Nhưng ngày nay việc xoa bóp ai cũng tự làm cho mình hoặc nhờ người khác hoặc đến những nơi tự xưng cơ sở xoa bóp mà không có giấy phép hay bằng cấp tay nghề vẫn cứ làm xoa bóp vô tư làm cho sức khỏe tâm thể ngày càng giảm sút, đau tê nhức mõi ngày càng nghiêm trọng, cơ mặt teo nhão, chảy xệ, sắc đẹp bị biến dạng, gia tăng mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, khó chịu... chính sự ”bát nháo” đó gây hậu quả khôn lường có khi nguy hiểm đến tính mạng.
Xoa bóp là một phương pháp không dùng thuốc với đặc điểm cuả nó là dùng bàn tay, ngón tay của người xoa bóp là chính tác động lên da, cơ, gân, khớp, huyệt, kinh lạc của người được xoa bóp để đạt mục đích làm đẹp, phục hồi sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh.
Phương pháp này tạo cảm giác dễ chịu và dễ chấp nhận đối với người được xoa bóp, lại có hiệu quả cao phòng bệnh và chữa bệnh, ít xảy ra tai biến. Hiện nay nhiều nước trên thế giới sử dụng xoa bóp như một phương pháp hiệu quả trong thẩm mỹ, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng và phòng bệnh
Ưu điểm của phương pháp là giản tiện, không cần trang thiết bị nhiều, chỉ sử dụng đôi tay là chính, có hiệu quả, có phạm vi rộng trong làm đẹp, phục hồi sức khỏe, phòng chữa bệnh và cải thiện tốt sức khỏe tâm thể. Đây là một phương pháp, một nghệ thuật tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái, có thể dùng trong bất kể hoàn cảnh nào và không bị lệ thuộc vào các dụng cụ, phương tiện khác.
Chính vì yếu tố giản tiện này mà nhiều người hiểu lầm làm xoa bóp rất dễ, không cần học, ai cũng có thể làm xoa bóp được vì quan niệm thầy thuốc tốt nhất là chính mình nên dẫn đến việc tự làm, nhờ người khác làm cho mình hoặc đến cơ sở không chú ý đến nơi đó có chuyên môn xoa bóp hay không? Có được nhà nước cho phép hay không dẫn đến lạm dụng xoa bóp chẳng những sức khỏe không cải thiện, gây nên thương tật nhất thời hay vĩnh viễn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đôi khi tử vong.
Trường hợp nào xoa bóp có hiệu quả?
- Trong thẩm mỹ: Mặt trở nên mềm mại hơn, làn da sáng và hồng hào hơn, sẽ cảm nhận sự đàn hồi trở lại trên khuôn mặt thoải mái hơn giảm áp lực, giảm căng thẳng từ các cơ mặt và các mô lân cận. Cơ thể được cải thiện, với một cảm giác chung tự tin, hạnh phúc và lan tỏa niềm vui tràn đầy sức sống.
- Trong phục hồi sức khỏe: Cơ thể dễ bị mệt mỏi do áp lực công việc cũng như áp lực trong cuộc sống ngay càng nhiều hơn. Xoa bóp giúp phục hồi sức khỏe tâm thể, cảm thấy thoải mái và ngày càng khỏe hơn.
- Trong phòng chữa bệnh: cải thiện và trị liệu tốt các chứng, bệnh thuộc đau, yếu liệt, rối loạn chức năng cơ thể,...
Bệnh lý về đau: Đau do thần kinh (đau do thần kinh tọa, đau do thần kinh mặt, đau do viêm đa dây rễ thần kinh), đau do cơ xương khớp (đau khớp chi trên, chi dưới, đau cột sống (cổ, lưng), đau sau chấn thương (tai nan giao thông, lao động, thể dục thể thao...)…
Bệnh lý về yếu liệt: Liệt trung ương và liệt ngoại biện như yếu liệt nữa người, liệt mặt, liệt chi trên, chi dưới…
Rối loạn chức năng cơ thể: Mệt mỏi, rối loạn chức năng hô hấp (bệnh lý phổi tắc nghẽn, bệnh lý phổi tắc nghẽn hạn chế), rối loạn chức năng vận động (sau phẩu thuật, sau liệt, sau chấn thương thể thao...), rối loạn giấc ngủ gây mất ngủ, cảm cúm, bệnh lý mũi, xoang, vẹo cổ, rối loạn chức năng tiêu hóa...
