Tuổi 20 đã phải đối mặt với ung thư
PV: Thưa BS. Lâm Phương Nam, xin ông cho biết tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM, thì bệnh ung thư nào đang có tỉ lệ người mắc nhiều nhất?
BS. Lâm Phương Nam: Ngay từ buổi đầu thành lập vào năm 1994, BV Đại học Y Dược TP. HCM đã tỏ rõ thế mạnh về điều trị ngoại khoa bệnh lý đường tiêu hóa và là nơi đầu tiên triển khai phẫu thuật nội soi. Hiện, BV vẫn là một trong những trung tâm dẫn đầu cả nước về phẫu thuật nội soi.
Vì thế, số lượng bệnh nhân đến BV điều trị bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng đông, trong đó có cả các bệnh nhân nước ngoài.
Trong quá trình khám, chữa bệnh, BV đã phát hiện nhiều trường hợp ung thư đường tiêu hóa. Một số lớn các trường hợp được phẫu thuật rồi chuyển tới Khoa Hóa trị liệu ung thư để điều trị tiếp.
Với thực tế công việc của chúng tôi, ung thư đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ đa số, đứng đầu là nhóm bệnh lý ung thư đại-trực tràng và ung thư dạ dày.
PV: Việc bệnh nhân ung thư đang có xu hướng “trẻ hóa” có là vấn đề đáng lo ngại không, thưa ông?
BS. Lâm Phương Nam: Thông thường, lứa tuổi bắt đầu xuất hiện ung thư là từ 50 đối với nam giới (ung thư tuyến tiền liệt, đại-trực tràng, phổi) và từ 45 đối với nữ giới (ung thư vú). Tuổi càng cao, việc tích lũy các đột biến trên gen, trên nhiễm sắc thể càng nhiều, tần suất mắc các loại ung thư càng tăng cao.
Tuy nhiên, mới đây, BV ĐH Y Dược TP. HCM có điều trị cho một nữ bệnh nhân mới có 21 tuổi, chưa hề có tiền sử bệnh tật gì mà đã bị ung thư. Ban đầu bệnh nhân chỉ bị đau quặn ở bụng, bệnh nhân đến BV địa phương khám, được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và cho uống thuốc nhưng không đỡ.
Sau đó, bệnh nhân này được đưa vào Khoa Cấp cứu của BV Đại học Y Dược và các bác sĩ đã phát hiện khối u đại tràng gây tắc ruột. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, cắt bỏ khối u gây tắc ruột. Kết quả xét nghiệm sau phẫu thuật cho thấy bệnh nhân bị ung thư đại tràng giai đoạn II.
Như vậy ung thư đã xuất hiện ở người rất trẻ, chứ không như ta thường nghĩ chỉ xuất hiện từ lứa tuổi 50 - 60.
|
Bác sĩ Lâm Phương Nam - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
|
PV: Nguyên nhân gây các bệnh ung thư đường tiêu hóa có liên quan đến môi trường hoặc thực phẩm bẩn tràn lan không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lâm Phương Nam: Cho tới nay, các nhà khoa học đã xác minh được các tác nhân gây ung thư trực tiếp như vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ung thư dạ dày, vi rút viêm gan B, C gây ung thư gan, vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung.
Ngoài nguyên nhân trực tiếp, là các yếu tố liên quan chặt chẽ đến môi trường sống và thói quen trong sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu, tiếp xúc hóa chất (bụi khói, hóa chất dệt nhuộm, in ấn,…); bức xạ tia tử ngoại (từ ánh nắng mặt trời) gây nguy cơ ung thư da và ung thư hắc tố tại vùng da tiếp xúc.
Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường (chất thải trong không khí, nguồn nước bị nhiễm bẩn, chất bảo quản thực phẩm,…) Viêm nhiễm mãn tính (viêm loét dạ dày, đại tràng, viêm đường mật, viêm túi mật,…) cũng là yếu tố nguy cơ ung thư. Các yếu tố như béo phì, hạn chế hoạt động thể chất cũng liên quan đến bệnh ung thư.
Rụng tóc không nguy hiểm
PV: Thưa bác sĩ, quy trình điều trị bệnh ung thư tại BV Đại học Y Dược TP.HCM hiện nay như thế nào? Biện pháp hóa trị để điều trị ung thư có mặt lợi và hại gì với sức khỏe bệnh nhân?
BS. Lâm Phương Nam: Ung thư là bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng bệnh nhân, làm bệnh nhân khiếp sợ.
