Hà Nội tỷ lệ lây nhiễm F1 tăng gấp đôi, trường học tiếp tục đóng cửa
Hà Nội tỷ lệ lây nhiễm F1 tăng gấp đôi, trường học tiếp tục đóng cửa
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Sáng 19/11, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Đống Đa trước Kỳ họp thứ 3 HĐND TP với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đến ngày 18/11, tỉ lệ F1 của các ca F0 trên địa bàn Hà có kết quả dương tính SARS-CoV-2 lên tới 13%, thay vì 7 - 8% như trước giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Chu Ngọc Anh cho biết, hiện nay, cả nước đang thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Việc chống dịch của Hà Nội vẫn phải quyết liệt nhưng không như giai đoạn trước. Nếu tính từ ngày 10/10, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 3.000 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó trung bình 70 ca/ngày, mấy ngày gần đây lên tới trung bình 76 ca/ngày.
Đáng chú ý, trong thời gian này Hà Nội có 920 ca dương tính SARS-CoV-2 ở cộng đồng, chiếm từ 20 - 30% tổng số ca mắc. Điểm phong tỏa hiện nay cũng đang tăng lên nhưng ở diện hẹp. TP cũng đã tiêm vaccine COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi. Tính đến ngày 18/11, đã có 93,6% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1; 83,3% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 2. Diện người già, người có bệnh nền cũng đã đạt trên 93,6% mũi 1 và 81,1% mũi 2. Đây là tỷ lệ thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, cũng là căn cứ để thành phố có thể quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
Hiện TP có 281 xã, phường ở cấp 1 - vùng xanh; 293 xã, phường ở cấp độ 2; 4 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 và riêng phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4. Mọi hoạt động, biện pháp phòng, chống dịch phải theo sự phân cấp độ dịch này. Nếu theo mô hình tháp 3 tầng điều trị, Hà Nội có 1.635 ca thể nhẹ, không triệu chứng; 405 ca ở tầng 2; 11 ca ở tầng 3 - bệnh nhân nặng (chiếm 0,5%).
Cũng theo Chủ tịch Hà Nội, qua theo dõi số liệu cho thấy, từ khi thiết lập trạng thái thích ứng linh hoạt, tỷ lệ F1 trở thành F0 tăng lên, chiếm khoảng 13%, trong khi giai đoạn trước chỉ là 7 - 8%. Điều này đặt vấn đề về ý thức phòng, chống dịch của người dân vẫn phải là yếu tố hàng đầu.
"TP đã có phương án đáp ứng điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân thể nhẹ, trong đó TP sẽ "lo" một nửa, còn một nửa các quận, huyện, xã, phường sẽ chủ động", đồng chí Chu Ngọc Anh khẳng định. Ông cũng nói về việc cách ly F1 tại nhà, tuy nhiên, với những khu vực đông đúc, chật chội như Văn Chương, Văn Miếu (Đống Đa) hay Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân), trong khi tỷ lệ lây nhiễm cao như hiện nay đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp.
Vấn đề cả hệ thống chính quyền và người dân cần chung sức trong cuộc chiến kéo dài, chủ động phòng, chống dịch bệnh được đặt ra. Nếu chủ quan vì nghĩ rằng đã tiêm 2 mũi vaccine, tụ tập đông người thì nguy cơ rất cao. Trường hợp quán karaoke ở Quốc Oai đã được xử lý nghiêm. Các nhà hàng, địa điểm đã có yêu cầu quét mã QR, nhưng thực tế người dân có tâm lý chủ quan, lơ là.
Về việc đi học trở lại của học sinh trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng đây là nguyện vọng chính đáng: "TP liên tục báo cáo Bộ Y tế, liên quan đến vaccine cho trẻ em. TP đã rất nỗ lực, xây dựng kế hoạch sẵn sàng. Nhưng vẫn chỉ là trên giấy bởi chờ vaccine từ Bộ Y tế phân bổ về. Tuần trước dự kiến có khoảng 379.000 mũi vào thứ 4, TP sẽ chỉ trong 1 - 2 ngày là tiêm phủ mũi 1 cho toàn bộ học sinh THPT và sang tuần mới có thể cho các cháu đi học lại ở vùng xanh. Tuy nhiên không có vaccine về". Dự kiến, TP sẽ dựa vào tiến độ phân bổ vaccine của Bộ Y tế, ưu tiên tiêm cho học sinh THPT, THCS, sau đó cho các cháu đi học trở lại ở vùng xanh. "Mọi thứ chúng tôi cũng tính toán tiêm ra sao, đi học thế nào, luân phiên ra sao. Nhưng vẫn phải có yếu tố phụ thuộc (phân bổ vaccine từ Bộ Y tế về). Nhưng chắc chắn không thể trôi sang năm 2022", ông Chu Ngọc Anh nêu.
Chủ tịch Hà Nội cũng nói thêm: "Tôi nghĩ nếu chiều tối thứ Bảy tuần này có vaccine thì trong cuối tuần và đầu tuần sau tiêm cho các cháu cấp 3. Đến thứ Tư tuần sau có thể tính toán việc đi học cho các cháu cấp 3 ở vùng xanh". Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục xử lý nhanh các ổ dịch, kiên định các phương châm, cách làm đã đặt ra và thực hiện hiệu quả. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp, cơ sở vi phạm.
Ngoài ra, để tổ chức đồng bộ, hiệu quả các điểm trông giữ xe phục vụ người dân ở các nhà ga tàu điện, ngay sau khi tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác, UBND TP đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội khảo sát, bố trí các điểm trông giữ xe phục vụ nhân dân đi tàu, kết nối các tuyến xe buýt nhanh nhất có thể để phục vụ nhân dân.
( C. H sưu tầm)