Những điều cần chú ý khi xoa bóp
- Cần làm cho người được xoa bóp biết rằng mình được người đào tạo bài bản về lý thuyết và thực hành về xoa bóp có chứng chỉ phù hợp với công việc đang làm là làm đẹp hay phục hồi sức khỏe hay cải thiện sức khỏe hay trị bệnh bằng xoa bóp.
- Cần làm cho người được xoa bóp tin tưởng vào mục đích phương pháp xoa bóp để người được xoa bóp phối hợp phát huy được mục đích xoa bóp bằng nỗ lực chủ động trong quá trình cải thiện và nâng cao sức khỏe bằng cách giải thích rõ nguyên nhân, chỉ dẫn những điều tiết chế, kiêng cữ, những điều không nên làm ở nhà.
- Nếu xoa bóp trị bệnh cần có chẩn đoán rõ ràng rồi mới tiến hành xoa bóp; Không làm xoa bóp khi người được xoa bóp quá đói hoặc quá no; cần nghỉ 5 đến 10 phút trước khi xoa bóp; Thủ thuật nặng nhẹ phải phù hợp với tình hình sức khỏe của người được xoa bóp như đến lần đầu hay nhiều lần rồi, người già hay trẻ con, người mập hay người ốm mỗi nhóm người phải được chăm sóc chu đáo vừa sức, hiệu quả.
Thí dụ: Lần đầu làm nhẹ nhàng; bắt đầu và kết thúc làm nhẹ; Làm ở nơi đau phải chú ý sức chịu đựng của người được xoa bóp, không làm quá mạnh hoặc quá nhẹ. Sau mỗi lần xoa bóp, hôm sau người được xoa bóp thấy mệt mỏi, khó chịu tức là đã làm quá mạnh, lần sau cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp.
- Khi xoa bóp thái độ người xoa bóp phải hòa nhã nghiêm túc, luôn theo dõi diễn tiến người được xoa bóp. Đối với người mới, nhất là người được xoa bóp nữ cần nói rõ cách làm, mục đích làm để họ yên tâm, tránh hiểu lầm đáng tiếc.
- Một đợt xoa bóp từ 10 đến 15 lần (khoảng 2 tuần) là vừa, để tránh hiện tượng lờn xoa bóp và ghiền xoa bóp khi xoa bóp lâu và thời gian dài.
- Thời gian một lần làm xoa bóp: Nếu xoa bóp toàn thân khoảng 60 phút. Nếu xoa bóp từng bộ phận có thể làm từ 10 đến 15 phút.
Các trường hợp không nên xoa bóp
Xoa bóp có tác dụng rất tuyệt vời, an toàn và gần như không có tác dụng phụ, tuy nhiên không phải ai cũng có thể được xoa bóp. Cần được tư vấn thích hợp bởi các nhà chuyên môn về xoa bóp. Cần thận trọng trong một số trường hợp sau:
- Có vết thương ngoài da và mất nhiều máu.
- Khớp sưng, đỏ và dù nghỉ ngơi vẫn than đau.
- Trật khớp, gãy xương.
- Sốt cao.
- Giãn tĩnh mạch chi dưới nhất là có huyết khối.
- Phát ban đột ngột hay có chỗ lở loét, mụn nhọt trên da.
- Ung thư. Cao huyết áp thể nặng. Hạch bạch huyết sưng to. Tiểu ra máu.
- Đặc biệt người đã uống nhiều rượu.
Những sai lầm thường gặp khi tự bóp
- Xoa bóp trong thẩm mỹ thường lạm dụng thủ thuật gây nhão cơ, chảy xệ nhất là vùng mặt.
- Trong phục hồi sức khỏe không đánh giá tình trạng sức khỏe cần phục hồi mà dàn trải hoặc cục bộ đều không có tác dụng, nhẹ quá hoặc mạnh quá đều không đạt yêu cầu.
- Nhiều người bị đau, tê, nhức mỏi các vùng cơ thể thường tự xoa bóp cho mình hoặc nhờ người khác hoặc nhờ người nhà xoa bóp hoặc đến các cơ sở xoa bóp không được đào tạo bài bản, tình hình nhức mỏi không cải thiện thậm chí đau, tê, nhức mỏi còn nặng thêm có thể gây hậu quả xấu cho sức khỏe và làm tiềm ẩn nhiều rủi ro như sau:
Không xác định nguyên nhân của việc đau, tê, nhức mỏi?Không phải đau, tê, nhức mỏi nào giải quyết bằng xoa bóp cũng được.