Trước đây, khi đã mắc bệnh ung thư, đồng nghĩa là chữa không khỏi, bệnh nhân tử vong là chắc chắn.
Nhưng ngày nay, mọi việc đã thay đổi. Quan niệm xưa chỉ còn đúng cho những trường hợp bệnh nhân ung thư di căn toàn thân, không còn khả năng điều trị hoặc không đáp ứng với điều trị. Nhờ sự tiến bộ mạnh mẽ của y học, ngày nay có thể chữa khỏi ung thư nếu bệnh được phát hiện sớm, bệnh nhân được điều trị đúng và kịp thời tại cơ sở chuyên sâu có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có trình độ và kinh nghiệm, cũng như các phương tiện điều trị cần thiết.
Ở BV Đại học Y Dược, chúng tôi đã áp dụng mô hình hội chẩn đa khoa theo hướng dẫn của các tổ chức ung thư uy tín trên thế giới, gồm các bác sĩ phẫu thuật ung thư, xạ trị ung thư, hóa trị ung thư, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh và các chuyên gia liên quan và đưa ra quyết định điều trị cho từng trường hợp.
Quyết định của Hội đồng bác sĩ là chiến lược điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Nó sẽ xác định mô thức cụ thể nào được áp dụng: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch,…, mô thức nào trước, mô thức nào sau. Do một mô thức đơn lẻ không thể trị khỏi bệnh, việc phối hợp tốt các mô thức điều trị sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.
Phẫu thuật và xạ trị có thể điều trị khỏi một số bệnh ung thư ở giai đoạn sớm và trung gian. Ở giai đoạn trễ hoặc di căn, vai trò điều trị triệt để của phẫu thuật và xạ trị bị hạn chế. Giai đoạn này, nổi lên vai trò của hóa trị và các liệu pháp điều trị mới, làm kìm hãm sự tiến triển và di căn ung thư, hạn chế triệu chứng khó chịu bệnh gây ra, và kéo dài tối đa sự sống cho bệnh nhân.
Tuy hóa trị có những hiệu quả nhất định, nhưng nó cũng gây ra không ít các tác dụng phụ có hại hoặc khó chịu cho bệnh nhân. Phải khẳng định rõ ràng là hóa trị không phải là uống nước đường hay thuốc bổ.
Hóa trị có những tác dụng phụ tùy theo từng loại thuốc. Bệnh nhân thường nghe nói nhiều về những tác dụng phụ của hóa trị, trong đó họ sợ nhất là rụng tóc, nôn ói nhiều, hình ảnh gầy gò ốm yếu, xơ xác mang lại cảm giác sợ hãi đối với bản thân bệnh nhân, gia đình họ và những người xung quanh.
Trong thực tế điều trị, hóa trị các ung thư đường tiêu hóa ít gây ra rụng tóc.
Rụng tóc thường gặp khi hóa trị (theo phác đồ hóa trị cổ điển) các ung thư như vú, buồng trứng, phổi. Tuy rụng tóc là tác dụng phụ nhưng đa số bệnh nhân cảm thấy e sợ, nhưng rụng tóc không nguy hiểm tới tính mạng và có thể phục hồi sau hóa trị.
Những tác dụng phụ nguy hại nhất của hóa trị nhưng ít được nhắc đến, có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân là hủy hoại hồng cầu, dẫn tới thiếu máu; hủy hoại bạch cầu dẫn đến giảm số lượng bạch cầu, nhất là bạch cầu hạt, là yếu tố bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng, nên khi số lượng bạch cầu hạt giảm đáng kể, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và nhiễm trùng nặng; hủy hoại tiểu cầu dẫn đến giảm số lượng tiểu cầu, dẫn đến nguy cơ chảy máu khó cầm, nặng hơn gây chảy máu nội tạng như chảy máu não, chảy máu dạ dày, … có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, hóa trị cũng có thể gây độc cho các cơ quan nội tạng quan trọng như gan (suy gan, tăng men gan), tim (viêm cơ tim, suy tim), thận (hoại tử ống thận, suy thận).
