Phì đại tiền liệt tuyến: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày đăng: 06:49 06/04/2024 Lượt xem: 17

Phì đại tiền liệt tuyến: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

05-04-2024 15:38 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lý thường gặp ở độ tuổi trung và cao niên. Bệnh không nguy hiểm nếu được phát hiện, điều trị sớm nhưng nếu để lâu, bệnh kéo dài sẽ để lại biến chứng với hậu quả khó lường.

1. Nguyên nhân phì đại tiền liệt tuyến

Nguyên nhân của tình trạng phì đại tiền liệt tuyến hiện vẫn có nhiều điều chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng có liên quan đến các yếu tố lão hóa và bất thường tinh hoàn.

Tuổi tác càng cao là nguyên nhân dẫn đến phì đại tiền liệt tuyến. Trong suốt cuộc đời, một người đàn ông sản xuất cả hormone nam testosterone và một lượng nhỏ hormone nữ estrogen. Khi về già chức năng sinh dục yếu dần đi mất cân bằng hormone sinh dục: Giảm testosterol và tăng estrogen gây phì đại tiền liệt tuyến.

Phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lý phổ biến ở nam giới lớn tuổi, tuổi càng cao thì khả năng mắc bệnh càng nhiều. Bệnh xảy ra với 40% người bệnh ở độ tuổi từ 40 trở lên và mỗi 10 năm tỉ lệ này tăng 10%, ở độ tuổi 60 thì tỷ lệ này là 60%, ở độ tuổi trên 80 thì tỷ lệ này lên đến hơn 80%.

Một giả thuyết khác bắt nguồn từ dihydrotestosterone (DHT), hormone sinh dục nam tự nhiên của cơ thể có vai trò giúp phát triển các đặc tính của nam giới. Khi nam giới lớn tuổi, nồng độ testosterone trong máu bắt đầu giảm, nhưng lượng hormone dihydrotestosterone vẫn tích tụ trong tuyến tiền liệt. Điều này có thể thúc đẩy các tế bào của tuyến này tiếp tục phát triển. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, những người đàn ông không có khả năng sản xuất dihydrotestosterone sẽ không bị phì đại tuyến tiền liệt.

Các yếu tố tiền căn gia đình có vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc bất thường về tinh hoàn đều có thể làm tăng nguy cơ phì đại. Do đó, những người đàn ông đã cắt bỏ tinh hoàn khi còn bé sẽ không phát triển tình trạng phì đại tiền liệt tuyến.

Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những đối tượng có nguy cơ mắc phì đại tiền liệt tuyến bao gồm: 

  • Nam giới trên 40 tuổi; 
  • Gia đình có người mắc phì đại tiền liệt tuyến; 
  • Béo phì, ít tập luyện thể dục thể thao; 
  • Chủng tộc: Người da trắng và da đen có nguy cơ cao hơn; 
  • Lối sống lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, chất kích thích, uống ít nước, ăn nhiều chất béo; 
  • Rối loạn chức năng cương dương; 
  • Người bệnh mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim;
  • Sử dụng thuốc chẹn beta; 
  • Môi trường làm việc ô nhiễm.

2. Triệu chứng của bệnh phì đại tiền liệt tuyến

  • Tiểu khó.
  • Tiểu ngắt quãng.
  • Tiểu nhiều lần.
  • Tiểu són
  • Triệu chứng khác: Tình trạng tiểu tắc nghẽn kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ, nôn ói, có các biểu hiện nhiễm độc đường tiết niệu,...
Phì đại tiền liệt tuyến: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa- Ảnh 1.

Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt gây khó tiểu, tiểu không hết, lâu ngày dẫn tới bàng quang phình to hoặc tích tụ vi khuẩn trong bàng quang gây nhiễm khuẩn. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng như: Bí tiểu, tiểu ra máu; Nhiễm khuẩn niệu đạo; Sỏi bàng quang; Suy thận.

Trên thực tế, ở giai đoạn đầu, những biểu hiện của bệnh không nghiêm trọng và chưa ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Càng về sau, kích thước tuyến tiền liệt càng tăng lên, gây chèn ép vào bàng quang thì những triệu chứng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn khiến người bệnh không thể tự chủ khi đi tiểu.

