Đông trùng Hạ thảo là vô bổ?

Ngày đăng: 09:59 22/10/2017 Lượt xem: 611


    
                                Đông trùng Hạ thảo là vô bổ?



                                              Nguồn:Báo Điện tử Tiền Phong


Công trình nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc vừa chỉ rõ: Đông trùng Hạ thảo không hề hàm chứa các chất Pentostatin và Cordycepin có tác dụng chữa ung thư như tuyên truyền bấy nay.


Đông trùng Hạ thảo là vô bổ? - ảnh 1  

Đông trùng Hạ thảo trong tự nhiên dù rất đắt nhưng không có tác dụng chống ung thư như quảng cáo.


Dược liệu đắt như vàng

Từ xưa đến nay, ở Trung Quốc và một số nước châu Á, “Đông trùng Hạ thảo” được coi là vị thuốc quý của đông y, có khả năng bồi bổ và tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tình dục, tăng cường khả năng miễn dịch; thậm chí được đẩy lên thành “thần dược” chữa ung thư với giá đắt hơn vàng. Mỗi kilogam giá mấy trăm ngàn tới cả triệu tệ (NDT), Đông trùng Hạ thảo rốt cục là thực phẩm, dược phẩm, hay thực phẩm chức năng bổ dưỡng?

“Đông trùng Hạ thảo” trong dược học truyền thống Trung Quốc - tên gọi loại dược liệu là thể phức hợp giữa một loài nấm có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài bướm thuộc chi Thitarodes. Cơ chế xâm nhiễm của loài nấm này vào cơ thể sâu hiện giờ vẫn chưa rõ. Vào mùa Đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Đến một giai đoạn nhất định, thường là vào mùa Hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất phát triển thành dạng thực vật. Vì vậy, nó có tên là “Đông trùng Hạ thảo” (sâu mùa Đông, cỏ mùa Hè). Đông trùng Hạ thảo có nhiều ở các vùng đồng cỏ trên các cao nguyên có độ cao 4000-5000m so với mặt biển ở Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tây Tạng, Vân Nam. Ngoài ra còn có tới hơn 1.500 loài trùng thảo khác cũng có cơ chế tương tự, tức là loại nấm khác không phải Ophiocordyceps sinensis phát triển trên cơ thể loại ấu trùng khác không phải Thitarodes.
 

Đông trùng Hạ thảo là vô bổ? - ảnh 2

Trùng Thảo do nhóm nghiên cứu tạo ra trên cơ thể nhộng sâu có mang hoạt chất kháng ung thư.


Theo tài liệu chính thống của Trung Quốc xưa nay thì “Cordycepin” (Trùng Thảo Tố) – thành phần chủ yếu của Đông trùng Hạ thảo có tác dụng “âm dương đồng bổ” và điều tiết cân bằng cơ thể. Nó có hiệu quả rất rõ trong việc “hộ gan, bảo thận, nhuận phế”, còn đại bổ khí huyết, có thể chữa khỏi các chứng Thống kinh, Thiên đầu thống, gai đôi cột sống; xét về góc độ y lý Tây y thì Cordycepin còn có các tác dụng kháng ung thư, kháng suy lão, kháng virus, điều tiết miễn dịch, cải thiện trao đổi chất, thanh thải độc tố, có ứng dụng lâm sàng rất tốt; thậm chí Cordycepin còn đang được nghiên cứu sử dụng trong các lĩnh vực kháng suy lão, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe…

Ordycepin không có trong Đông trùng Hạ thảo

Sáng 19/10, ông Vương Thụ Thành, người phụ trách nhóm nghiên cứu ở Sở nghiên cứu sinh lý sinh thái thực vật Thượng Hải trực thuộc Viện khoa học Trung Quốc thông báo ông vừa được Hội Khuẩn vật học châu Á trao “Giải thưởng Nhà khuẩn học châu Á kiệt xuất”. Tối 19/10, ông thay mặt cho nhóm nghiên cứu công bố luận văn trên tạp chí học thuật quốc tế trực tuyến “Cell Chemical Biology” (Tế bào. Hóa sinh vật học), tuyên bố: “Đông trùng Hạ thảo không chứa chất Trùng Thảo Tố (Cordycepin). Điều này quyết định bởi gen, do trong Đông trùng Hạ thảo không hề có gen tạo nên Cordycepin, trong Thiền Hoa (một loại nấm thảo dược) cũng không có”.

Từ rất lâu nay, Trùng Thảo Tố (Cordycepin) luôn được coi là phân tử “ngôi sao” được hết lời quảng cáo là có hoạt tính kháng ung thư, kháng khuẩn, nhưng thiếu các chứng cứ thực nghiệm lâm sàng. Cho đến nay, cơ quan quản lý dược phẩm, thực phẩm vẫn chưa phê chuẩn tiêu thụ Cordycepin trên thị trường với tư cách dược liệu.

Ông Vương Thụ Thành nói: “Nhắc đến Trùng Thảo là người ta nghĩ ngay đến Đông trùng Hạ thảo; nhưng thực ra Đông trùng Hạ thảo chỉ là một trong số hơn 1.000 loại trong tự nhiên. Trùng Thảo không phải Trùng (sâu) cũng chẳng phải Thảo (cỏ) mà là thể phức hợp Khuẩn Trùng mọc trên cơ thể côn trùng hoặc Nhện sau khi bị nhiễm nấm”.

Sau 7 năm nghiên cứu, nhóm của ông Thành đã làm rõ một cách hoàn chỉnh cơ chế hợp thành sinh vật của Cordycepin trên Dũng Trùng Thảo. Họ cũng bất ngờ phát hiện Dũng Trùng Thảo có thể hợp thành chất Pentostatin có hoạt tính kháng ung thư và đưa ra chứng cứ phân tử về họat tính kháng ung thư của Dũng Trùng Thảo. Pentostatin xuất hiện cùng với Cordycepin. Qua nghiên cứu đã chứng thực: Pentostatin chính là “ô bảo vệ” cho Cordycepin; nếu không có nó thì Cordycepin sẽ mất. Ngay từ năm 1991, Pentostatin đã được Cục quản lý thực phẩm, dược phẩm Mỹ phê chuẩn là loại thuốc chống ung thư máu và được bán ở Mỹ, nhưng chủ yếu sản xuất bằng phương pháp hóa học.

Nhóm nghiên cứu của Vương Thụ Thành cũng chứng minh: Đông trùng Hạ thảo và Thiền Hoa (Cordyceps sobolifera) không thể hợp thành được Pentostatin và Cordycepin; điều đó có nghĩa là các loại dược liệu này không hề có tác dụng kháng ung thư hay các công dụng thần kỳ như quảng cáo lâu nay. Họ cũng chỉ rõ: khi nấm có hàm lượng Cordycepin quá cao sẽ sinh ra độc tính trong tế bào. Điều này có nghĩa là con người không nên đưa vào cơ thể lượng Cordycepin quá nhiều.

Vương Thụ Thành cho biết, Pentostatin và Cordycepin là thứ “vũ khí” để Dũng Trùng Thảo đối kháng với các sinh vật khác trong môi trường tự nhiên hoang dã. Nhóm của ông đã đăng ký bảo hộ bản quyền đối với công trình nghiên cứu gen trong con đường hợp thành Pentostatin và Cordycepin. Trong tương lai, những gen này hy vọng được ứng dụng trong sinh vật học để lợi dụng các loại vi khuẩn hoặc thực vật để hợp thành Pentostatin và Cordycepin dùng cho việc phòng, chữa ung thư.
tin tức liên quan