Nhiều bệnh rình rập nếu ăn cua sống
Trong một diễn đàn về phòng chống ung thư, một facebook có nickname H.N hỏi: "Cả nhà đã ai nhai cua sống chữa ung thư chưa, và cách làm thế nào ạ? Mình đang đau khớp gối thì uống bao lâu có kết quả vậy?". Ở nhiều diễn đàn mạng xã hội khác cũng chia sẻ cách chữa bệnh bằng nhai cua sống và ngay lập tức nhận được sự "hưởng ứng" của rất nhiều facebooker.
Không chỉ bày cách nhai cua sống chữa bệnh, trước đây trên mạng xã hội cũng rộ lên trào lưu nuốt gan, mật cóc sống, uống bột giun chữa ung thư; hay như chữa ung thư bằng uống nước lá đu đủ, bồ công anh hoặc các lá lẩu không rõ nguồn gốc khác...
Đem những "bài thuốc bí truyền" này đi hỏi TS.BS Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K Trung ương, vị Tiến sĩ tỏ ra hết sức bức xúc với những "bài thuốc" phản khoa học này. TS. Việt Hương cảnh báo: "Trong cua sống, giun, cóc chẳng có chất gì giúp chống ung thư cả. Ngược lại, nếu nhai cua sống thì họ đã hồn nhiên đưa ký sinh trùng, vi sinh vật, vi khuẩn vào người, dễ dẫn đến tiêu chảy, hoặc các bệnh khác có thể gây nguy hiểm cho tính mạng".
Về vấn đề này, chuyên gia vi rút, ký sinh trùng - Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm - Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng: "Trong cua sống có một số loại vi khuẩn. Nếu ăn cua sống có nguy cơ bị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn. Đặc biệt, cua suối ở một số vùng núi, nhất là ở Sìn Hồ - Lai Châu, có chứa ấu trùng sán lá phổi, ăn sống hoặc chín chưa kỹ sẽ bị bệnh sán lá phổi".
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, trong cua chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng chỉ tốt cho cơ thể khi được ăn chín uống sôi chứ tuyệt đối không nên ăn sống. Ăn cua sống tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe, người dân không nên nghe lời mách bảo vô căn cứ để chữa bệnh.
TTƯT.ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm.
Người dân không nên mù quáng chữa ung thư theo truyền miệng
Trong quá trình điều trị của mình, TS. Hương cho biết, dù chị đã tư vấn cho người bệnh rất kỹ nhưng rất nhiều lần chị chứng kiến bệnh nhân uống đủ thứ lá lẩu, chữa khắp các thầy lang, bà mế. Kết quả bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng lên khiến các bác sĩ cũng phải bó tay. Đây là điều rất đau lòng, vừa đáng thương lại đáng trách.
"Có trường hợp trẻ mắc ung thư đang điều trị tại Khoa Nhi, BV K Trung ương nhưng mẹ của bé vẫn ngấm ngầm cho con uống thuốc lá vô tội vạ. Đến khi xét nghiệm men gan lên đến 800 U/L, bác sĩ gặng hỏi nhưng ban đầu người mẹ còn chối đây đẩy, nhất quyết không nói thật..."- TS. Hương nói.
TS.BS Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K Trung ương.
TS. Hương cũng cảnh báo thêm: "Việc tìm kiếm các thông tin về vấn đề sức khỏe trên mạng không có nguồn gốc rõ ràng đang trở thành một trào lưu rất nguy hiểm. Với các bệnh nhân đang điều trị ung thư ở bệnh viện, họ trở nên hoang mang, họ có tư tưởng bỏ điều trị chính thống để theo phương pháp điều trị không được kiểm chứng như vậy. Khi chúng ta nhận những thông tin nhưng không có kiến thức nền để tự kiểm chứng, chúng ta không biết thông tin đó đúng hay sai mà vẫn áp dụng thì hậu quả thật khó lường. Đúng ra khi bị bệnh phải tới bệnh viện, nhưng lại quay ra áp dụng các biện pháp điều trị phản khoa học từ google làm bệnh nhân bị chậm quá trình điều trị, thậm chí tự đẩy mình tới cái chết.
Bản thân tôi là một bác sĩ chuyên ngành ung thư cũng chỉ tư vấn về sức khỏe liên quan đến chuyên ngành ung thư. Nhưng ngay trong chuyên ngành ung thư, tôi cũng chỉ tư vấn một số mặt bệnh mà tôi được đào tạo và nắm vững. Bản thân tôi cũng không thể tư vấn được hết tất cả mọi mặt bệnh khác như sản phụ khoa, tim mạch, nội tiết.... Với kiến thức và lương tâm của một bác sĩ chuyên ngành ung thư, tôi khẳng định trên thế giới các biện pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhắm tế bào đích vẫn là các biện pháp điều trị bệnh ung thư chính".
Dương Hải
PS st Theo SK&ĐS