Nữ Đại sứ Việt Nam với cảm giác cả châu Âu bị ngưng đọng
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Ngày trở về, tôi đi đường bộ 600km tới Frankfurt từ 4h sáng. Dọc đường vắng tanh, tôi có cảm giác như châu Âu bị ngưng đọng lại. Không có cửa hàng nào còn mở.
Đại sứ Ngô Thị Hòa kết thúc nhiệm kỳ tại Hà Lan vào cuối tháng 3 năm nay. Bên lề hội thảo Phụ nữ và Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh 27/12 tổ chức chiều qua, bà chia sẻ với Tuần Việt Nam về những ngày dịch bệnh căng thẳng ở trời Âu.
|
Đại sứ Ngô Thị Hòa |
Châu Âu như vỡ trận
Tình hình Hà Lan như thế nào khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở châu Âu, thưa bà?
Dịch Covid-19 đến châu Âu chậm hơn so với châu Á. Khi dịch bệnh bùng phát, châu Âu được đánh giá tương đối an toàn, người dân nhìn thấy người châu Á mang khẩu trang thì khá kỳ thị, họ nghĩ rằng dịch bệnh sẽ chỉ xảy ra ở các nước kém phát triển hơn.
Từ tháng 2, khi dịch bệnh bùng phát ở Italia rồi lan rất nhanh ở các nước, châu Âu gần như vỡ trận. Ở Hà Lan, ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 27/2, khi một số người Hà Lan sang Italia dự festival trở về. Mỗi ngày, số người dương tính với virus tăng khoảng 10%, Chính phủ xét nghiệm 1.000 trường hợp thì có 100 người bị nhiễm, nhất là người cao tuổi ở các viện dưỡng lão.
Hà Lan có số giường bệnh rất ít có lẽ do hệ thống y tế phòng bệnh đã rất tốt, người nằm viện thường không nhiều. Khi dịch bệnh bùng phát quá mạnh, y tế bị quá tải, thậm chí một số bệnh nhân nhiễm virus phải sang Đức điều trị. Cuộc sống thay đổi hoàn toàn, từ một đất nước sôi động, nhiều khách du lịch, đường phố Hà Lan trở nên vắng tanh.
Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang phòng chống dịch lại gây tranh cãi, nhiều người cho rằng chỉ người bệnh hay nhân viên y tế mới đeo khẩu trang. Chính vì vậy, số lượng khẩu trang bán tại các cửa hàng thuốc rất ít. Và người đeo khẩu trang bị kỳ thị.
Tình hình Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan khi đó như thế nào?
Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan vẫn duy trì hoạt động theo yêu cầu, đồng thời đảm bảo an toàn cho cán bộ sứ quán. Chúng tôi phải áp dụng làm việc luân phiên theo ngày, theo buổi, mua thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng.
Chúng tôi không thể mua được khẩu trang ngoại trừ 1 hộp chồng tôi mang sang. Khẩu trang được chia cho mọi người trong ĐSQ, chủ yếu cho anh em làm công tác lãnh sự phải tiếp xúc với nhiều người.
Đã có những đồng nghiệp của chúng tôi ở Đức hay Pháp bị nhiễm Covid nhưng rất may mọi người đều phục hồi.
Tiệc chia tay đặc biệt
Thời điểm đó cũng là lúc Đại sứ sắp kết thúc nhiệm kỳ?
Vào giai đoạn kết thúc nhiệm kỳ, tôi có rất nhiều kế hoạch hoạt động đã định sẵn nhưng đều phải hủy bỏ, kể cả hoạt động chào Đức Vua hay liên hoan tạm biệt với Bộ Ngoại giao nước sở tại.
Tôi có hai người bạn rất thân trong thời gian tại nhiệm ở Hà Lan, đó là Đại sứ Cuba và Đại sứ Venezuela. Đại sứ Venezuela muốn tổ chức buổi chia tay tôi ở nhà Đại sứ chỉ với sự tham dự của 3 người. Bà đã đích thân chuẩn bị tiệc trà nhỏ với rất nhiều món bánh, trong căn phòng rất rộng. Chỉ có 3 Đại sứ nhưng ghế ngồi phải kê cách nhau 1,5m, theo quy định giãn cách.
|
Bà Ngô Thị Hòa và Đại sứ Cuba, Đại sứ Venezuela trong bữa tiệc chia tay không thể nào quên |
Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ nhưng không thể gần nhau hơn, ngay cả lúc chụp ảnh từ biệt thì vẫn đứng cách nhau 1,5m. Đây là trải nghiệm đặc biệt không thể quên trong cuộc đời làm ngoại giao của tôi.
Trong bối cảnh đó, việc trở về Việt Nam khi tôi kết thúc nhiệm kỳ trở nên rất khó khăn. Tôi phải thay đổi hãng bay 2 lần, rồi được biết còn 2 chuyến bay thương mại cuối cùng từ Frankfurt (Đức) về Việt Nam.
