Nguồn gốc đôi đũa và nền văn minh cầm đũa

Ngày đăng: 07:35 16/02/2021 Lượt xem: 566

              Nguồn gốc đôi đũa và nền văn minh cầm đũa


                                                          Nguồn: Báo Điện Tử Thời Đại

Các bạn thử tìm xem, trên thế giới có nước nào trước đây người dân dùng đũa trong bữa ăn mà không sử dụng chữ Hán không? Tôi thử đổi lại câu hỏi khác, các bạn thử tìm xem, trên thế giới có nước nào từng sử dụng chữ Hán trong mọi sinh hoạt mà người dân vẫn ăn bốc hoặc dùng dao nĩa không?

LTS: Tác giả Thái Gia Kỳ, một người Việt (Thu Xà-Quảng Ngãi), đang sống tại Hoa Kỳ. Ônh là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, là tác giả của công trình khảo cứu Văn minh cầm đũa và những tương đồng trong văn hóa xã hội các nước (Nhà Xuất Bản Văn Mới, Gardena, CA). Được sự đồng ý của tác giả, Thời đại trích đăng một phần khảo cứu về chủ đề đôi đũa, một vật dụng gần gũi, đơn giản nhưng chứa đựng rất nhiều thông điệp lịch sử văn minh, văn hóa từ ngàn xưa.

Sự thực hai câu hỏi trên chỉ là một, nói lên sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa chữ Hán và Văn Hóa Cầm Đũa.

Cầm đũa, văn minh hay văn hóa?

Ta cũng thấy trong lịch sử xây dựng đất nước của các nước vùng Đông Nam Á, nước nào có tiếp thu văn hóa chữ Hán và văn hóa cầm đũa thì nước đó đã từng bị xâm lược hoặc chịu áp lực Hán hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Không những bị xâm lăng mà còn bị áp lực đồng hóa qua các chính sách cai trị và chính sách Hán hóa, biến các nước càng ngày càng lệ thuộc vào văn hóa chữ Hán, từ đó mang lại những hậu quả tương đồng trong văn hóa và xã hội của các nước. Chỉ có Nhật Bản là ngoại lệ,

Việc tiếp thu văn hóa chữ Hán và văn hóa cầm đũa của dân Nhật Bản là do người Triều Tiên mang sang và cũng do chính người Nhật Bản tìm đến Trung Quốc

Lịch sử đôi đũa

Như ta đã biết trong phần trên, sự gắn liền giữa nền Văn Minh Chữ Hán và nền Văn Minh Cầm Đũa khắng khít đến nỗi ta không thể nào biết được tại sao những quốc gia chịu ảnh hưởng của chữ Hán thì nhất định phải là những quốc gia trong đó tất cả người dân của họ đều sử dụng đũa trong bữa ăn, và ngược lại, những quốc gia sử dụng đũa trong bữa ăn thì nhất định là những quốc gia trước đây đã sử dụng chữ Hán? Campuchia, Thái Lan, Miến Điện là những nước gần Trung Quốc và Việt Nam, có một nền nông nghiệp lúa nước, cũng ăn cơm, canh như Việt Nam, nhưng tại sao lại không dùng đũa như những nước bạn láng giềng của họ? Đôi đũa dưới hình thức hai chiếc que bằng gỗ hay bằng tre dùng trong bữa ăn có trước khi có chữ Hán hay chữ Hán có trước khi đôi đũa được hình thành? Theo sách Lịch Sử Văn Hóa Trung Quốc của ông Đàm Gia Kiện thì trước thời Tiên Tần, người dân Trung Quốc vẫn còn ăn bốc. Đôi đũa, chỉ giản dị là hai chiếc que nhỏ bằng tre, bằng gỗ, nhưng lại là một vấn đề phức tạp về lai lịch của nó.

Đôi đũa có từ lúc nào? Ở đâu?

Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu lịch sử về đôi đũa, tác giả Cao Văn Đức trong bài “Đũa ăn có nguồn gốc đầu tiên từ Việt Nam,” đã cho rằng trong thời Tiên Tần, “Người Trung Quốc không dùng đũa mà dùng tay bốc” vì cuộc sống của họ là cuộc sống trong nền nông nghiệp khô trồng kê và lúa mạch... không cần dùng đũa để ăn các thức ăn từ các sản phẩm đó, mãi đến sau này, “họ chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính phương Nam,” trong đó có dân Bách Việt; Việt Nam ta sống ở vùng nông nghiệp lúa nước, có nhiều lúa, rau và thủy sản nên thích hợp cho việc sử dụng đũa ăn cơm, từ đó các nhà nghiên cứu đũa có xu hướng kết luận “đôi đũa do tổ tiên người Việt Nam sáng tạo.”

