Có một người Việt Nam từng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Malaysia
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Ngay ngày đầu gặp nhau, tôi đã nhận ra Lai-Teak chính là Phạm Văn Đắc, quê ở Long Đất, Bà Rịa. Chính tôi đã giới thiệu Đắc vào Đảng năm 1930.
Xin giới thiệu với bạn đọc buổi trò chuyện giữa Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thọ Truật với GS Trần Văn Giàu và nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (Năm Đông).
Tôi đến thăm GS Trần Văn Giàu và xin hỏi bác về một chi tiết lịch sử, rằng có một người Việt Nam đã từng làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Malaysia. Người ấy có công lao lớn giúp nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp?
Mắt bác Giàu sáng rực lên rồi hỏi tôi:
- Ai kể chuyện ấy với đồng chí?
- Dạ thưa, bác Dương Quang Đông.
- Anh Năm Đông hả? Đúng đấy. Chuyện thế này…
Bác Giàu hồi tưởng và kể cho tôi nghe với một giọng rất khúc chiết, rành rẽ như đã nghĩ rất kỹ từ bao giờ...
|
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông - người đã trực tiếp làm việc với ông Lai-Teak |
Nhiệm vụ tại Thái Lan
Cuối năm 1945, khi Nam Bộ bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi là Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, được Bác Hồ gọi ra Hà Nội. Ở thủ đô Hà Nội, theo đề nghị của tôi và được Bác Hồ, anh Võ Nguyên Giáp đồng ý, tôi đi Thái Lan với tư cách là Tổng bộ Việt Minh để làm việc với Phó vương, Thủ tướng Thái Lan là Pridi Banomyong.
Cùng đi với tôi có anh Phạm Ngọc Thạch, sau này là Bộ trưởng Y tế. Chúng tôi làm 3 nhiệm vụ chính: Xin thật nhiều súng đạn rồi tổ chức chuyển về cho Nam Bộ kháng chiến; Vận động, tổ chức thành lập, huấn luyện đội quân Việt kiều về giúp Nam Bộ kháng chiến; Khai thông tuyến liên lạc, tiếp tế từ Thái Lan qua Campuchia về Nam Bộ và vận động nước bạn chống thực dân Pháp để chia lửa với Việt Nam.
Ở Thái Lan, tôi gặp anh Dương Quang Đông. Anh cho biết được xứ ủy Nam Kỳ giao cùng với Sơn Ngọc Minh mang vàng sang Thái Lan mua vũ khí chuyển về cho Nam Bộ kháng chiến và nếu có điều kiện thì làm những nhiệm vụ như của chúng tôi.
Tại Thái Lan, tôi nhận được điện của Hà Nội cử đi dự hội nghị châu Á, tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) do đảng Quốc đại của Thủ tướng Nehru tổ chức và mời Việt Nam. Sau hội nghị Á Châu, chúng tôi còn tổ chức hội nghị Đông Nam Á tại Bangkok.
Từ hội nghị ở Ấn Độ đến hội nghị ở Bangkok, tôi nhiều lần tiếp xúc với đoàn Malaysia và được biết thêm, phong trào kháng chiến chống Nhật ở Malaysia rất mạnh. Phong trào này do Đảng Cộng sản lãnh đạo và rất có uy tín. Thủ lĩnh phong trào hình như là một người Việt Nam.
Lãnh tụ phong trào kháng chiến
Sau khi Nhật đầu hàng, phe kháng chiến thu được rất nhiều súng đạn và có lực lượng rất lớn. Tôi nảy ra ý định đi Malaysia xin vũ khí cho Nam Bộ. Tại Malaysia, tôi được gặp lãnh tụ của phong trào kháng chiến, đồng thời là Tổng bí thư Đảng Cộng sản. Tôi ngờ ngợ anh này là Ngô Gia Tự, bởi vì hồi ở Côn Đảo, bác Tôn Đức Thắng tổ chức cho anh Tự và một số người tù vượt ngục nhưng không thấy về đất liền.
Trong khi làm việc, người ấy xưng tên là Lai-Teak và nói hoàn toàn bằng tiếng Anh. Người ấy bảo với tôi là có nghe danh Trần Văn Giàu ở Việt Nam.
Nhiều lần tôi gợi ý khéo song người ấy rất giữ bí mật gốc gác của mình. Nhưng khi tôi nói rõ mục đích chuyến đi và đặt vấn đề xin súng đạn giúp Nam Bộ kháng chiến thì người ấy rất sẵn sàng và còn quyết định cho cả tàu thủy chuyên chở đến địa điểm mà tôi yêu cầu. Người ấy còn đề nghị nếu Chính phủ Hồ Chí Minh đồng ý, Đảng Cộng sản Malaysia sẽ chi viện cả quân đội của phong trào kháng chiến sang giúp Việt Nam đánh thực dân Pháp.
