Nhiều người nhầm lẫn sốt xuất huyết với COVID-19
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Theo thống kê từ các địa phương cho thấy, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 8.891 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6.784 trường hợp nhập viện. Theo dự báo, chu kỳ năm nay là đỉnh dịch sốt xuất huyết, vì vậy số ca mắc và số tử vong đều tăng cao.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 22-28/8 ghi nhận 2.532 ca sốt xuất huyết, nâng số ca mắc từ đầu năm đến nay, 46.756 trường hợp tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái; 18 trường hợp tử vong. Trong đó có 947 ca nặng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu một số tỉnh phía Nam trong tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết giảm thì tại phía Bắc, do nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, khiến ca mắc tăng mạnh vào tháng 8. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận 308 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.424 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong tuần vừa qua điều trị cho gần 30 ca sốt xuất huyết, so với đầu tháng 8 tăng cao hơn, trong đó có nhiều ca nặng. Vào tuần giữa tháng 8, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 4 bệnh nhân nặng, trong đó có một ca tử vong sau khi chuyển viện, 3 ca thoát khỏi nguy kịch. Được biết, ca tử vong là nam thanh niên nhập viện ngày thứ 6 bị sốt xuất huyết. Khi được chuyển vào Khoa Cấp cứu, nam bệnh nhân đã có dấu hiệu suy hô hấp, xuất huyết trong cơ, thoát dịch, rối loạn chuyển máu nặng, suy đa tạng. Dù đã đặt ống nội khí quản, thở máy, nhưng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch, chuyển viện khác và tử vong sau đó. Hai ca nặng khác đều có địa chỉ ở Hà Nội, cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu, thở máy, trong đó có một ca tiên lượng dè dặt.
Theo BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện vẫn có một bộ phận người dân còn nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết với COVID-19, do đó khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch. Chính vì tưởng mình mắc COVID-19 nên một số người không biết, sốt cao tự uống hạ sốt, không đến viện khám, đến ngày thứ 4-5 bị xuất huyết trong nội tạng mới tới viện. "Trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán", BS Hùng khuyến cáo.
Theo CDC Hà Nội, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giảm sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng. Vì vậy, Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng, chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Theo BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, biện pháp để giảm ca mắc chính là làm tốt công tác phòng dịch bằng cách diệt bọ gậy, loăng quăng và phun hoá chất diệt muỗi… Mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tại chính ngôi nhà mình, không để muỗi sinh sôi phát triển.
Do đang vào đỉnh dịch, nên người dân không được chủ quan. Theo khuyến cáo của BS Thân Mạnh Hùng, sốt xuất huyết Dengu diễn biến nặng từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan. Khi sốt, uống paracetamol đơn chất, không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe doạ đến tính mạng.
Đặc biệt, những ngày đầu của bệnh, việc truyền dịch không cần thiết, không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà. Từ ngày thứ 6 của bệnh là giai đoạn tái hấp thu và phục hồi, nếu truyền dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp.
( C. H sưu tầm)