Lúc đó, đôi đũa cũng mới chỉ là cây que bằng gỗ hay tre dùng để gắp cải trong canh và chưa phổ biến rộng khắp cũng như chưa có hình dạng thon, trau chuốt như sau này!

Cũng có một bài khác trên Internet, kết hợp suy luận trên với hai yếu tố khác: 1) xứ ta thuộc nền nông nghiệp lúa nước (như đã nói trên), 2) Từ truyền thuyết Trầu Cau, trong đó nói chuyện một người con gái dùng một đôi đũa để thử xem ai là em trong hai anh em sinh đôi nọ, và 3) là dựa vào cấu trúc chữ “văn hóa” của chữ Hán để kết luận rằng chủ nhân của đôi đũa mà hiện nay cả bốn quốc gia đều dùng là Việt Nam. Cách diễn giải này, tuy nghe có lý, nhưng cũng chỉ là suy đoán thôi, thiếu cơ sở khoa học.

Ở Trung Quốc, ông Lam Tường, một chuyên gia nghiên cứu đũa và cũng là nhà sưu tầm, nhà tàng trữ đũa kim cổ của các nước Đông Á, trong cuốn Ba ngàn năm Đôi Đũa (NXB Tục Văn Hóa), có nói đến ba truyền thuyết về đôi đũa, chúng tôi xin rút gọn lại để chia sẻ với các bạn như sau:

- Từ truyền thuyết “Thần điểu cứu Khương Tử Nha”: Người xưa cho rằng Khương Tử Nha là người đầu tiên sử dụng đũa: Chuyện kể vợ Khương Tử Nha vì không còn chịu nổi cảnh cơ cực, muốn giết chồng mình để được tái giá, bà bỏ thuốc độc vào tô thịt để ông ăn. Trong khi ông bốc miếng thịt có tẩm thuốc độc đưa vào miệng thì có con quạ đen bay tới mổ vào tay ông, làm ông không ăn được, cứ thế tiếp diễn thêm hai lần nữa, ông vẫn không sao ăn được miếng thịt, ông biết đây là con “thần điểu” và thịt trong tô có vấn đề, nhưng giả vờ đuổi theo chim, chạy theo chim đến tận nơi sườn núi, chim đen đậu trên cành tre và bảo ông dùng hai cây que nhỏ dưới chân mình mà gắp thịt ăn. Ông mang về dùng hai que ấy gắp thịt, quả nhiên đầu hai cây que tre bốc khói xanh. Người vợ hốt hoảng bỏ chạy. Ông cũng ngầm hiểu được lời dạy của “thần điểu” mà về sau dùng hai que tre nhỏ để gắp đồ ăn trong bữa ăn, một phần có thể thử được chất độc trong thức ăn, phần nữa lại thuận tiện việc gắp, và dân làng thấy vậy cũng làm theo. Đôi đũa dùng trong bữa ăn có từ đó.

- Tích nàng Đát Kỷ (thường được gọi là Đắc Kỷ): Vì không muốn để cho vua Trụ cứ mãi chê bai đồ ăn mặn, nhạt, lạnh hay nóng mà nàng đã nghĩ ra cách dùng hai cây trâm trên đầu mình để gắp thực phẩm, thổi cho thức ăn hơi nguội rồi mới đút cho nhà vua ăn. Nhà vua nổi tiếng hoang dâm, vì có Đát Kỷ ân cần hầu hạ mà không còn chê bai gì hết. Về sau quan dân đều bắt chước dùng hai que cây trong bữa ăn, cây đũa có từ đó.

- Còn một truyền thuyết nữa là đôi đũa xuất phát từ thời vua Hạ Vũ (2026 TCN): Hạ Vũ (sau gọi là Đại Hạ) tuân lệnh vua Thuấn đi trị nước lũ, chăm lo hết mình không quản ngày giờ, thậm chí đi ngang qua nhà ba lần mà vẫn không ghé vào thăm gia đình. Một hôm tạm dừng chân trên một hòn đảo, cơm và đồ ăn đã nấu xong nhưng hãy còn nóng quá chưa ăn liền được.

Không thể chờ đợi thêm nữa vì e sợ trễ nải công việc, ông bằng bẻ hai cây que bằng tre bên cạnh, dùng để gắp thức ăn còn nóng hổi mà ăn. Quân lính thấy vậy rất tiện lợi, ai cũng bắt chước dùng hai cây que để ăn cơm, vì vậy mà sau này có đôi đũa dùng trong bữa ăn.

