Bệnh nhân là nữ, 28 tuổi, ở Hà Nội. Theo lời kể của bệnh nhân, 2 năm gần đây, bệnh nhân xuất hiện đau cột sống thắt lưng với tần suất tăng dần, đau cả khi được nghỉ ngơi vẫn không hết. Bệnh nhân tự uống thuốc giảm đau và tập luyện nhưng không đỡ. 6 tháng gần đây thì xuất hiện thêm tê bì mặt trong đùi và vùng mông, đại tiện khó khăn hơn. Bệnh nhân đi khám chuyên khoa tiêu hóa - hậu môn trực tràng nhưng không phát hiện gì đặc biệt.
2 tháng trước vào BV Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân bắt đầu thấy yếu dần 2 chân, đi lại khó khăn hơn, đứng chỉ được vài phút là phải ngồi vì mỏi và tê hai chân nhiều hơn, tình trạng đại tiện khó không thay đổi, tê bì vùng hậu môn sinh dục nhiều hơn, tiểu khó dần.
Qua thăm khám và đánh giá, TS.BS Nguyễn Vũ cho biết, bệnh nhân có yếu hai chân đồng đều, mức độ 4/5, phản xạ gân xương tăng, có biểu hiện của rối loại cơ tròn. Bệnh nhân nằm trong bệnh cảnh chèn ép tủy sống, nghi ngờ có thương tổn trong ống sống chèn ép tủy.
Hình ảnh u màng nội tủy nhầy nhú trên phim cộng hưởng từ T1 và T2.
Bệnh nhân được chụp phim X-quang cột sống thắt lưng thường quy và chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng có tiêm thuốc cản quang. Kết quả phim cộng hưởng từ cho thấy, u tủy sống chiều dài hai thân đốt L1L2, khối u ranh giới rõ, chiếm toàn bộ lòng ống tủy, chèn ép trực tiếp vào chóp tủy. Trước ca bệnh này, các bác sĩ đã chỉ định mổ vi phẫu thuật lấy toàn bộ khối u tủy.
Sau mổ bệnh nhân cải thiện triệu chứng bệnh rõ rệt ngay từ ngày đầu sau mổ. Sau 3 ngày bệnh nhân đã ngồi dậy, không còn biểu hiện tê bì và cử động hai chân nhẹ nhàng hơn, không còn biểu hiện khó khăn trong đại tiểu tiện nữa. 5 ngày sau mổ bệnh nhân đã tự đi lại được, vết mổ khô, mọi sinh hoạt đã có thể tự làm không cần sự hỗ trợ nữa. Sau mổ 7 ngày, kết quả giải phẫu bệnh khối u là u màng nội tuỷ nhầy nhú.
Dễ nhầm lẫn với bệnh khác
TS.BS Nguyễn Vũ cho biết, u màng nội tuỷ nhầy nhú là loại u ít gặp, chiếm khoảng 10-13% trong số các loại u nội tuỷ (u tế bào màng lót ống nội tủy). Đây là các tổn thương lành tính về mô học phát sinh ở đoạn tận cùng của ống tuỷ sống.
“Ở người lớn loại u màng nội tuỷ nhầy nhú - mixopapillary ependymomas chiếm tỉ lệ 40-50% của u ống nội tủy, loại mixopapillary xuất phát từ khối tế bào màng não thất trong não thất IV và trong vùng chóp cùng tủy sống. Ở người lớn, u này thường có tiên lượng tốt khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u. Riêng ở trẻ em, u có tiên lượng kém hơn mặc dù cũng được cắt bỏ toàn bộ u như người lớn và có khả năng tái phát nhanh hơn. Mixopapillary ependymomas phát triển chậm trong đa số các trường hợp, ở lứa tuổi 30- 40 chiểm tỉ lệ cao”- TS. Vũ cho hay.
Hình ảnh trong mổ lấy toàn bộ khối u màng nội tủy nhầy nhú.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ, đau lưng là dấu hiệu không thường gặp trong đa số các bệnh nhân với triệu chứng đau vùng đốt sống thường không điển hình, dễ nhầm lẫn với triệu chứng đau thông thường do thoái hóa cột sống hay do bệnh lý của các khớp đốt sống hoặc nhầm lẫn với những thương tổn khác. Đa số những u này phát triển kéo dài nằm trong nhu mô tủy sống, khi u phát triển chèn ép tủy sống sẽ ảnh hưởng đến tổn thương bó tháp của chân hoặc cả tay lẫn chân tùy theo vị trí khối u. Phần lớn các trường hợp khối u ependymomas to có ảnh hưởng đến cảm giác và nếu chèn ép tủy lâu ngày sẽ gây teo cơ ở tay hoặc chân. Cũng có những trường hợp làm ảnh hưởng đến rối loạn cơ vòng hậu môn và bàng quang gây rối loạn đi tiểu và đại tiện
Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị triệt để, tiên lượng bệnh tốt, vì vậy bệnh nhân cần được chẩn đoán bệnh sớm, điều trị đúng và kịp thời và đặc biệt là tái khám định kỳ xác định nguy cơ tái phát khối u để điều trị và phòng bệnh kịp thời.
Hình ảnh vi thể của u màng nội tủy nhầy nhú.
Cần chú ý với các cơn đau dù thoáng qua
TS.BS Nguyễn Vũ khuyến cáo, người dân cần lưu ý các biểu hiện bệnh dù là thường gặp và thoáng qua nhất. Nếu đau cột sống thắt lưng do thoái hóa thì thường tăng khi lao động, giảm khi nghỉ ngơi còn đau liên tục tăng dần, ít đáp ứng với thuốc giảm đau thì là bệnh lý không phải thoái hóa. Đã có đau và tê bì dị cảm lan xuống chân là biểu hiện của kích thích hoặc chèn ép rễ thần kinh đặc biệt là đi lại khó khăn, hạn chế đứng… thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám bệnh, đừng chủ quan hoặc tự ý dùng thuốc mà tiền mất tật mang.
Với nhân viên y tế cũng cần tránh chủ quan, không được bỏ sót triệu chứng và đặc biệt là phải khám tổng thể, đặc biệt không được chẩn đoán nửa vời. Cần khám kỹ, đặc biệt là phân vùng cảm giác và phải xạ gân xương để đánh giá có chèn ép cơ học thực thể khi bệnh nhân có biểu hiện chèn ép thần kinh…
Dương Hải
PS st Theo SK&ĐS