Mừng quá, tôi lập tức trở về Thái Lan kể hết sự tình cho anh Dương Quang Đông nghe. Tôi cũng nêu mối ngờ vực và niềm tự hào khôn xiết về một Lai-Teak hay Ngô Gia Tự của chúng ta.
Anh Năm Đông còn bảo để sang trực tiếp vừa tổ chức vận chuyển vũ khí về cho Nam Bộ, vừa để xem Lai-Teak có phải là bạn cũ, đảng viên của Xứ ủy hay không.
Gặp nhau nơi đất khách
Bác Năm Đông bồi hồi nhớ lại: “Dạo đó, nghe Trần Văn Giàu kể, tôi liền thu xếp đi ngay sang Malaysia. Tôi đến trụ sở Đảng Cộng sản tìm gặp Lai-Teak. Sau kháng Nhật thắng lợi, Đảng Cộng sản Malaysia hoạt động công khai, rất có thanh thế, có trụ sở lớn, treo cờ đỏ búa liềm đàng hoàng.
Ngay ngày đầu gặp nhau, tôi đã nhận ra Lai-Teak chính là Phạm Văn Đắc, quê ở Long Đất, Bà Rịa, học sinh trường Huỳnh Khương Ninh. Chính tôi đã giới thiệu Đắc vào Đảng năm 1930, sinh hoạt tại chi bộ Tân Định, Sài Gòn. Đến năm 1931, giặc Pháp khủng bố trắng, tôi và Đắc cùng tạm lánh sang Thái Lan. Đầu năm 1932, tôi quay về Sài Gòn nhưng tìm mãi không gặp được Đắc. Cuộc gặp nhau trên đất khách quê người lần này, tôi mừng lắm.
Nhưng Lai-Teak Phạm Văn Đắc lại tỏ ra rất bình thản và đặc biệt trong câu chuyện không bao giờ nói tiếng Việt. Tuy vậy, Lai-Teak tiếp tôi rất thân tình, bố trí nơi ăn ở đàng hoàng. Khi tôi đề nghị giúp Nam Bộ đánh Pháp thì được Lai-Teak ủng hộ rất nhiệt tình và còn bàn phương án tổ chức chu đáo, khoa học. Lai-Teak đã cho tôi 5 chiếc tàu thủy lớn, hàng vạn khẩu súng, đạn dược, thuốc men để chở về Việt Nam, đương nhiên là cho không.
Lai-Teak còn đề nghị đưa quân của Đảng Cộng sản Malaysia sang giúp Việt Minh đánh Pháp. Sau hơn 3 tháng ở Malaysia, một bữa, tôi ngồi hút thuốc một mình trong trụ sở thì Lai-Teak ghé vào vỗ vai ra hiệu cho tôi ra ngoài vườn dạo chơi.
Khi chỉ còn hai người, Lai-Teak ôm tôi khóc và nói: “Hoàng (tên tôi lúc còn đi học) ơi, mày tha lỗi cho tao nghe. Nhận ra mày ngay từ đầu nhưng phải bí mật để lo đại sự. Mày cần gì cho Nam Bộ kháng chiến, tao sẽ hết lòng và tìm mọi cách đáp ứng, kể cả sức người, tính mạng. Nhưng từ rày khi gặp nhau mày đừng nhìn tao như thế và cũng đừng tìm cách kiểm tra tung tích. Dạo đó tao không về Sài Gòn với mày được là có lý do của tổ chức. Mày chỉ cần biết tao mãi mãi là người Cộng sản chân chính. Nhiệm vụ của tao đang làm là do Quốc tế Cộng sản giao cho”.
Bác Năm Đông bật lửa, châm thuốc hút, mắt nhìn ra xa, ngấn lệ, chợt bác quay sang tôi nói như tâm sự với lớp trẻ:
“Cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hoàn toàn thắng lợi. Trong sự nghiệp ấy có công lao của biết bao bạn bè quốc tế. Làm sao mà tri ân hết được nhỉ?
Khi trở lại Thái Lan, Lai-Teak bảo tôi mang theo một tiểu đoàn quân. Vì không liên lạc được với Trung ương để xin chỉ thị, tôi bảo người thì không thiếu. Lai-Teak đề nghị tôi mang về một đại đội, tôi cũng không dám nhận. Cuối cùng, nể Lai-Teak, tôi chỉ nhận có 4 người đưa về nước cùng với đoàn tàu".
Đặng Thọ Truật (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)
( C. H sưu tầm)