Những thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo nhân ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới (17/5) do Quỹ Tim mạch Việt Nam phối hợp cùng Viện Tim mạch Việt Nam tổ chức với chủ để “Phát biểu tham luận về ý nghĩa ngày Tăng Huyết áp Thế giới, những thực trạng đáng báo động về bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam năm 2017”.
Theo thống kê của Hội Tim mạch học Việt Nam, tăng huyết áp là vấn đề thường gặp nhất trong cộng đồng. Cứ 4 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp. Hiện tại, Việt nam đang ở mức báo động với hơn 5000 người bị tăng huyết áp. Một trong những cách phòng ngừa tăng huyết áp là không nên ăn mặn và kiểm tra huyết áp đúng cách, thường xuyên.
Theo GS.TS. Nguyễn Lân Việt – Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, điều tra mới nhất của Hội Tim mạch học Việt Nam, năm 2017, ước tính khoảng 50% người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp. Đáng lo ngại, nhiều người mắc bệnh tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh.
Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không phải lúc nào người mắc bệnh tăng huyết áp cũng có những triệu chứng lâm sàng như: chóng mặt, đau đầu, ù tai… Rất nhiều người THA không có biểu hiện này. Vì vậy, nhiều trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.
Các chuyên gia trả lời giải đáp tại buổi Họ báo: GS.TS. Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia (ngoài cùng bên trái); GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam (ngồi giữa); PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam (ngoài cùng bên phải)
GS. Nguyễn Lân Việt cho biết, tăng huyết áp gây ra 5 loại biến chứng dẫn tới các bệnh về tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn. Tăng huyết áp gây ra thiếu máu cơ tim vì quả tim phải làm việc nhiều. Khi huyết áp lên cao, quả tim phải bơm máu nên cơ tim dầy hơn, khối lượng cơ tim lớn hơn. Quả tim bóp lâu ngày sẽ bị suy.
Thêm nữa, huyết áp cao xối lên thành mạch máu, rối loạn cholesterol, lipit máu gây xơ vữa động mạch và cuối cùng là nhồi máu cơ tim. Mỗi ngày, Bệnh viện Tim mạch Quốc gia tiếp nhận 5 - 10 người bị nhồi máu cơ tim.
GS. Nguyễn Lân Việt cho hay, nam giới khoảng 45 tuổi trở lên có nguy cơ bị mắc tăng huyết áp trong khi đó, nữ giới khoảng từ 55 tuổi trở lên mới có nguy cơ bị tăng huyết áp.
Không bỏ thuốc giữa chừng
Về điều trị tăng huyết áp Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ, điều trị phải lâu dài, không được bỏ giữa chừng và cần tuân thủ uống thuốc đều đặn. Điều trị tăng huyết áp không phải như điều trị các bệnh nhiễm trùng khác. Nhiều người sau một thời gian uống thuốc, thấy huyết áp xuống là bỏ không uống thuốc nữa hoặc uống thuốc không đều. Như vậy, khi ngừng uống thuốc, huyết áp sẽ tăng trở lại.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết, dùng thuốc trong điều trị tăng huyết áp cần phải phối hợp nhiều loại bởi một người bị ít khi chỉ bị tăng huyết áp đơn thuần mà còn kèm theo nhiều bệnh khác như: rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, suy thận, bệnh mạch vành, bệnh mạch não… Vì vậy, phải điều trị THA đạt huyết áp mục tiêu cộng với điều trị khống chế tất cả các yếu tố nguy cơ khác.
Nhiều bệnh nhân phải dùng tới 4 - 5 thứ thuốc kể cả thuốc tối ưu mà vẫn chưa khỏi thì gọi là huyết áp kháng trị. Hiện trên thế giới đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất ra các thuốc đối với những người có bệnh huyết áp kháng trị.
Cách đo huyết áp đúng
Cũng theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam tăng huyết áp là bệnh lý rất dễ phát hiện. Chỉ cần đo huyết áp sẽ biết được bệnh, tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại không biết được con số huyết áp của mình. Hãy nhớ con số đo huyết áp như tuổi của mình. Vì vậy, cần khám sức khỏe định kỳ, lưu ý về thông số huyết áp của mình kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể dục điều độ.
Cần kiểm tra thường xuyên kiểm tra số đo huyết áp của mình. Trung bình có thể đo 2 lần/ ngày vào sang và chiều sau đó ghi chép lại để theo dõi và báo cho bác sĩ. Tuy nhiên, có nhiều người vì quá lo lắng nên suốt ngày chỉ cần thấy hơi khó chịu trong người là đo huyết áp thì cũng không nên bởi như vậy sẽ vô tình tự tạo áp lực cho thần kinh và tác động ngược trở lại, không tốt cho huyết áp.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết, không có sự khác biệt về chất lượng của máy đo huyết áp bằng thủy ngân trước đây với máy đo huyết áp điện tử hiện nay. Hiện nay, đa phần dung máy đo điện tử, quan trọng là chúng ta biết cách đo huyết áp chuẩn. Lưu ý, khhi đo huyết áp, chúng ta đo ở cánh tay chứ không phải đo ở cổ tay. Vì vậy, các máy đo huyết áp điện tử ở cổ tay không chính xác như những máy đo huyết áp ở cánh tay
Ăn mặn dễ bị tăng huyết áp
GS.TS. Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, không nên ăn mặn bởi khi ăn mặn, chúng ta sẽ uống nhiều nước. Nước uống vào sẽ đi vào máu khiến thể tích trong máu tăng lên dẫn tới áp lực trong mạch máu tăng. Mặn ở đây là muối, mỳ chính, các loại mắm…
Nhiều người nghĩ rằng mỳ chính không đáng sợ như muối. Tuy nhiên, mỳ chính cũng có natri như muối. Vì vậy, một trong những biện pháp điều trị tăng huyết áp là ăn giảm mặn và lợi tiểu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi ngày, một người chỉ nên tiêu thụ 5 gam muối. Tuy nhiên, trong 1 bát phở - món mà người Việt Nam rất ưa chuộng, nước phở thường đậm và ước tính đã có tới khoảng 3 gam muối trong đó.
Giảm những đồ ăn mỡ động vật, gan, não, trứng, thực phẩm có chứa nhiều cholesterol... Người tăng huyết áp cần hạn chế uống rượu, bia, giảm bớt cân nặng, tránh béo phì, mỗi ngày dành 30- 45 phút đi bộ, hoạt động nhẹ nhàng.
Thanh Loan
PS st Theo SK&ĐS