Tất cả các câu chuyên về xuất xứ của đôi đũa trên đều thuộc truyền thuyết, có chuyện nghe ra có lý, nhưng cả thẩy đều không có cơ sở khoa học, không có những vật chứng cụ thể.

- Về sử liệu, trong sách Lễ ký - Khúc lễ có đoạn ghi: “...Trong canh có cải thì dùng đũa, đối với các loại nước canh không có cải, chỉ cần bưng lên húp nước... ăn cơm không cần dùng đũa, nếu không theo như vậy thì bị coi là thất lễ...” Điều này cho thấy, trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, hơn 3000 năm trước, đũa tuy có nhưng “chỉ dùng để gắp cải trong canh” chớ chưa dùng để và cơm, gắp và xẻ đồ ăn. Trong bàn ăn, ngoài việc dùng đôi đũa để gắp cải trong canh, đối với những thức ăn khác đều phải dùng tay bốc. Vì trong các cuộc khai quật, người ta thường thấy có cái “thau rửa tay” ở bên cạnh bàn ăn, nên suy đoán là những cái thau này được dùng để rữa tay trước và sau khi ăn. Như vậy có nghĩa là tuy có đũa, nhưng vẫn còn phải ăn bốc.

Trong Hàn Phi Tử - Dụ Lão của Hàn Phi Tử (Năm 280-233 trước Công Nguyên, thời Chiến Quốc), cũng có nói tới các đôi đũa bằng ngà voi và các dụng cụ khác trên bàn ăn của vua Trụ. Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng có đề cập tới tên gọi chiếc đũa bằng “trợ” thời vua Trụ, cuối đời Thương (cách đây gần 4000 năm). Về vật chứng khai quật được, đũa không nhiều như những vật dụng khác trong gia đình.

Trong sách nghiên cứu về đôi đũa, ông Lam Tường (sách đã dẫn) có nói đến những chứng vật từ ngôi mộ của Trường Sa Vương thời Tây Hán (năm 202 trước Công Nguyên), đào được ở tỉnh Hồ Nam, trong đó có đĩa, muỗng lớn và chiếc vòng trên đó để một đôi đũa, tất cả đều bằng sơn mài. Đó là hiện vật đáng tin cậy từ thời Tây Hán, cách đây hơn 2000 năm. Từ sau đời Hán, đến các đời Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh thì chuyện đôi đũa trở nên dồi dào, hiện vật đũa và chén dĩa khai quật được cũng phong phú hơn. Đũa không những xuất hiện trong văn chương, sử sách mà còn được tìm thấy trong các di tích lịch sử đã được khai quật trong một hai thế kỷ gần đây.

Ở Hàn Quốc cũng đã khai quật được đôi đũa bằng đồng của vua Vũ Ninh Vương (năm 462-523), thời đầu thế kỷ thứ VI. Ngoài ra, những hiện vật đào được của thời vua Cao Tôn (1146) xứ Cao Ly, gồm đôi đũa và chiếc muỗng dài bằng đồng xanh. Các di vật cũng cho thấy qui cách đũa, muỗng y hệt như cổ vật ở Trung Quốc.

Ở Nhật Bản thì đôi đũa xuất hiện trễ hơn. Theo kết quả nghiên cứu tại Nhật Bản thì đũa từ Trung Quốc truyền vào Nhật Bản trước đời Đường và được phổ biến sử dụng trong thời kỳ Nara, tức cách nay gần 1500 năm. Tuy được du nhập trễ hơn, văn hóa dùng đũa và hình thù đôi đũa của Nhật Bản thì lại rất phong phú, đa dạng, nhưng đôi đũa du nhập Nhật Bản bằng con đường nào? Từ năm nào? Thì không có những tranh luận đáng đề cập ở đây.

Tóm lại: Đôi đũa có từ lúc nào và phát xuất từ đâu là một câu hỏi chưa được giải đáp thỏa mãn. Nhưng dựa vào sử liệu và các hiện vật khai quật được từ các mộ hay di tích lịch sử, người ta có khuynh hướng công nhận đôi đũa phát xuất từ Trung Quốc cách đây hơn 3000 năm, là lúc mà chữ Hán cũng mới chỉ là những nét chữ ngoằn ngèo theo dạng chữ trên xương súc vật (giáp cốt). Lúc đó, đôi đũa cũng mới chỉ là cây que bằng gỗ hay tre dùng để gắp cải trong canh và chưa phổ biến rộng khắp cũng như chưa có hình dạng thon, trau chuốt như sau này.

Nghiên cứu kỹ phương án truy xuất nguồn gốc cây đào
( C. H Sưu tầm)
tin tức liên quan