Kim Jong Un muốn gì ở chính quyền ông Biden?

Ngày đăng: 07:15 26/06/2021 Lượt xem: 229

Kim Jong Un muốn gì ở chính quyền ông Biden?


                                         Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Bình Nhưỡng và Washington đã thể hiện những cách hiểu khác nhau về nhận xét mới nhất của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un về khả năng đàm phán với Mỹ.


Sau khi ông Kim Jong Un yêu cầu Triều Tiên chuẩn bị cho cả "đối thoại và đối đầu" với chính quyền mới của Mỹ hồi tuần trước, hai bên đã đưa ra nhiều bình luận và giải thích khác nhau.
 
 
Kim Jong Un muốn gì ở chính quyền ông Biden?
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP, KCNA

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, hôm 21/6, đánh giá bình luận của ông Kim Jong Un là một "tín hiệu thú vị", đồng thời nhắc lại việc Washington sẵn sàng nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân.

Ngày hôm sau, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên, tuyên bố Washington dường như "kỳ vọng sai" về phát ngôn của ông Kim Jong Un. Ngoại trưởng Triều Tiên cũng đưa ra bình luận trong một tuyên bố riêng rẽ, khẳng định Bình Nhưỡng thậm chí không tính đến việc nối lại đàm phán với Washington.

Để thuyết phục Triều Tiên quay lại bàn đàm phán, trong tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bổ nhiệm một đặc phái viên mới về Triều Tiên. Nhân vật được chọn là Sung Kim, người Mỹ gốc Hàn, phụ trách thiết lập nghị trình đàm phán cấp làm việc với Triều Tiên cho hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un.

Sung Kim đã đến Seoul trong tuần này để gặp các đồng nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản. Truyền thông địa phương đưa tin, ông rất thông thạo tiếng Hàn và điều này sẽ giúp ông dễ dàng giao tiếp với phía Triều Tiên mà không cần đến phiên dịch.  

Vị đặc phái viên cho biết, ông đã thông báo trong cuộc gặp ở Seoul rằng Washington ủng hộ hợp tác liên Triều và ông sẵn sàng gặp gỡ những người đồng cấp Triều Tiên "mọi lúc, mọi nơi, không cần điều kiện tiên quyết".

Washington và Seoul cũng nhất trí ngừng một nhóm làm việc liên minh như một động thái hòa giải. Nhóm làm việc này bị Triều Tiên lên án và bị nhiều người tiến bộ ở Hàn Quốc coi là rào cản đối với các hoạt động trao đổi liên Triều.   

Sau khi Mỹ và Triều Tiên không đạt thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh 2 năm trước, đôi bên đều tỏ rõ lập trường cứng rắn, với phía này yêu cầu phía kia trước hết phải đáp ứng điều kiện mình đặt ra. Mỹ muốn Triều Tiên có những bước đi cụ thể giải trừ hạt nhân trước khi cắt giảm cấm vận, còn Bình Nhưỡng đòi được xóa trừng phạt rồi mới tiến hành phá bỏ kho hạt nhân. 

Ngay cả bây giờ, Mỹ đã có một chính quyền mới nhưng chính quyền Kim Jong Un vẫn chưa có động thái tìm kiếm các kênh nối lại đàm phán.

Hàn Quốc đã bày tỏ lập trường nhất quán rằng họ sẵn sàng hỗ trợ và làm trung gian cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dường như không quan tâm đến nỗ lực của Hàn Quốc, vì Tổng thống Moon Jae In chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ.   

Trao đổi với báo The Diplomat, giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học Ewha ở Seoul, cho rằng tuyên bố mới nhất của bà Kim Yo Yong "về cơ bản đã đẩy lùi những nỗ lực của Mỹ nhằm đá trái bóng ngoại giao về phía sân của Bình Nhưỡng". Ông mô tả động thái của em gái Chủ tịch Triều Tiên là một gáo nước lạnh dội vào những hy vọng tiếp xúc trở lại.

Hàn Quốc đã tìm cách nối lại đối thoại với Triều Tiên bằng cách đề xuất hợp tác liên Triều và đề xuất khả năng phân phối vắc xin ngừa Covid-19 cho quốc gia phía bắc. Kể cả sau khi Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc chung Kaesong - nơi từng là biểu tượng liên lạc giữa hai miền, chính quyền Tổng thống Moon vẫn quyết tâm theo đuổi "đối thoại", viện dẫn đó là cách duy nhất để xây dựng một Bán đảo Triều Tiên hòa bình.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng từ chối đề xuất của Seoul.

"Chính quyền Kim Jong Un muốn thấy những nhượng bộ lớn hơn từ Washington trước khi quay lại đàm phán. Trong khi chờ đợi, họ muốn gieo bất hòa trong nội bộ chính trị Hàn Quốc về các cuộc tập trận sắp tới giữa nước này và Mỹ", giáo sư Easley nhận định.

Hàn Quốc và Mỹ đã cắt giảm quy mô các cuộc tập trận chung trong vài năm qua do đại dịch Covid-19 và cũng bởi phản ứng gay gắt từ Triều Tiên. Thế nhưng, điều chính quyền Kim Jong Un muốn là hai nước phải ngừng hoàn toàn tập trận và rút toàn bộ 28.500 lính Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.

Cheong Seong-chang, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Sejong ở Hàn Quốc, cho rằng Seoul và Washington đang đi theo bước chân của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và theo đuổi hy vọng về đối thoại song phương giữa Washington và Bình Nhưỡng, kể cả các tiếp cận đó đã từng thất bại.

Theo ông, Mỹ cần đưa Triều Tiên trở lại bàn thương lượng bằng cách thúc đẩy đàm phán 4 bên về chương trình hạt nhân của nước này, đưa Trung Quốc và Hàn Quốc tham gia cùng.  

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan