Tiếp loạt điều tra "cò" máu: Cuộc trao đổi và thông tin bất ngờ từ Cục quản lý Khám chữa bệnh
Tiếp loạt điều tra "cò" máu: Cuộc trao đổi và thông tin bất ngờ từ Cục quản lý Khám chữa bệnh
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Sau loạt bài điều tra độc quyền “Ai chống lưng cho cò máu lộng hành ở bệnh viện?”, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Ths.Bs. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế.
Sau loạt điều tra của nhóm PV điều tra về tình trạng “cò" máu lộng hành tại cổng bệnh viện Việt Đức, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Ths.Bs. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế liên quan đến vấn đề này.
Theo phản ánh của người nhà bệnh nhân tại một số bệnh viện, khi bệnh nhân đang chờ mổ, người nhà phải hiến máu vào thì mới có máu mổ (trong đó, nếu cần 2, 3 đơn vị máu thì phải 2, 3 người nhà hiến). Vậy, theo ông quy trình này đúng hay sai?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Theo báo cáo của ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, năm 2017, cả nước tiếp nhận được 1.456.958 đơn vị máu, trong đó hiến máu tình nguyện là 97,7%, đây là tỉ lệ hiến máu tình nguyện rất cao so với nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy nghĩa là vẫn còn hơn 2% lượng máu hiến là từ người cho máu nhận thù lao, hoặc người nhà hiến máu.
Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện các cấp tiếp tục được thành lập kiện toàn, củng cố, đặc biệt là việc thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cơ quan, trường học, doanh nghiệp ở một số địa phương, đã có tác dụng tích cực đối với phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta.
Hoạt động vận động, tiếp nhận hiến máu và cung cấp máu điều trị cho các bệnh viện đã đang dần đi vào ổn định. Nhiều địa phương đã có các trung tâm chuyên trách tiếp nhận hiến máu tình nguyện và cung cấp máu tập trung cho nhiều bệnh viện trong một hoặc nhiều tỉnh, thành phố. Do đó, ở những khu vực này đã tiến đến xóa bỏ tình trạng khi bệnh nhân chờ mổ thì bệnh viện yêu cầu phải có người nhà hiến máu.
Phải khẳng định, máu cho điều trị chỉ được lấy từ người trưởng thành khỏe mạnh. Do vậy, hàng năm hiện vẫn còn một số thời điểm khan hiếm người hiến máu như vào dịp Tết nguyên đán, dịp hè hoặc thiếu chọn lọc một số nhóm máu (như nhóm O).
Tuy nhiên, do sự ủng hộ của người dân, thời gian thiếu máu này trong mỗi năm ngày càng ngắn (kéo dài khoảng 3 tuần vào trước và sau Tết nguyên đán và 3 tuần cuối tháng 7-8). Vì thế, vào thời điểm này, có thể các bệnh viện phải vận động người nhà hiến máu để phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Việc hiến máu luôn phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, không được ép buộc người khác hiến máu, thành phần máu (quy định tại Điều 3, Thông tư số 26/2013/TT-BYT, hướng dẫn hoạt động truyền máu), nhiều trường hợp, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, người dân đã tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh.
Người nhà phải hiến máu vào viện mới đủ máu mổ cho người nhà bệnh nhân thì có văn bản nào quy định, hay chỉ là quy định của từng bệnh viện?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Luôn phải bảo đảm tự nguyện đối với người hiến máu; không ép buộc người khác hiến máu, thành phần máu.
Khi cần máu cho điều trị, các bệnh viện gửi dự trù tới các trung tâm chuyên trách thuộc từng khu vực, các bệnh viện không có chức năng tiếp nhận máu vận động người hiến trong khi trung tâm máu chuyên trách vẫn bảo đảm duy trì việc cung cấp máu đủ, kịp thời cho bệnh viện.
Trong trường hợp cấp cứu, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không có máu và chế phẩm dùng cho người bệnh, hoặc thời gian nhận máu từ cơ sở truyền máu gần nhất không đáp ứng yêu cầu cấp cứu người bệnh thì các bệnh viện vẫn có quyền vận động hiến máu để cấp cứu người bệnh kịp thời.
Nhiều người cho rằng, vì thiếu máu và người nhà không thể có mặt đủ để hiến máu vào kho, nên đã dẫn đến một số hiện tượng như “cò” máu ngay tại cổng bệnh viện, quan điểm của Cục quản lý khám chữa bệnh về vấn nạn này?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tại Điều 67 trong Thông tư số 26/2013/TT-BYT, hướng dẫn hoạt động truyền máu, quy định rõ trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng máu gồm trách nhiệm của giám đốc cơ sở, cơ sở phát máu thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các khoa, phòng điều trị thực hiện truyền máu lâm sàng. Trong đó, giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng máu có trách nhiệm bảo đảm hoạt động truyền máu an toàn, hiệu quả tại đơn vị do mình phụ trách.
Hơn nữa khi phát hiện có tình trạng “cò”, bệnh viện cần phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng trên địa bàn và phối hợp xử lý kịp thời.
Trung tâm máu chuyên trách trong khu vực cần sớm báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia hiến máu tình nguyện, bộ Y tế, sở Y tế và thông báo rộng rãi đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện các cấp trong việc tăng cường vận động các cơ quan, đơn vị, tập thể hiến máu để bảo đảm cung cấp máu cho các bệnh viện.
Thưa Ths.Bs. Nguyễn Trọng Khoa, sau loạt bài điều tra độc quyền của nhóm PV báo Người Đưa Tin đăng tải về tình trạng “cò máu” vẫn ngang nhiên hoạt động tại các cổng bệnh viện, phía cục Quản lý khám chữa bệnh đã có những hướng chỉ đạo ra sao? Quan điểm xử lý việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi đã biết thông tin báo phản ánh, chúng tôi sẽ đề nghị bệnh viện Việt Đức báo cáo cụ thể về những vấn đề mà báo chí nêu. Sau đó, có thông tin từ phía bệnh viện chúng tôi sẽ báo cáo đến lãnh đạo bộ Y tế để có hướng xử lý kịp thời.
Với trách nhiệm của mình, cục Quản lý khám chữa bệnh luôn phối hợp với các ngành thành viên trong ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện để tăng lượng người hiến máu và hiến máu nhắc lại, đối với các thông tin về tình trạng lạm dụng việc huy động người nhà hiến máu, tình trạng "cò' máu,... xảy ra ở nơi nào đó, cục Quản lý khám chữa bệnh mong nhận được thông tin phản hồi từ người dân, các phương tiện truyền thông để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các bệnh viện, địa phương, theo nguyên tắc xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
PV: Xin cảm ơn ông!