Thực hiện thủ thuật xoa bóp không phù hợp, không đúng kỹ thuật, đây là những sai lầm gây hậu quả nặng nề nhất đối với sức khỏe: thủ thuật xoa bóp rất đa dạng có các nhóm thủ thuật trên da (xát, xoa, miết, phân, hợp, véo, phát), nhóm thủ thuật trên cơ (day, đấm, chặt, lăn, bóp, vờn) và nhóm thủ thuật trên khớp (vận động khớp cổ, vận động khớp vai, vận động khớp khuỷu, vận động khớp cổ tay, vận động khớp háng, vận động khớp thắt lưng, xương cùng…).
Những sai lầm thường gặp là:
Thủ thuật quá nhẹ hoặc quá mạnh: nếu thực hiện thủ thuật quá nhẹ không đủ tác động lên vùng bị đau; nếu làm quá mạnh gây dập cơ, nhão cơ, gây đau và ê ẩm. Thủ thuật xoa bóp vừa đủ có sức ngấm sâu từ da vào cơ, làm da hơi ửng đỏ, người được xoa bóp không cảm thấy ê ẩm sau xoa bóp. Hơn nữa quá trình xoa bóp đúng kỹ thuật ban đầu cần làm từ nhẹ tới mạnh, lúc gần kết thúc ngược lại làm nhẹ dần.
Để thực hiện đúng kỹ thuật xoa bóp, người làm xoa bóp cần được đào tạo kiến thức về y khoa, được đào tạo bài bản ở cơ sở được nhà nước cho phép, có thực hành dưới sự hướng dẫn của chuyên gia về xoa bóp và làm nhiều lần dưới sự chỉnh sửa, trải qua thời gian thực hành xoa bóp học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm trong xoa bóp. Đặc biệt là phải có chứng chỉ đào tạo về xoa bóp được pháp luật công nhận.
Vận động khớp sai kỹ thuật gây chấn thương: chấn thương do vận động khớp sai kỹ thuật đôi khi rất nặng nề, nếu chấn thương các đốt sống cổ có thể gây liệt tứ chi, chấn thương các đốt sống lưng có thể gây liệt hai chi dưới, thậm chí có trường hợp tử vong. Những động tác như vặn người, bẻ xương hay dẫm lên người là quá thô bạo, có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, đứt, giãn dây chằng vùng cột sống gây tổn thương nhất thời hay vĩnh viễn.
- Cần chú ý những huyệt trên cơ thể cần thận trọng không làm nhanh mạnh đột ngột như huyệt Bách hội, Thái dương, Đại chùy, Mệnh môn... có thể gây chấn thương vùng đầu, cột sống... có thể gây liệt, gây đau ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể.
- Thời gian xoa bóp không đạt: quá ngắn hoặc quá dài. Thời gian ngắn không đạt yêu cầu, thời gian xoa bóp quá lâu trong một liệu trình sẽ gây ức chế, làm cơ thể mệt mỏi.
- Xoa bóp trong các trường hợp chống chỉ định: xoa bóp khi có huyết khối tĩnh mạch chi dưới làm cho huyết khối di chuyển, có nguy cơ gây thuyên tắc phổi; Xoa bóp trong trường hợp đau bụng do đau ruột thừa có nguy cơ gây vỡ ruột thừa; Xoa bóp khi vừa bị bong gân gây sưng to và đau nhức hơn. Xoa bóp vùng đầu trong cơn tăng huyết áp…
Cần thận trọng với các nhóm đối tượng như phụ nữ có thai, người cao tuổi. Lao xương, ung thư xương mà xoa bóp mạnh có thể gây gãy xương…
Xoa bóp khi say xỉn: khi uống nhiều rượu bia, chất kích thích sẽ bị giãn mạch, xoa bóp tiếp tục làm giãn mạch máu khiến nhịp tim rối loạn dẫn đến các hiện tượng khó thở, chân tay bủn rủn, mệt mỏi toàn thân và choáng váng đầu óc.
