Theo thống kê, khoảng 26% người Việt Nam trong lứa tuổi từ 25-74 bị máu nhiễm mỡ. Với những người cao niên trên 60 tuổi, tình trạng mỡ máu cao hay gặp. Dưới đây là những lý do mắc bệnh và những điều cần biết để giúp người cao tuổi khắc phục giảm nguy cơ mỡ máu cao.
Mỡ máu cao ở người cao tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do chức năng nội tạng, chế độ sinh hoạt, bệnh nền,… Một số nguyên nhân chính của chứng rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi như sau:
Do suy giảm chức năng
Do tuổi cao nên cơ thể người cao tuổi cũng dần lão hóa, suy giảm chức năng của các cơ quan có chức năng điều tiết mỡ máu như gan, mật… Điều này dẫn đến việc vận chuyển và đào thải mỡ thừa gặp khó khăn. Mỡ thừa không được đào thải dẫn đến tích tụ mỡ trong thành mạch gây nên chứng tăng mỡ máu.
Bên cạnh đó chế độ ăn uống sinh hoạt và luyện tập không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như: các bệnh lý về đái tháo đường, huyết áp cao, bệnh gan và béo phì,… cũng là nhóm người có nguy cơ mắc chứng rối loạn mỡ máu.
Do chế độ ăn mất cân bằng
Nếu người cao tuổi ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc tinh bột cao sẽ làm gia tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ như bơ, sữa, mỡ động vật,… có thể khiến nồng độ cholesterol tăng cao. Bên cạnh đó, ăn nhiều tinh bột cũng gây tích tụ triglycerid trong cơ thể người gây nên rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi.
Việc tăng cường chất xơ, vitamin cho cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng làm giảm hàm lượng cholesterol và chất béo hấp thụ vào cơ thể. Chất xơ có từ nguồn rau, củ, các loại hoa quả, ngũ cốc, nấm hương,… Nên lựa chọn những thực phẩm hấp, luộc, tránh những thực phẩm đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.
Về nhu cầu chất đạm ở người cao tuổi chỉ từ 60-70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30%. Các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua cũng rất cần thiết (100g tép chứa 910mg canxi, 100g cua đồng chứa 5.040mg canxi). Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để hấp thụ thêm canxi từ xương cá giúp phòng bệnh loãng xương ở người cao tuổi. Ngoài ra, thường xuyên thay đổi thực đơn, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn mềm, thái nhỏ hầm kỹ, các món canh chất lượng dễ tiêu.
Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, tuyệt đối không ăn đêm vì khi nằm, dạ dày căng to sẽ đẩy cơ hoành lên và chèn ép cản trở hoạt động của tim.
Sau khi ăn xong, người cao tuổi nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút tiêu hóa thức ăn để chuyển xuống ruột non dễ dàng hơn.
Thói quen ngại vận động, ít vận động
Nhiều người cao tuổi ngại vận động, ít vận động bởi lo sợ ngã, trúng gió… và thấy không an toàn cho sức khỏe. Nhất là các trường hợp người cao tuổi bị đau xương khớp, đau lưng và có chỉ số BMI là 30 (béo phì độ 1) khiến các hoạt động thể chất bị hạn chế, không còn linh hoạt.
Điều này không tốt cho sức khỏe, tăng nguy cơ lắng đọng mỡ ở các thành mạch máu… ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
Do đó, người cao tuổi cần được sự tư vấn của bác sĩ để việc tập thể dục phù hợp với sức khỏe, tập thường xuyên ở người cao tuổi sẽ cải thiện được sức khỏe, giảm mỡ máu cao và các biến chứng tim mạch.
Một số bài tập hiệu quả nhất với người cao tuổi để giảm mỡ máu cao là đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga. Đặc biệt là đi bộ nhẹ nhàng và thường xuyên, đây là bài tập an toàn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo khuyến cáo mỗi ngày chỉ nên đi bộ khoảng 60 phút, chia làm 2 – 3 lần, không nên đi bộ liên tục 60 phút và không nên đi bộ vào lúc trời nắng hoặc thời tiết lạnh.
Người cao tuổi cần tuân theo các nguyên tắc khởi động làm ấm cơ thể. Đồng thời cần tập từ từ chậm rãi và tăng dần tốc độ, duy trì bài tập tối thiểu 30 phút và không hoạt động quá mạnh, kết hợp uống đủ nước.
BSCKI Nguyễn Thị Ngọc
(PS st theo SK&ĐS)