Chẩn đoán bệnh phì đại tiền liệt tuyến bằng phương pháp siêu âm. Siêu âm sẽ cho thấy hình thể, kích thước và trọng lượng của tuyến tiền liệt, đồng thời đo được lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang sau khi người bệnh đã đi tiểu. Ngoài ra còn có các phương pháp chẩn đoán khác như: Chụp CT, MRI, xét nghiệm miễn dịch nhằm phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

3. Phòng bệnh phì đại tiền liệt tuyến

Phì đại tiền liệt tuyến: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa- Ảnh 2.

Nên hạn chế các loại thịt đỏ.

Để phòng bệnh phì đại tuyến tiền liệt người dân cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh như:
  • Không nhịn tiểu, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu, tập thể dục mỗi ngày là cách để duy trì sự khỏe mạnh cho các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tuyến tiền liệt. Đặc biệt, bài tập Kegel của nam giới sẽ giúp làm săn chắc các cơ xung quanh hậu môn, rất có lợi cho hoạt động của tuyến tiền liệt;
  • Giảm cân nếu đang bị thừa cân; 
  • Luôn giữ tinh thần thư thái vì strees là thủ phạm khiến bệnh tình trở nặng rất nhanh;
  • Bên cạnh đó cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh như hạn chế các loại thịt đỏ như thịt chó, thịt bò, thịt trâu, thịt dê, mỡ động vật, đặc biệt là nội tạng tim, gan, lòng, pate…
  • Hạn chế ăn mặn, rượu bia và thức uống chứa caffeine;
  • Nên bổ sung: Quả bơ, hạt bí ngô, quả hồ đào, đậu nành, mầm lúa mì…; Các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng, đậu nành…; Các loại hạt như vừng, hạnh nhân, hạt bí ngô, các loại quả mọng, hành tây và tỏi.

Nếu trong gia đình có tiền sử về các vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt, nên trao đổi với bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn.

4. Cách điều trị bệnh phì đại tiền liệt tuyến

Tùy vào từng giai đoạn biểu hiện của bệnh, từng cá nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe, điều chỉnh lối sống khoa học và lành mạnh hơn điều trị triệu chứng bằng thuốc. Với phương pháp nội khoa bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc như: Thuốc chẹn Alpha, thuốc ức chế 5 Alpha reductase (5-ARI), thuốc kháng Muscarinic và kiểm tra tiền liệt tuyến định kỳ 3-6 tháng/lần.

Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc bệnh đã gây biến chứng, dựa vào các cá nhân mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp ngoại khoa. Sau đây là một số phương pháp đang được áp dụng tại nước ta:

  • Cắt đốt nội soi phì đại lành tính tiền liệt tuyến qua ngả niệu đạo; 
  • Phẫu thuật mở; 
  • Sử dụng laser hay nút động mạch tiền liệt tuyến (PAE).

Một số biện pháp đơn giản có thể giúp giảm triệu chứng:

  • Tránh uống nhiều nước vào 3 tiếng trước giờ đi ngủ cũng như tránh các loại đồ uống chứa chất gây lợi tiểu như trà, cà phê, rượu. Các thức uống này đều tác động lên cơ bàng quang và kích thích thận, gây tình trạng tiểu nhiều lần trong đêm.
  • Một số nam giới gặp tình trạng đi tiểu thường xuyên hơn nếu lo lắng. Nên tập thể dục đều đặn và thực hành các bài tập thư giãn như thiền để giảm stress.
  • Thông báo cho bác sĩ tiết niệu những loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc không kê đơn. Nếu phát hiện có loại thuốc làm trầm trọng hơn tình trạng rối loạn đi tiểu, bác sĩ sẽ có những điều chỉnh phù hợp như thay đổi liều dùng, thay đổi thời gian dùng thuốc hay kê đơn thuốc khác, ít gây bài tiết nước tiểu hơn.ThS.
ThS.BS Nguyễn Đình Nguyên
(PS st theo SK&ĐS)
tin tức liên quan