Tôi có duy nhất 1 ngày để chuẩn bị về mặt giấy tờ, chia tay mọi người trong ĐSQ, gọi điện thoại chia tay cộng đồng người Việt, đóng gói đồ đạc…
Ngày trở về, tôi đi đường bộ 600km tới Frankfurt từ 4h sáng để kịp chuyến bay lúc 2h chiều. Dọc đường vắng tanh, tôi có cảm giác như châu Âu bị ngưng đọng lại. Không hề có cửa hàng nào còn mở, kể cả nơi bán xăng. Tại sân bay chỉ còn tập trung những người trở về Việt Nam theo chuyến bay này (khoảng 250 người), còn lại rất vắng vẻ.
Ngày trở về và trách nhiệm với cộng đồng
Và chuyến bay về Việt Nam của bà đã diễn ra khác biệt như thế nào?
Trong suốt hành trình dài về Việt Nam, mọi người được phát một hộp đồ ăn nguội và chai nước uống. Ai cũng lặng lẽ, hầu như không di chuyển, muốn ho không dám ho vì ho lên là cả máy bay sợ hãi.
Tất cả hành khách đều phải đeo khẩu trang, đi găng tay và kiểm tra nhiệt độ khi lên và sau khi xuống máy bay. Mỗi hành khách phải được ngồi cách một hàng ghế để giảm thiểu tiếp xúc. Ngoài ra, ai cũng được phun thuốc khử trùng. Bản thân tôi chưa từng được trải nghiệm một chuyến bay nào như vậy, cho nên có phần lo lắng khi thấy tất cả hành khách đều hành động rất thận trọng.
|
Bài viết của Đại sứ Ngô Thị Hòa đăng trên Tạp chí Diplomat (Hà Lan) |
Máy bay tới Vân Đồn thì đoàn được làm thủ tục tới khu cách ly. Mọi người được làm thủ tục khá nhanh chóng nhưng tôi thì khác. Bình thường cán bộ ngoại giao được miễn trừ cách ly, nhưng nhân viên sân bay chưa từng gặp trường hợp này nên không biết giải quyết ra sao.
Tôi là Đại sứ đầu tiên về nước từ vùng dịch, trong khi đó gia đình và người thân, hàng xóm thông tin với nhiều lo lắng. Tôi quyết định tình nguyện theo đoàn đi cách ly tập trung với suy nghĩ virus không miễn trừ Đại sứ nào cả, vì trách nhiệm với cộng đồng và chính bản thân. Tôi là Đại sứ đầu tiên thực hiện việc cách ly khi về nước và về sau các đồng nghiệp trở về cũng làm như vậy. Tôi nghĩ đây là trách nhiệm chung của cán bộ ngoại giao với công tác phòng chống dịch.
Trong thời gian cách ly ở Hạ Long, tôi đã nhìn lại những gì trải qua. Lúc đầu phải trở về gấp rút như vậy, tôi nghĩ mình bất hạnh bởi cách kết thúc nhiệm kỳ không giống ai. Khi về nước, tiếp xúc thông tin nhiều hơn, tận mắt chứng kiến các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam, tôi nhận ra rằng thực ra mình là người may mắn khi trở về nơi rất an toàn.
Cả quá trình đồng hành với các bạn trong đoàn tại khu cách ly, chia sẻ nhiều chuyện, cùng theo dõi sức khỏe của nhau với những kỷ niệm xúc động. Tôi đã viết một bài báo về quá trình trở về Việt Nam, về nhận thức của tôi về việc phòng chống dịch của chính phủ và gửi cho tạp chí Diplomat của Hà Lan.
Bài báo lập tức được đăng tải và rất nhiều bạn bè bên đó đã gửi mail chúc mừng tôi, chúc mừng Việt Nam và đánh giá cao việc nước ta phòng chống dịch.
Gần đây nhất, Việt Nam đưa ra sáng kiến Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm và được Đại hội đồng LHQ thông qua. Là người từng sống giữa dịch bệnh, Đại sứ đầu tiên trở về Việt Nam từ vùng dịch, bà có đánh giá như thế nào về sáng kiến này?
Tôi cho rằng việc Việt Nam đưa ra sáng kiến này và được Đại hội đồng LHQ chấp nhận, đưa thành nghị quyết là vô cùng thành công.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng. Sáng kiến của Việt Nam được thông qua với sự nhất trí rất cao, đây là thành công và đóng góp lớn của Việt Nam trong vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Đại sứ Ngô Thị Hòa có nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines, Phó đại sứ Việt Nam tại Campuchia và Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan. Bà được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ năm 2017.
( C. H sưu tầm)
|