VFF: Ai? Ở đâu? Làm gì?

Ngày đăng: 08:08 19/09/2017 Lượt xem: 681


                               VFF: Ai? Ở đâu? Làm gì?



                                                               Nguồn:Báo Điện tử Soha.vn


Trong cơn loạn lạc khi VFF đang phải chống đỡ với dư luận sau thất bại tại SEA Games 29, vừa phải "lo ghế", mấy ai nhìn ra công, ra tội của những người nắm quyền ở đây.

VFF: Ai? Ở đâu? Làm gì?

1. "Giai đoạn 2012-2020: Đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á".

Đó là chỉ tiêu đầu tiên trong mục 3 (mục "Các chỉ tiêu chính") của "CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 08/03/2013. Và văn bản này được đăng tải công khai trên website của VFF, ở phần tầm nhìn và chiến lược.

Xét theo chỉ tiêu này, chúng ta còn 3 năm để đạt tối thiểu chỉ tiêu (1-2 chức vô địch). Và điều đó cũng phần nào lý giải được tại sao ông bầu Đức lại có những nóng vội đến thế trong phát ngôn suốt thời gian qua.

Theo nhiều người thạo tin cho biết, khi nhậm chức chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã cố thuyết phục ông Đức vào ghế phó chủ tịch. Và khi ông Dũng vướng việc riêng phải vắng mặt, ông Đức gần như là người quán xuyến chuyện liên đoàn nhiều nhất.

Ông Đức phải thừa nhận rất máu bóng đá. Ông máu đến mức độ thành tự tin quá mức khi lứa U19 của ông được người hâm mộ đón nhận nhiệt liệt. Và ông tin vào thành công mà lứa ấy sẽ mang lại, một niềm tin tinh tuyền, có phần thánh thiện.
 

VFF: Ai? Ở đâu? Làm gì? - Ảnh 1.


Lứa U19 được bầu Đức đặt vào tay Hữu Thắng đã thất bại.


Nhiều người phải thừa nhận rằng, ngoài chơi bóng giỏi, lứa Công Phượng của HAGL rất ngoan. Chính vì họ ngoan, nên niềm tin của bầu Đức mới thánh thiện và tinh tuyền đến thế.

Nhưng suy cho cùng, một phó chủ tịch phụ trách tài chính vẫn nên chỉ là phó chủ tịch phụ trách tài chính mà thôi, đừng đan vào chuyên môn. Chuyện ông Đức, vì niềm tin của mình, mà tự trói mình bằng cam kết "lứa này không vô địch SEA Games tôi từ chức" là đã bắt đầu dính tới chuyên môn.

Cam kết cùng việc đặt chỉ tiêu (chỉ tiêu huy chương vàng cho SEA Games vừa rồi) phải là chuyện của Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch phụ trách chuyên môn.

Tất nhiên, niềm tin của bầu Đức vẫn chưa chết hẳn đâu. Lứa Công Phượng của ông vẫn còn những cầu thủ đủ tuổi dự SEA Games 2019. Lúc ấy, nếu họ vô địch, tất cả chúng ta, cả tôi và bạn, phải rút lại (và xin lỗi) vì đã gọi bầu Đức là Đức nổ.
 

VFF: Ai? Ở đâu? Làm gì? - Ảnh 2.


2. Nhưng ở thời điểm này, thời điểm mà chính bầu Đức nói rằng VFF "không phải rối mà quá rối", chúng ta có quyền đặt câu hỏi "Phó chủ tịch phụ trách tài chính đã lo được tài chính thế nào cho VFF?".


Đây là câu hỏi cần ông Đức trả lời, một cách cụ thể. VFF thuộc về bóng đá Việt Nam mà bóng đá Việt Nam thuộc về người hâm mộ. Sau thất bại, họ có quyền đặt câu hỏi "Ai, làm gì, ở đâu?". Và "Ai" ở đây là ông Đức. Ông đã làm những gì cho việc thu hút tài trợ cho các đội tuyển nam và nữ các lứa tuổi?

Và ông đã ở đâu khi có những tuyên ngôn về một ứng viên HLV trưởng ĐTQG là ông Hoàng Anh Tuấn: cương vị của chuyên môn hay cương vị của một phó chủ tịch phụ trách tài chính?

Sẽ có phản biện rằng ông Đức đã dùng tiền của riêng mình để thưởng đội tuyển tỷ này tỷ kia. Điều đó rất đáng ghi nhận, và đáng được biết ơn. Song, hành động thưởng của ông Đức chỉ có thể được đánh giá sòng phẳng là từ một nhà tài trợ hảo tâm không hơn không kém. Và nhà tài trợ thì đừng bao giờ can thiệp vào chuyên môn của đội tuyển.

