Từ vụ cà phê nhuộm pin: Xử nặng kẻ gây ra cái chết từ từ
Nguồn:Báo Điện tử Người Lao Động
Việc thực thi, chế tài pháp luật đối với sản xuất - kinh doanh thực phẩm bẩn còn bất cập, thiên về xử lý hành chính nên thực
phẩm bẩn vẫn tràn lan
Mấy ngày qua, vụ việc Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) sử dụng tạp chất cà phê tẩm nhuộm với than pin bán ra thị trường.
Trước đó, ngày 15-1, đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An, TP Hải Phòng đã phát hiện sản phẩm thuốc chữa ung thư Vinaca được làm từ than tre có chứa chất độc hại và cơ quan công an đã khởi tố vụ án.
Vì tiền, bất chấp thủ đoạn
Tình trạng trên là do bản chất thực dụng, hám lợi của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩn bẩn, độc hại. Vì lợi nhuận, họ bất chấp tất cả: từ quy định của pháp luật cho đến hậu quả, di hại cho người dùng. Không chỉ vậy, để bán được sản phẩm, họ còn dùng mọi thủ đoạn, hình thức tinh vi để che giấu, giả mạo, thậm chí hối lộ người có thẩm quyền, bỏ tiền "chạy" những vỏ bọc như "giấy chứng nhận chất lượng", những "giải thưởng" của các ngành nghề, hiệp hội...
Chưa bao giờ lương tâm, đạo đức kinh doanh bị chà đạp ở quy mô lớn như hiện nay. Những người sản xuất - kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng hoàn toàn không phải là những người lạc hậu, thiếu hiểu biết hay nghèo đói phải chạy kiếm ăn từng ngày mà là những kẻ có tiền, phương tiện, quan hệ mạnh, tạo thành những thế lực thao túng thị trường. Đây là hệ quả trực tiếp của những kẽ hở quản lý, phải sớm có những giải pháp toàn diện và căn cơ để khắc phục.
Giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn là chuyện không hề mới, đã được bàn luận rất nhiều. Rất nhiều giải pháp cũng đã được triển khai, áp dụng, chỉ có điều hiệu quả không cao, thậm chí là bất lực, thua cuộc! Không ít ý kiến cho rằng hiện pháp luật trong xử lý sản xuất - kinh doanh thực phẩm bẩn chưa nghiêm. Hình phạt, mức phạt thấp, thiên về xử lý hành chính nên nhiều người sản xuất - kinh doanh "bẩn"... không sợ! Ngoài ra, hiện nay vẫn có những quy định chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, bộ máy nhân sự mỏng, phương tiện thiếu thốn, lạc hậu… không đủ để thực hiện giám sát, kiểm tra.
Còn nhớ tại diễn đàn Quốc hội ngày 17-11-2015, bàn về việc xử lý thực phẩm bẩn, độc hại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lúc đó là ông Cao Đức Phát đã kiến nghị phải sửa luật hình sự mới xử lý hiệu quả tệ nạn này. Vì luật hình sự khi đó quy định nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý.
Thực phẩm, dược phẩm không rõ nguồn gốc bị quản lý thị trường TP HCM thiêu hủy.Ảnh: Tấn Thạnh
Phải truy xét và xử thật nghiêm
Hiện trong Bộ Luật Hình sự (năm2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), phần các tội phạm trong sản xuất - kinh doanh, thương mại có 6 tội danh liên quan đến xử lý thực phẩm bẩn, thuốc giả như: Sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; quảng cáo gian dối; lừa dối khách hàng... Về hình phạt, đối với tội làm thuốc chữa bệnh giả và thực phẩm giả, khung hình phạt cũng rất cao, lên tới chung thân, tử hình trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, có thể thấy việc áp dụng luật vào thực tiễn vẫn khó khăn và chưa hiệu quả để ngăn chặn và phòng chống nạn thực phẩm bẩn. Trong đó có nguyên nhân là luật chỉ mới quy định mang tính định lượng về giá trị lô hàng giả, mà chưa truy xét, tìm đến đúng bản chất, hậu quả nguy hại về lâu dài của thực phẩm bẩn, khi hậu quả chưa xảy ra ngay, thoạt nhìn có vẻ không nghiêm trọng.
