Bài học từ các nước thoát thảm kịch Covid-1
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Trung Quốc, Mỹ, Anh, những nơi Covid-19 từng hoành hành khốc liệt nhất, giờ gần như thoát khỏi đại dịch nhờ tiêm chủng và xét nghiệm nhanh, giãn cách nghiêm ngặt.
Tại Trung Quốc, hơn một năm sau khi virus lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán, người dân trở lại cuộc sống bình thường. Nền kinh tế nước này "bứt phá" hậu đại dịch. Sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 tăng 4,8% so với cùng kỳ 2019. Thành công của Trung Quốc đến từ các biện pháp dập dịch mạnh tay.
Anh từng hứng nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm với Covid-19 và niềm tin mù quáng vào miễn dịch cộng đồng khi đại dịch vừa khởi phát. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới do coi nhẹ sự nguy hiểm của nCoV vào năm 2020. Nhưng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, cả hai nước dần nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Israel cũng vượt xa các nước châu Á trong công tác triển khai vaccine nhờ số hóa y tế.
Chiến dịch tiêm chủng thần tốc
Anh hiện là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng bao phủ. Ngày 8/12, nước này phê duyệt loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Đến nay, 35 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna. Chính phủ cam kết tất cả người trưởng thành sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 7.
Chiến thuật giúp chương trình chủng ngừa của Anh vượt trội hơn phần còn lại của thế giới là:truyền thông công khai tin tức xấu về vaccine song vẫn kiên định với kế hoạch triển khai. Điều này giúp củng cố lòng tin của công chúng.
David Comerford, chuyên gia kinh tế Trung tâm Khoa học Hành vi, Đại học Stirling, nhận định: "Ở Anh, truyền thông y tế rất xuất sắc". Ông đề cập đến cách phản ứng của chính phủ nhiều nước khi lần đầu phát hiện chứng đông máu bất thường sau tiêm. Mỹ, Pháp, Italy vội vã tạm dừng tiêm chủng. Niềm tin của người dân vì thế giảm mạnh.
Ngược lại, Anh tiếp tục chương trình đã định. Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) chỉ cập nhật hướng dẫn mới, khuyến cáo người dưới 30 tuổi nên tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer để thay thế.
Các chuyên gia Đại học Stirling cho biết bất chấp tin tức về chứng đông máu lan rộng, thái độ của người Anh với vaccine không đổi. Điều này hoàn toàn đối lập với EU, nơi nhiều người dè dặt hơn sau tin tức về chứng đông máu.
|
Một cụ bà 74 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer tại Trung tâm Bloomsbury Surgery ở London, tháng 1/2021. Ảnh: NY Times |
Tại Mỹ, vaccine kéo tỷ lệ lây nhiễm và nhập viện vì Covid-19 xuống thấp. Ngày 10/5, Jeffrey Zients, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, nhận định: "Chúng ta đang xoay chuyển tình thế".
Đến nay, gần 60% dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine, hoảng 113 triệu người (34%) tiêm chủng đầy đủ. Mỹ sắp hoàn thành mục tiêu của Tổng thống Joe Biden, đó là tiêm ít nhất một liều vaccine cho 70% dân số trước lễ Quốc khánh 4/7.
Số ca nhiễm nCoV hàng ngày giảm mạnh kể từ khi triển khai tiêm chủng, từ mức trung bình hơn 250.000 hồi tháng 1 xuống 43.000 ca gần đây. Số người nhập viện và tử vong cũng giảm đáng kể.
"Tôi nghĩ mọi người đều đã mệt mỏi và việc đeo khẩu trang thật phiền phức. Nhưng chúng ta đã dần đến đích, ánh sáng cuối đường hầm ngày càng rõ hơn", ông Zients nói.
Nhờ vào hệ thống y tế dựa trên nền tảng số hóa, Israel là một trong hai nước tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới. Gần 90% nhóm người dễ tổn thương đã tiêm hai liều vaccine. 57% dân số hoàn thành tiêm chủng ngày 7/4.
Hôm 9/5, Israel chỉ ghi nhận 10 ca nhiễm nCoV mới, con số thấp nhất trong vài tháng. 80 bệnh nhân nặng vẫn đang điều trị trong tầm kiểm soát.
Israel có chương trình vaccine hợp lý hơn nhiều so với các nước châu Á khác. Quá trình tiêm chủng được số hóa tuyệt đối. Y tá nhập dữ liệu bệnh nhân vào ứng dụng trên điện thoại thông minh, sử dụng xác thực hai yếu tố để tránh vi phạm quyền riêng tư. Khi tiêm vaccine xong và trở về nhà, người dân được gửi bản khảo sát trực tuyến về tác dụng phụ.
Người dân dùng ứng dụng do nhà cung cấp bảo hiểm y tế ban hành để đặt lịch hẹn tiêm. Các dữ liệu được tổng hợp ở cấp độ quốc gia, để bất kỳ đơn vị bảo hiểm nào cũng truy cập được hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân.
Xét nghiệm nhanh chóng và cách ly nghiêm ngặt
Khi Covid-19 mới khởi phát, Vũ Hán bị chỉ trích vì chậm ứng phó và không công khai thông tin về virus. Dịch lan đến nhiều thành phố hơn, chính quyền trung ương hành động quyết liệt. Cuối tháng 2/2020, giới chức gõ cửa từng nhà, cách ly người nhiễm virus trong các bệnh viện dã chiến, thậm chí tách cha mẹ khỏi trẻ nhỏ có triệu chứng bệnh. Bên ngoài, máy bay không người lái tuần tra khắp đường phố, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang.
Quốc vụ viện lệnh cho các tỉnh lập trung tâm chỉ đạo 24 giờ, kêu gọi thành lập điểm cách ly 12 tiếng dành cho cả người đã xét nghiệm dương tính. Thành phố 5 triệu người đủ khả năng test PCR cho toàn bộ dân chỉ trong hai ngày. Thành phố lớn hơn mất từ ba đến 5 ngày.
|
Nhân viên bệnh viện Zhongnan ở Vũ Hán quét mã QR xác nhận thông tin sức khoẻ người dân tại lối ra vào. Ảnh: NY Times |
Năm ngoái, hơn 5.000 quan chức Trung Quốc bị cách chức vì không kiểm soát được Covid-19. Tại Thạch Gia Trang, khi một người dân cố gắng trốn khỏi vùng cách ly để mua thuốc lá, lực lượng chức năng đã trói anh ta vào một gốc cây.
Tháng 4 năm nay, dù láng giềng Ấn Độ lao đao vì dịch bệnh, Trung Quốc hiếm ghi nhận ca nhiễm nCoV cộng đồng nhờ xét nghiệm diện rộng và cách ly nghiêm ngặt người nhập cảnh. Số trường hợp dương tính vẫn thấp từ tháng 4 năm ngoái. Ngày 12/5, Trung Quốc báo cáo 16 ca mắc mới, tất cả đều là nhập cảnh.
Ủy ban Y tế Quốc gia yêu cầu tất cả người từ nước ngoài thực hiện xét nghiệm PCR trong thời gian cách ly. Vào ngày thứ 14, họ phải xét nghiệm tại hai cơ sở để đảm bảo tính chính xác.
Thành công chống dịch của Trung Quốc đến từ khả năng huy động nguồn lực của một quốc gia có quyền lực tập trung. Cách dập dịch đôi khi bị đánh giá là xâm phạm quyền riêng tư, song có hiệu quả.
( C. H sưu tầm)