Và câu hỏi "Ai, làm gì, ở đâu?" chúng ta cũng nên đặt ra với Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch phụ trách chuyên môn. Việc có hỗ trợ Hữu Thắng hay không, hỗ trợ đến mức nào, chúng ta không bàn vì không nằm trong cuộc. Nhưng khi có làn sóng tấn công Hữu Thắng và Hoàng Anh Tuấn sau kết quả không được thuận của U22 và U18, phó chủ tịch Tuấn đang ở đâu, làm gì và nói gì?
 

VFF: Ai? Ở đâu? Làm gì? - Ảnh 3.


Nếu từng có 1 phát biểu của phó chủ tịch chuyên môn khẳng định rằng "Hai HLV U22 và U18 vẫn đang làm rất tốt. VFF tin tưởng tuyệt đối", chắc chắn họ sẽ khác lúc này rất nhiều. Ít ra, họ còn có cảm giác đang được làm trong một môi trường được bảo vệ hoàn toàn.


Xem ra, những đàm tiếu kiểu "ngồi nhiều ghế", "đi họp suốt ngày" dành cho ông Trần Quốc Tuấn cũng không ngoa là mấy.

Người tiếp tục nhận được câu hỏi kể trên bây giờ là ông Nguyễn Sỹ Hiển. Vâng, vị chủ tịch Hội đồng HL quốc gia khả kính đã và đang làm gì trong tiến trình VFF tuyển chọn người cầm lái đội tuyển?

Không một động thái nào cho dư luận cảm thấy an tâm cả. Và nếu chúng ta nhìn vào bộ máy của nhiều liên đoàn của các nền bóng đá phát triển, ta thấy ông Đức nói đúng trong đề nghị giải tán hội đồng này.

3. Trên website của LĐBĐ Anh, phần giới thiệu ông Dan Ashworth, Giám đốc kỹ thuật, ghi khá ngắn gọn tiểu sử của ông này. Hóa ra, ông ta chưa từng huấn luyện đội bóng lớn nào, chưa từng đạt thành tích huấn luyện nào. Và ngay cả HLV trưởng của ĐT Anh, Gareth Southgate cũng vậy. Thành tích và kinh nghiệm trong lý lịch còn "non" lắm.

Nhưng họ không đánh giá như cách của chúng ta, tức là bằng lý lịch. Họ tin vào khả năng, kế hoạch, cam kết và tiến trình thực hiện cam kết hơn.

Vậy thì khi phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nói Hoàng Anh Tuấn không có năng lực, thành tích, kinh nghiệm để ngồi ghế HLV trưởng, ông Hiển ở đâu? Hay ông Hiển thực sự sợ ông Đức? Hay ông Hiển chờ đèn xanh từ ông Tuấn mới phát ngôn những gì thuộc đúng chuyên môn của mình?
 

VFF: Ai? Ở đâu? Làm gì? - Ảnh 4.

Phó chủ tịch Xuân Gụ ở đâu khi "quả bom" ký tên Hữu Thắng được tung ra?

Và một người không thể không nhắc đến là ông Xuân Gụ, phó chủ tịch phụ trách truyền thông. VFF nóng như cái lò mấy ngày rồi toàn do truyền thông mà ra cả. Vậy thì ông Gụ đang ở đâu, đã làm gì khiến thông tin cứ xáo trộn cả lên như vậy.

Thậm chí, cả bài phỏng vấn Hữu Thắng cũng đã được chính HLV này cho rằng đã được bịa thêm lời (giống phát biểu của Gede), phó chủ tịch phụ trách truyền thông đã giải quyết khủng hoảng theo cách nào?

Hình như, VFF chưa từng có quy chế phát ngôn cho các cấp đội tuyển thì phải? Và giải quyết truyền thông theo cách "lặn như tàu ngầm" không phải là cách sòng phẳng và minh bạch với người hâm mộ. Và nực cười thay, nhiệm kỳ HLV trưởng của Hữu Thắng bắt đầu bằng 1 ồn ào từ cách họp báo nay nó cũng kết thúc bằng một họp báo ồn ào.

Chúng ta không hỏi ông Lê Hùng Dũng nữa. Ốm tha, già thải. Ông Dũng đang gặp khó khăn về sức khỏe nên đừng quy trách nhiệm nặng nề cho ông. Nhưng sau những lùm xùm vừa rồi, ông Đoàn Nguyên Đức đã nói một câu rất hay "VFF muốn làm tốt phải làm lại bộ máy. Những người không làm được nên cho ra".

Vâng, ai, đã làm được gì, và ai sẽ cho những người chẳng làm được tích sự gì ra khỏi VFF đây?

tin tức liên quan