Vậy khi dùng thuốc cho trẻ em cần chú ý gì?
Trẻ em (nhất là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh) khác với người lớn về nhiều khía cạnh, bao gồm khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hoá, thải trừ thuốc, tác dụng và độc tính của thuốc cũng như sở thích vị giác… Vì vậy, việc lựa chọn và sử dụng thuốc có nhiều điểm khác biệt vì ở giai đoạn này, các cơ quan trong cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện về chức năng và có nhiều thay đổi lớn về thể chất - tâm lý.
Chọn dạng bào chế và loại thuốc phù hợp cho trẻ em
Việc chọn dạng bào chế phải thích hợp với đặc điểm sinh lý của trẻ em theo từng độ tuổi, nếu không việc dùng thuốc sẽ gặp trở ngại và có thể dẫn đến hiệu quả điều trị thấp.
Muỗng đong với thân hình trụ để đong thể tích chính xác hơn.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng bào chế khác nhau dùng đường uống như sirô, viên nén, viên nang, bột, cốm pha hỗn dịch để uống…
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, dạng thuốc lỏng (siro, dung dịch, hỗn dịch…) là dạng dùng phù hợp nhất vì trẻ dễ uống và có mùi vị dễ chịu. Liều lượng theo chỉ định của bác sĩ (đối với những thuốc kê đơn như kháng sinh) hoặc theo hướng dẫn sử dụng của thuốc (đối với các thuốc không kê đơn như thuốc ho).
Đối với các dạng bột, cốm… hòa trong nước thì cần phải được hòa trong một thể tích thích hợp bằng dung môi phù hợp (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Đối với trẻ lớn trên 3 tuổi, vẫn ưu tiên dùng thuốc dạng lỏng. Tuy nhiên, có thể dùng thuốc dạng rắn (viên nén, viên nang…) nhưng với kích thước nhỏ vì khả năng nuốt của trẻ phụ thuộc vào kích thước viên thuốc. Đối với dạng viên nén thì kích thước viên được khuyến cáo theo tuổi của trẻ như sau: từ 3-5 tuổi chọn kích thước viên từ 3-5mm; từ 6-11 tuổi chọn kích thước viên từ 5-10mm, từ 12-17 tuổi, kích thước viên có thể từ 10-15mm (vì khả năng nuốt của lứa tuổi này dễ dàng hơn với những viên thuốc to).
Không được tự ý bẻ, nghiền viên nén hay mở nang rồi chia thuốc cho trẻ uống vì sẽ ảnh hưởng tác dụng điều trị hoặc gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Ngoài ra, một số loại thuốc không được dùng cho trẻ vì có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Ví dụ: Nhóm kháng sinh tetracycline làm biến màu răng vĩnh viễn, ức chế sự phát triển của xương; nhóm opiat (codein) có thể làm trẻ khó thở, thậm chí dẫn đến tử vong; phenolbarbital gây phấn khích hoặc hiếu động quá mức; corticosteroid làm trẻ chậm lớn; chloramphenicol gây hội chứng xám (nôn, nhịp thở nhanh, tím xanh, phân xanh, ngủ lịm, rồi trụy mạch và tử vong, dễ xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuần tuổi, đặc biệt ở trẻ đẻ non); aspirin có thể gây hội chứng Reye (là bệnh tổn thương não cấp tính, gan thoái hóa mỡ đa số sau nhiễm virut cấp tính) nguy hiểm cho trẻ.
(a) ống nhỏ giọt, (b) bơm tiêm qua miệng.
Lấy dụng cụ đo lường thuốc thích hợp
Các dạng thuốc lỏng hiện nay đa số đều được đóng trong lọ chứa đa liều. Do đó, cần phải có dụng cụ đo lường thuốc thích hợp. Các dụng cụ này có thể đi kèm thuốc hoặc không. Nếu không có dụng cụ đi kèm, hãy hỏi dược sĩ để được tư vấn lựa chọn mua dụng cụ đong tốt nhất.
Cốc đong: Là dụng cụ đo lường phổ biến nhất hiện nay. Khi sử dụng cần lưu ý để vạch chia ngang tầm mắt.
Muỗng đong: Nếu việc cho trẻ uống bằng cốc thường làm đổ thuốc thì có thể thay thế cốc đong bằng muỗng đong. Muỗng đong giúp hạn chế việc đổ thuốc khi cho trẻ uống. Cách sử dụng tương tự như khi dùng cốc đong, khi sử dụng cũng cần phải lưu ý để vạch chia ngang tầm mắt. Muỗng đong có 2 loại: Loại muỗng đong thông thường với các thể tích cố định và muỗng đong có phần thân để đong thể tích chính xác hơn.
Ống nhỏ giọt và bơm tiêm qua miệng: Các dụng cụ này thường không đi kèm với thuốc và sử dụng khi cần phải lấy một liều chính xác (nhất là đối với các thuốc có khoảng điều trị hẹp, dùng cho trẻ sơ sinh). Dụng cụ này có bộ phận điều chỉnh nối đặc biệt phù hợp ở trên lọ thuốc để dễ rút dung dịch thuốc ra khỏi lọ thuốc bằng ống tiêm.
Chỉ sử dụng những ống tiêm được thiết kế chuyên biệt cho phép sử dụng để uống thuốc. Không dùng bơm kim tiêm thông thường để lấy thuốc cho trẻ uống.
Lưu ý khi cho trẻ uống dạng thuốc lỏng
Không bao giờ đo thuốc dạng lỏng bằng các dụng cụ gia đình. Những dụng cụ này không có kích thước đồng nhất và điều này sẽ gây ra việc lấy quá nhiều hoặc quá ít thuốc để dùng dẫn tới liều dùng không phù hợp, bệnh không khỏi (do không đủ liều) hoặc trẻ sẽ bị ngộ độc (do quá liều).
Không bao giờ cho phép trẻ uống trực tiếp thuốc từ chai thuốc.
Không bơm trực tiếp thuốc xuống cổ họng trẻ mà bơm từ từ vào khoảng trống giữa lưỡi và má để tránh làm trẻ sặc.
Cần kiểm tra các ký hiệu đơn vị đánh dấu trên cốc phù hợp với liều lượng thuốc bạn cần dùng. Đơn vị tính có thể là milliliter (ml), muỗng cà phê (tsp) hoặc muỗng canh (Tbsp).
Nên cho trẻ uống thuốc bằng cách uống từng ngụm nhỏ.
Sau khi sử dụng, các dụng cụ phải được rửa và bảo quản ở nơi sạch sẽ.
DS. Nguyễn Thanh Nhàn - Lê Thị Phương Uyên
PS st Theo SK&ĐS