Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình
Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các ca tử vong do bệnh tim mạch (41%) và đột quỵ (51%). Tăng huyết áp ngày càng phổ biến, trở thành một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay.
Kẻ giết người thầm lặng
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, kết quả điều tra tại 8 tỉnh và thành phố năm 2009 cho thấy: Tỷ lệ tăng huyết áp ở người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%; tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Tỷ lệ này gần đây còn đang có khuynh hướng tăng lên một cách khá rõ.
Vấn đề đáng quan tâm hơn là có đến 51,6% người bị tăng huyết áp nhưng không biết mình bị tăng huyết áp; có 38,9% người bị tăng huyết áp nhưng chưa được điều trị và có đến 63,7% người tăng huyết áp được điều trị nhưng không đạt được huyết áp mục tiêu (<140/90 mmHg). Hiện con số tử vong do tăng huyết áp mỗi năm vào khoảng 9,4 triệu người, nhiều hơn tổng dân số của TPHCM năm 2019.
Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì chỉ có một số ít bệnh nhân gặp phải những triệu chứng gợi ý như hoa mắt, chóng mặt, có những cơn bừng mặt hoặc khi đã có tổn thương cơ quan như tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, tổn thương đáy mắt gây nhìn mờ. Còn rất nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không hề gặp phải các triệu chứng cơ năng hay các dấu hiệu cảnh báo trước. Chỉ đến khi tình cờ khám bệnh hoặc đã bị một triệu chứng nặng nào đó, họ mới biết mình đã bị tăng huyết áp. Chính vì vậy, biện pháp duy nhất để biết có bị tăng huyết áp hay không là phải đo huyết áp để biết được chính xác con số huyết áp của bản thân.
Nguy cơ trẻ hoá
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng- Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp.
Đáng lưu ý, khoảng 3 năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó gần 50% tử vong. Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ gấp 4 lần nữ giới và độ tuổi bị đột quỵ ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa. Nguy cơ đột quỵ sau tuổi 25 lên tới 17-22%, tức là trung bình cứ 5 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đối mặt nguy cơ đột quỵ.
Không chỉ gây ra đột quỵ, tăng huyết áp còn gây suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch... Tại nước ta, chỉ tính riêng nhồi máu cơ tim đã có từ 104.000-150.000 người chết mỗi năm.
Còn theo GS.TS Nguyễn Lân Việt- Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, bệnh tăng huyết áp đang phổ biến trong cộng đồng. Gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cấp bách nhất hiện nay. Thế nhưng, nhiều người mắc bệnh mà không biết, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp, hiện có tới gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Không nên tuỳ tiện mua thuốc điều trị tăng huyết áp
GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết: Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, người dân không nên tùy tiện mua thuốc điều trị tăng huyết áp tại các hiệu thuốc về sử dụng, điều này sẽ không có lợi, vì mỗi một người bệnh tăng huyết áp có cách điều trị khác nhau.
Có những cách giảm huyết áp tự nhiên mà không cần dùng thuốc, đó là thực hiện chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi. Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15 g/ngày, trong đó có tới 10 g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên; vì vậy chỉ nên bổ sung 5 g muối, tức 1 muỗng cà phê muối/ngày là đủ. Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, cũng cần hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn. Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao. Cùng với đó là tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần. Đặc biệt, những người bị tăng huyết áp nên ăn nhiều cá, giảm các loại thịt đỏ, nội tạng động vật vì các thực phẩm này có hàm lượng mỡ bão hòa cao, là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa.
Mặt khác, tích cực rèn luyện thể thao, giữ trọng lượng cơ thể hợp lý. Khi trọng lượng cơ thể giảm 1 kg sẽ làm giảm huyết áp 1 mmHg. Đặc biệt, vòng eo quá to cũng đặt cơ thể vào nguy cơ bị tăng huyết áp. Do đó, cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ. Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột. Với bệnh tăng huyết áp, việc vận động thể lực 5-7 ngày/tuần, trong đó đi bộ nhanh rất có lợi cho việc giảm mỡ máu, giảm tăng huyết áp.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, vì vậy, mỗi người cần xây dựng cho bản thân một lối sống hợp lý ngay từ lúc còn trẻ như bớt ăn mặn, bớt ăn thức ăn nhiều mỡ động vật hoặc có chứa nhiều cholesterol; hạn chế rượu, bia; nói không với thuốc lá, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.
GS.TS Nguyễn Lân Việt dành lời khuyên cho tất cả mọi người là: “Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình”.
Đức Trân
PS st Theo Đại đoàn kết