau thuế 280 triệu đồng; cấp trưởng khoa 90 triệu; nhiều nghiên cứu viên trên 200 triệu/tháng. Riêng Trợ lý hiệu trưởng (được Tổng Liên đoàn Lao động công bố thu nhập trên 225 triệu) thực lãnh khoảng 195 triệu. Viên chức này có thu nhập cao bởi kiêm nhiệm 6 vị trí công việc khác nhau.
Trong khi đó, người được phân công phụ trách trường nhận 72,7 triệu đồng bởi đây là mức thu nhập ở vị trí Viện trưởng. Người này nhận nhiệm vụ từ 21/8 nên thu nhập chưa tính theo vị trí, số đầu công việc, khối lượng và trách nhiệm theo chức danh mới.
Phương án tính thu nhập của Đại học Tôn Đức Thắng do Hội đồng nghiên cứu chính sách tiền lương xây dựng. Quy trình xếp thu nhập của hội đồng gồm các bước: căn cứ vào hồ sơ năng lực của ứng viên để dự thảo bảng điểm tính lương theo các tiêu chí cứng của hệ thống tính toán thu nhập; trưởng đơn vị là trực tiếp xem xét, chấm điểm và đề xuất mức thu nhập viên chức đến hội đồng tiền lương; hội đồng xem xét, nhất trí và trình Ban giám hiệu thông qua; cuối cùng là trao đổi với viên chức để có sự đồng thuận.
Viên chức của trường có thể đăng ký tăng các đầu việc, sản phẩm đầu ra để có thu nhập cao hơn. Mỗi năm trường đều chấm lại mức lương, thu nhập cho từng người và áp dụng trong năm.
Tương tự, một cán bộ của Đại học Tôn Đức Thắng lý giải, trường tự chủ tài chính về chi đầu tư và chi thường xuyên, không nhận ngân sách Nhà nước hay của cơ quan chủ quản. Do đó, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định, trường có quyền quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo quy chế chi tiêu nội bộ.
Quy chế này được Hội đồng trường thông qua từ năm 2012, phù hợp với các quy định của pháp luật, được công khai để mọi cán bộ, nhân viên biết rõ. Hằng năm, nội dung chi trả lương, thu nhập luôn được báo cáo tại Hội nghị cán bộ, viên chức, nhận ý kiến góp ý và bổ sung vào quy chế chi tiêu nội bộ. Giai đoạn 2012-2019 luôn có những bổ sung, Hội đồng trường thông qua và Hiệu trưởng ký ban hành.
Đại học Tôn Đức Thắng, tiền thân là trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Lê Vinh Danh, 57 tuổi, học vị tiến sĩ, công tác tại trường từ năm 1999. Ông Danh làm Hiệu trường trường từ tháng 7/2007, trước khi bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức.
( C. H sưu tầm)