Tờ Tin tức của Nga dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết, mạng nội bộ quân đội của Nga có tên gọi “Phân khúc truyền dữ liệu mật” (ZSPD), hoạt động hoàn toàn độc lập với mạng Internet toàn cầu.

Về cơ bản, kết cấu của mạng “Internet quân sự” do Nga thành lập cũng tương tự như mạng Internet toàn cầu, nhưng nó chỉ có thể truy cập được trên các máy tính sử dụng hệ điều hành chuyên dụng do các lực lượng vũ trang Nga phát triển. Ổ cứng của máy tính cũng phải được chứng nhận của Bộ Tổng tham mưu nhằm bảo vệ các bí mật nhà nước không bị đánh cắp thông qua các thiết bị cắm ngoài.

 

Nga thành lập mạng “Internet quân sự” riêng
Mạng “Internet quân sự” của Nga không kết nối với mạng Internet toàn cầu. Ảnh: Sputnik
Mạng “Internet quân sự” chỉ có thể được truy cập thông qua các máy tính được cơ quan bảo mật quốc gia của Nga kiểm soát. Việc kết nối đến các thiết bị máy tính trong mạng này từ bên ngoài là không thể. Phần mềm đặc biệt sẽ kiểm soát và xác định mọi cố gắng kết nối vào mạng. Các thiết bị như máy in, máy scan, ổ cứng ngoài, điện thoại thông minh cùng các thiết bị khác đều không thể kết nối với máy tính có mạng này. Nhưng ngược lại, nó có thể bảo vệ mọi thiết bị lưu trữ được gắn với máy tính nào kết nối với mạng “Internet quân sự” này.

 

Điểm đáng chú ý nữa là mạng “Internet quân sự” của Nga còn cung cấp dịch vụ thư điện tử riêng cho phép truyền thông tin mật, trong đó có các tài liệu được liệt vào diện “tối mật”. Mạng “Internet quân sự” cũng có trang web riêng chỉ có thể xem được trên những máy tính có chứng nhận của cơ quan Bảo mật Nhà nước.

Việc hoạt động độc lập với mạng Internet toàn cầu giúp mạng “Internet quân sự” của Nga bảo đảm việc bảo vệ thông tin và các tài liệu mật trước nguy cơ bị tin tặc cũng như các đối thủ tấn công. Trong mỗi đơn vị quân đội của Nga sẽ có nhiều máy chủ mã hóa các thông tin được chia thành nhiều gói và chuyển chúng đi tiếp. Việc truy cập vào các máy chủ được giới hạn nghiêm ngặt. Theo tờ Tin tức, mạng “Internet quân sự” của Nga hoạt động một phần dựa trên các thiết bị được thuê của tập đoàn viễn thông quốc gia Rostelecom.

Mạng “Internet quân sự” của Nga được hoàn tất vào cuối mùa hè năm 2016 và hiện nay đã đi vào hoạt động đầy đủ, thay thế các dịch vụ bảo mật đơn lẻ trước đây. Bộ Quốc phòng Nga dự định sẽ mở rộng mạng này và thiết lập thêm các cổng bổ sung để lắp đặt tại các đơn vị quân đội.

Người đứng đầu Quỹ phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng Internet của Nga, ông Đi-mi-tơ-ri Bu-cốp (Dmitry Burkov) cho rằng, việc các lực lượng vũ trang Nga sử dụng phương pháp tiếp cận thống nhất các dịch vụ bảo mật là thích hợp, không như các đồng nghiệp ở Mỹ từng mắc phải. Theo ông: “Có nhiều lỗ hổng trên mạng mà người Mỹ đang sử dụng. Họ có nhiều mạng riêng rẽ cho mỗi nhánh của các lực lượng và rốt cuộc, hệ thống của họ có quá nhiều điểm kết nối với Internet, điều sẽ làm tăng nguy cơ đối với các truy cập không bảo đảm”. Ông Đ. Bu-cốp dẫn chứng trường hợp của cựu nhân viên tình báo Mỹ Ét-uốt Xnâu-đơn (Edward Snowden) đã truy cập một trong những mạng này để đánh cắp những dữ liệu mà anh ta đã công bố gây chấn động dư luận. Ông Đ. Bu-cốp hy vọng người Nga sẽ không mắc phải những lỗi tương tự.

Từ nhiều năm nay, các quan chức Bộ Quốc phòng Nga đã tìm kiếm các biện pháp để bảo đảm sự an toàn cho các hoạt động kết nối Internet của Nga trước các  mối đe dọa tiềm tàng đang ngày càng gia tăng từ các tin tặc cũng như các đối thủ trên “chiến trường điện tử”. Mới đây, NBC News dẫn lời các cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho biết, chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng tiến hành chiến dịch tấn công bí mật trên mạng chưa từng có chống lại Nga nhằm đáp trả cái mà họ gọi là "sự can thiệp của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ".

Không chỉ Nga mà ngày càng có nhiều quốc gia khác trên thế giới ý thức rõ được việc cần thiết phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị tấn công trên mạng. Quốc gia Hồi giáo I-ran hồi tháng 8 cũng đã thông báo hoàn tất giai đoạn 1 của kế hoạch thành lập một mạng Internet riêng của nước này. Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin I-ran, ông Ma-mút Va-ê-di (Mahmoud Vaezi) cho biết, mạng Internet nội địa sẽ giúp I-ran phòng, chống các nguy cơ trực tuyến. Giai đoạn 1 của kế hoạch này bao gồm việc cung cấp các dịch vụ chính phủ điện tử và các trang web nội địa. Giai đoạn 2 (tháng 2-2017) sẽ bổ sung nội dung các video nội địa. Còn giai đoạn 3 (tháng 3-2017) sẽ đưa ra các dịch vụ khác và hỗ trợ các công ty liên thương mại quốc tế.

MAI NGUYÊN