Chẳng hạn, điều 193 Bộ Luật Hình sự quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị phạt từ 2-5 năm tù, phạt tù từ 5-10 năm khi hàng giả trị giá từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng, tính theo giá bán, giá niêm yết. Như vậy, có nghĩa là thực phẩm độc hại nhưng nếu không được xác định là "giả" thì sẽ thoát tội này. Cũng như lô hàng có giả rẻ mạt, gây tổn hại sức khỏe ít (dưới 50%) hoặc chưa gây tổn hại ngay thì cũng không hoặc chưa thể xử lý theo khung này. Trong khi, theo điều 168 về tội "Cướp tài sản", dù là một chiếc nón vải trị giá vài mươi ngàn đồng cũng có thể bị phạt tù 5 năm hay mua bán chất ma túy giá trị chỉ vài chục ngàn đồng đã bị xử nhiều năm tù.
Rõ ràng, trong nhiều trường hợp các chất độc hại chứa trong thực phẩm có thể không làm chết người ngay mà nó ngấm từ từ, chuyển hóa và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khi về già, hay thậm chí di truyền cho các thế hệ sau. Sức khỏe người dân không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế - xã hội, chi phí thuốc men, chữa trị… sẽ trở thành gánh nặng quốc gia. Vấn đề này lại không được truy xét và xử lý tận gốc.
Ngoài những giải pháp về pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, cần thắt chặt điều kiện cấp phép trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Mỗi người hằng ngày đều ăn uống, biết rõ nơi mình giao tiếp, mua hàng; đồng thời là đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp nên cần sự đồng lòng của mỗi cá nhân, gia đình có trách nhiệm lên tiếng, tố giác trong việc phòng chống và phát hiện thực phẩm bẩn.
Nếu chúng ta tạo ra được một thế trận "trăm tai ngàn mắt", với sự tham gia, đồng hành của toàn xã hội, cương quyết nói không, tẩy chay thực phẩm bẩn, cùng với hệ thống thực thi pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc thì mới hy vọng đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn.
Tăng mức phạt lên 20 năm tù
Bộ Y tế đang soạn thảo nghị định thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt theo hướng nặng hơn rất nhiều để tạo tính răn đe. Ngoài ra, Bộ Y tế kiến nghị các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm điều 317 của Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có mức xử phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
NG.DUNG
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế:
Xử phạt còn nhẹ, chủ yếu nhắc nhở
Nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm đã được phát hiện như gia cầm nhập lậu, phủ tạng động vật không bảo đảm chất lượng, các cơ sở sử dụng phụ gia ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi... Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy tuyến xã, phường, thị trấn mức xử phạt thường rất thấp, chủ yếu là nhắc nhở. Trong khi theo quy định, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có quyền xử phạt đến 5 triệu đồng; chủ tịch UBND huyện có quyền phạt đến 50 triệu đồng. Luật An toàn thực phẩm cho phép xử phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, lô hàng hóa vi phạm giá trị 1 tỉ đồng có thể cho phép xử phạt 7 tỉ đồng. Nếu chúng ta làm thật nghiêm, sẽ đủ sức răn đe.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM:
Cơ quan chức năng bị trói đủ thứ
"Nhổ cỏ dại" thực phẩm bẩn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như thời gian qua, nhiều cửa hàng thích thì trưng bảng hiệu hữu cơ lên. Biết là họ sai nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý vì chưa có tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu lấy mẫu xét nghiệm mà không có độc tố gì cũng không thể xử phạt được họ. Mặt khác, tâm lý người tiêu dùng muốn sạch nhưng phải giá rẻ, rẻ đến mức vô lý. Khâu quản lý xử phạt chưa nghiêm. Việc xử lý thực phẩm bẩn không hề đơn giản, không phải muốn phạt là phạt được vì họ còn lách luật, còn mình bị trói đủ thứ.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội:
Huy động xe chuyên dụng tuần tra thực phẩm bẩn
Trong năm 2018, 5 xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng của TP Hà Nội tiếp tục "tuần tra" xét nghiệm về dư lượng hóa chất trong thực phẩm (rau củ quả, thức ăn… tại các chợ, siêu thị, các cơ sở dịch vụ ăn uống) trên địa bàn Hà Nội nhằm sàng lọc, hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Trong năm 2017, xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về an toàn thực phẩm đã xét nghiệm hơn 1.100 mẫu thực phẩm; trong đó, phát hiện hơn 80 mẫu dương tính, sau đó bị cấm lưu thông. Trong mỗi xe lưu động sẽ có 2 cán bộ làm kỹ thuật xét nghiệm. Xe sẽ đến những nơi tập trung, cung cấp nhiều thực phẩm tươi sống, để xét nghiệm định tính hóa chất trong sản phẩm. Nếu xét nghiệm có vấn đề sẽ tạm thời không được lưu hành để chờ xét nghiệm chuyên sâu hơn.
N.HẢI - Ng.Dung ghi
Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP HCM)