Khi bệnh nhân xuất hiện những tác dụng phụ hoặc độc tính nguy hiểm lên cơ quan nội tạng, tùy trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định tạm hoãn, giảm liều hoặc ngừng hóa trị. Việc sử dụng các biện pháp điều trị đặc hiệu tiếp theo (liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch) sẽ được tính tới.
|
Bác sĩ của BV Đại học Y Dược tư vấn cho bệnh nhân sau khi tầm soát phát hiện sớm
|
Đừng thiếu hiểu biết và coi thường bệnh ung thư
PV: Từ cuộc hội thảo toàn cầu về ung thư vú mà bác sĩ đã tham dự tại San Antonio (Texas, Hoa kỳ) kết hợp với kinh nghiệm từ quá trình điều trị, bác sĩ có nhắc nhở gì tới bệnh nhân?
BS. Lâm Phương Nam: Chúng tôi may mắn được tham dự hội thảo chuyên đề về ung thư vú tại San Antonio, Texas, Hoa kỳ cuối năm 2011. Từ đây, chúng tôi biết thêm những hướng điều trị mới, những phát kiến mới được nghiên cứu cẩn thận và được đánh giá cao.
Tại hội nghị, vấn đề tầm soát ung thư vú cũng rất được quan tâm.
Ung thư vú là một trong số các bệnh ung thư có thể phát hiện bằng tầm soát. Bệnh có một tỷ lệ nhỏ liên quan đến yếu tố di truyền. Nên nếu trong gia đình có người bị ung thư vú thì các con gái, cháu gái đều nên cảnh giác, đến tuổi trưởng thành, phải biết cách tự khám vú, biết được thế nào là u cục bất thường để đi khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời, xác định bệnh và điều trị phù hợp.
Ở nước ta, tầm soát ung thư, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, chưa được tiến hành một cách chuyên nghiệp. Người dân, đặc biệt là vùng nông thôn, còn xa lạ với việc tầm soát ung thư, không hiểu được chương trình đó mang lại lợi ích cho chính bản thân mình. Tới mức, khi được đưa vào chương trình tầm soát ung thư, người dân còn hỏi đi tầm soát có được nhận tiền, nhận quà không?
PV: Trên thị trường hiện nay, nhiều phương pháp tầm soát ung thư đang được quảng cáo rầm rộ. Vậy liệu các phương pháp đó có thực sự hiệu quả không thưa bác sĩ?
BS. Lâm Phương Nam: Tôi xin khẳng định là không. Đa phần là quảng cáo cho bộ xét nghiệm bao gồm các dấu ấn ung thư (tumor markers). Trong chuyên khoa ung thư, các dấu ấn này chỉ có giá trị hạn chế, không thể thay thế việc khám tầm soát của bác sĩ chuyên khoa cũng như phối hợp các phương tiện tầm soát khác.
Nếu bệnh nhân đến phòng khám được làm một loạt xét nghiệm máu bao gồm các dấu ấn ung thư, với kết quả các giá trị trong giới hạn bình thường và được kết luận là đã tầm soát, kết quả không có ung thư, nghe mừng quá vui vẻ đi về, tin rằng mình không bị ung thư, thì thật là tai hại. Các dấu ấn ung thư vẫn có thể chưa tăng trên mức giới hạn bình thường, nhưng trong thực tế, ung thư đã âm thầm xuất hiện.
Tầm soát là một hệ thống các biện pháp thực hiện cho nhóm đối tượng có nguy cơ, hoặc cá nhân có nguy cơ mắc 1 loại ung thư có thể tầm soát, chứ không phải áp dụng cho mọi đối tượng. Sau khi tầm soát, bệnh nhân phải được bác sĩ chuyên khoa tư vấn.
Ở các nước có nền y học phát triển cao, ngành ung thư rất được quan tâm, như Hoa kỳ, Italy, Đức, Singapore, Đài loan,… Quy mô các Trung tâm Ung thư của họ rất lớn, việc đầu tư nghiên cứu cũng như thực hành điều trị đều phát triển. Việt Nam chúng ta tuy chưa bằng họ, nhưng nếu làm tốt việc nâng cao dân trí, tầm soát các bệnh ung thư hay gặp để điều trị kịp thời, xây dựng được các Trung tâm điều trị ung thư với đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm và đầy đủ phương tiện, thì kết quả điều trị sẽ không thua kém.
Hiện nay, số bệnh nhân ung thư ngày càng tăng lên, gây tình trạng quá tải tại hầu hết các Trung tâm điều trị ung thư của cả nước. Tuy vậy, đang có nhiều Trung tâm điều trị mới được thành lập, trình độ bác sĩ được nâng lên, phương tiện ngày càng hiện đại, thuốc men ngày càng nhiều hơn, đã đem lại cơ hội điều trị tốt hơn và hy vọng cho những bệnh nhân mắc căn bệnh này.