- Môi trường thực hiện xoa bóp chưa phù hợp, thiếu kiến thức chuyên môn, vệ sinh kém: nơi thực hiện xoa bóp không sạch sẽ, quá lạnh hoặc quá nóng, drap giường bẩn, người làm xoa bóp không vệ sinh tay kỹ, có bệnh ngoài da, chưa đánh giá đúng các bệnh lý đi kèm tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây hậu quả khó lường cho sức khỏe...
Người được xoa bóp nên làm gì
- Cần nhận thức đúng về phương pháp xoa bóp: là phương pháp có tác dụng làm đẹp, phục hồi sức khỏe, phòng và chữa bệnh, có tác động và tạo sự thay đổi lên cơ thể tùy theo mục đích xoa bóp, nếu thiếu chuyên môn sẽ tác động theo chiều hướng xấu gây hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Do đó, cần trân trọng cơ thể, sức khỏe mình, tốt nhất nên để những người có chuyên môn xoa bóp chăm sóc. Không nên chủ quan xem xoa bóp là phương pháp đơn giản, dễ dàng, ai cũng có thể làm được mà để người không có chuyên môn thực hiện thủ thuật xoa bóp trên cơ thể của mình.
- Cần lắng nghe cơ thể mình: đau, tê, nhức mỏi không đơn thuần là do mệt mỏi, làm việc quá sức mà có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh cấp, mạn tính. Không nên chủ quan khi thấy đau, tê, nhức mỏi xoa bóp là được. Thực sự phương pháp xoa bóp giảm đau tê mỏi rất tốt do làm mềm gân cơ, chất nội tiết được kích thích tạo cảm giác giảm đau, thư giãn, nhưng có thể vì thấy bớt mà bỏ qua nguyên nhân thực sự của bệnh, làm cho chủ quan mà không đi khám, bỏ lỡ thời gian và cơ hội để phát hiện và điều trị bệnh. Không nên chủ quan với cảm giác đau, tê, nhức mỏi như là triệu chứng bình thường nhất là người lớn tuổi. Cần thận trọng hơn với các cơn đau có tính chất dữ dội, đột ngột như đau lưng, đau ngực, đau háng, đau bụng…
- Chọn nơi có chuyên môn để chăm sóc sức khỏe nhất là xoa bóp: nên đến các bệnh viện Y học cổ truyền hoặc các khoa Y học cổ truyền của các bệnh viện, hoặc các phòng khám có giấy phép về y tế, được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chỉ định phương pháp xoa bóp. Đầu tiên là phải xác định được nguyên nhân gây đau tê mỏi, sau đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như phương pháp xoa bóp. Phương pháp xoa bóp có thể phù hợp với người này, bệnh này, nhưng với người khác, bệnh khác có thể cần phối hợp thêm như: châm cứu, dùng thuốc, tập luyện... Nhóm bệnh có thể thực hiện xoa bóp phù hợp đó là các bệnh lý đau, liệt, rối loạn chức năng cơ thể. Thông qua xoa bóp các nhà chuyên môn có thể phát hiện ra các bệnh cấp tính hay cấp cứu như đau bụng do viêm ruột thừa, đau lưng do sỏi tiết niệu… Các trường hợp này cần chuyển viện để can thiệp ngoại khoa.
- Trước khi xoa bóp nên thông báo trước các vấn đề về sức khỏe, bệnh lý bản thân đi kèm như có vết trầy xước, đang bị sốt, bị loãng xương, có thai...
- Ăn uống vận động hợp lý, giữ đúng tư thế khi làm việc, học tập, sinh hoạt, vui chơi.
- Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sức khỏe...
Tóm lại xoa bóp rất tốt cho sức khỏe tùy vào mục tiêu là thẩm mỹ, phục hồi sức khỏe, phòng bệnh hay chữa bệnh. Người xoa bóp nên được đào tạo bài bản lý thuyết và thực hành theo mục tiêu mà mình được đào tạo về xoa bóp và có chứng chỉ đào tạo xoa bóp ở những cơ sở được nhà nước cho phép. Người được xoa bóp phải quý trọng sức khỏe của mình nên đến những nơi có uy tín, có giấy phép hành nghề chứ không nên tự ý xoa bóp cho mình hoặc nhờ người khác không có chuyên môn xoa bóp cho mình hoặc tin vào những lời đồn thổi vô căn cứ nghe lời làm theo mà ảnh hưởng đến sức khỏe có khi gây thương tật suốt đời hoặc thậm chí tử vong.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
PS st Theo SK&ĐS