Tại sao? Phạm Thành Long

Ngày đăng: 03:33 02/11/2020 Lượt xem: 349
TẠI SAO? 

Phạm Thành Long

       


       Bộ đội Trường Sơn chúng tôi nhiều năm trải qua mùa mưa ở Trường Sơn. Những người lính Trường Sơn, nhất là những đồng chí ở Nam Lào thì mùa mưa thật kinh hoàng. Mưa ào ào liên hồi như đổ nước xuống những cánh rừng. Mưa xối xả liên tiếp mấy ngày đêm liền. Những con suối cạn đầy ắp nước. Nước cuồn cuộn dâng và chảy. Nó cuốn phăng tất cả trên đường đi của nó... Tôi làm một so sánh rằng nếu so sánh những trận mưa trong các cơn bão vừa qua ở các tỉnh miền Trung của chúng ta với những cơn mưa ở Trường Sơn thì chẳng thấm tháp gì. Mùa mưa năm 1971, chúng tôi từng chứng kiến mưa như đổ nước từ trên trời xuống khu vực tỉnh Tavenoọc (nay là tỉnh Sê Kông, Nam Lào). Mưa liên tục không ngớt suốt gần 20 ngày đêm của tháng 8 năm ấy. Các tỉnh miền Trung Việt Nam hứng chịu những cơn bão ở phía Đông Trường Sơn thì bên Tây Trường Sơn sau hoàn lưu của bão và áp thấp nhiệt đới, trời trút những cơn mưa thật dữ dội. Những ngày như thế, lính Trường Sơn không thể ra khỏi hầm. Đến bữa ăn, việc anh em chúng tôi lấy được cơm từ bếp ăn về nhà là một cực hình trong mưa gió.
      Trời trút một lượng nước mưa xuống rừng Trường Sơn khủng khiếp và kéo dài nhiều ngày liền. Ấy vậy mà chúng tôi thấy rất ít chuyện sạt lở núi. Rừng và núi trong một thời gian dài phải ngậm một khối lượng nước vô cùng lớn, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện những quả đồi ục nước như xảy ra ở mấy tỉnh miền Trung vừa qua!
      Vậy tại sao ở nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... xảy ra liên tiếp các vụ sạt lở núi kinh hoàng???
       Nhìn hình ảnh quay từ trên máy bay trực thăng cảnh khu vực Trà Leng chúng ta thấy hàng chục khe suối, hàng chục quả đồi bị sạt lở kinh hoàng. Có một điều tôi xin khẳng định rằng: Những trận mưa do những cơn bão số 6, 7, 8 và 9 vừa qua so với lượng mưa ở Nam Lào mà chúng tôi từng chứng kiến chả thấm tháp gì!  
       Tại diễn đàn Quốc hội mấy ngày qua, các đại biểu đang thảo luận sôi nổi về hậu quả của những trận lũ và sạt lở đất có phải do hậu quả của làm thủy điện gây ra không? Bộ Công thương - nơi quyết định phê duyệt thủy điện và quản lý nhà nước về thủy điện thì ra sức bảo vệ: "thủy điện không phải là nguyên nhân!!!"; các nhà máy thủy điện và các hồ nước vẫn đã và đang vận hành đúng quy trình!!! Các nhà khoa học thì cũng cho rằng do biến đổi địa chất cộng với lượng nước mưa quá lớn trong một thời gian ngắn là nguyên nhân chính gây ra sạt lở đất!!!
       Tôi làm một so sánh thế này: Nếu lượng mưa và thời gian mưa ở Nam Lào đạt mức 10 thì lượng mưa và thời gian mưa ở các tỉnh miền Trung vừa qua chỉ ở mức 4. Thế mà hậu quả lại rất khác nhau. Một bên là rất ít sạt lở đất. Còn một bên lại sạt lở kinh hoàng! Tại sao vậy?!
      Mấy chục năm qua, bàn tay của con người đã "thò vào" làm rừng núi của chúng ta biến đổi ghê ghớm quá! Theo tôi đấy là nguyên nhân! Năm 1868, trong một bài viết, Các Mác đã cảnh báo rằng: "Thiên nhiên không phải vô tận. Loài người nếu không biết khai thác và sử dụng tự nhiên một cách không khoa học thì ắt phải trả giá!"
       Lời cảnh báo đầy khoa học ấy của Các Mác, giờ đã và đang trở thành hiện thực trên hành tinh này!
      Những con đập thủy điện dày đặc ở miền Trung đã và đang làm biến đối tự nhiên ở đây.  Đấy là nguyên nhân!       Hãy ngăn chặn việc tiếp tục làm thủy điện nhất là thủy điện nhỏ lại. Chúng ta đã và đang đánh đổi quá lớn trong việc "thò bàn tay vào" làm biến đổi tự nhiên rồi. Không chờ đến ngày con cháu chúng ta phải trả giá đâu. Hôm nay chúng ta đã và đang phải trả giá quá lớn rồi!
      Nói như đại biểu Quốc hội Toàn Xuân Sùng: "Không phải vì tiền. Hãy vì tính mạng con người!"
tin tức liên quan