Nghệ thuật phá lối chơi của Park Hang-seo
Một Malaysia đang chơi tấn công tưng bừng, khiến cả ông lớn UAE cũng phải e ngại, bỗng dưng "tậm tịt" ở Mỹ Đình.
Trước khi hành quân tới Hà Nội, HLV Tan Cheng Hoe rất tin tưởng vào sức mạnh của hàng tấn công mà ông đang sở hữu. Đó là hàng công đã ghi ba bàn ngay trên sân Indonesia, chọc thủng lưới UAE ngay giây thứ 35, và ngay trước khi sang Việt Nam, nã sáu bàn vào lưới Sri Lanka. Việc tạo ra các cơ hội dứt điểm không phải là vấn đề với Malaysia. Họ có 11 pha kết thúc trước Indonesia, chín trước UAE (và bảy trong đó trúng đích), và xấp xỉ 20 trong trận gặp Sri Lanka.
Thế nhưng trong hơn 90 phút trước Việt Nam, những gì Malaysia làm được chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Cả trận, họ không có lấy một pha dứt điểm trúng đích. Thực tế, Malaysia đã tạo ra một số tình huống sóng gió về phía khung thành của thủ môn Đặng Văn Lâm, nhưng đều là từ những pha cố định, và có sự đóng góp của cách xử lý không được chắc chắn của thủ môn Việt Nam. Còn những nỗ lực tổ chức tấn công một cách bài bản của Malaysia đều bị đánh sập trước khi bóng tới được một phần ba sân phòng ngự của Việt Nam.
Phá ý đồ pressing của Malaysia
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất sau trận đấu là: Việt Nam đã làm như thế nào? Một số chuyên gia nói rằng việc Việt Nam sử dụng những đường chuyền dài vượt tuyến đã đánh bại ý đồ pressing của Malaysia. Nhận xét này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì, đúng là khi Việt Nam sử dụng nhiều đường chuyền dài, bỏ qua khâu triển khai lối chơi, các cầu thủ Malaysia sẽ không có cơ hội áp sát và đoạt bóng ở phần sân gần cầu môn của Đặng Văn Lâm. Nhưng mặt trái của những đường chuyền dài là chỉ mang tính 50-50. Nghĩa là: chúng ta không chắc có được bóng sau những đường chuyền dài như thế hay không. Thường thì trong các pha tranh chấp bóng bổng, đội phòng ngự bao giờ cũng có lợi thế hơn.
HLV Park Hang-seo, bởi vậy, cần một giải pháp mang tính ổn định hơn. Dùng bóng dài là "tránh" pressing, nhưng cái chúng ta cần là "thoát" pressing. Chỉ khi Malaysia dâng cao đội hình và sử dụng vũ khí pressing tầm cao thì những khoảng trống phía sau hệ thống pressing của họ mới xuất hiện. Đó chính là logic đằng sau cách HLV Park Hang-seo bố trí hàng tiền vệ trong thời gian đầu trận. Tuấn Anh và Quang Hải, hai cầu thủ thoát pressing tốt nhất đội tuyển, được bố trí chơi thấp. Hùng Dũng, người có lối chơi chân phương và thiên về phòng ngự hơn, thường xuyên được đẩy cao.
Tình huống thoát pressing đầu trận của Tuấn Anh là một điển hình cho toan tính và cách dùng người của ông Park. Malaysia, như thường lệ, cố gắng tạo ra một sức ép lớn ngay trên phần sân của Việt Nam. Khi Tuấn Anh vừa nhận bóng, anh lập tức bị hai cầu thủ áo vàng áp sát. Ở phía trước cầu thủ của HAGL, những phương án chuyền bóng ở cự ly gần cũng bị phong tỏa. Nếu Tuấn Anh để mất bóng, Malaysia sẽ có thể tổ chức phản công ở một khu vực hết sức nhạy cảm. Họ có thể tạo ra được một tình huống 3 đánh 3 ở "zone 14" (vòng bán nguyệt trước mặt khung thành của Văn Lâm). Đó là cách mà Malaysia đã sử dụng và không ít lần thành công trước UAE.
Nhưng ở tình huống này, Tuấn Anh đã có pha xử lý xuất sắc. Chỉ bằng một cú chùng vai cơ bản, anh đã loại bỏ hai cầu thủ đang áp sát của Malaysia. Lúc này, phía trước Tuấn Anh là một khoảng trống lớn. Đã có ít nhất 4 cầu thủ của Malaysia bị "loại bỏ" sau pha xử lý ấy. Nếu cần, Việt Nam có thể tổ chức một pha phản công nhanh ngay. Tuy nhiên, sau khi quan sát, Tuấn Anh nhận thấy thời cơ vẫn chưa chín muồi, do đó tiếp tục giữ bóng. Nhưng đấy không phải là hành động giữ bóng vô nghĩa. Bởi vì khi bóng được trả lại cho Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu đã đủ thời gian để dâng lên, sẵn sàng tấn công vào khoảng trống ở nách hàng phòng ngự của Malaysia, như trong tình huống dưới đây:
Nhưng nói tới Tuấn Anh cũng không nên bỏ qua vai trò của Quang Hải. Trong những phút đầu trận, cầu thủ của Hà Nội được bố trí chơi rất thấp, đôi khi còn thấp hơn cả Tuấn Anh. Nguyên nhân cũng chỉ có một. Mỗi lần Hải có bóng, các cầu thủ Malaysia hầu như không dám ập vào, và nếu ập vào thì sẽ lập tức bị vượt qua. Có nhiều tình huống Hải chủ động nhảy múa trước mặt các cầu thủ Malaysia.
Quang Hải và Tuấn Anh chơi thấp hơn hẳn so với Hùng Dũng ở đầu trận
Chính những nỗ lực đó của Hải, và của Tuấn Anh, đã khiến ý đồ pressing ồ ạt của Malaysia bị phá sản. Sau khoảng gần 20 phút, các cầu thủ áo vàng bắt đầu có dấu hiệu bị "nản", và sau đó hầu như không còn thực hiện một tình huống pressing tầm cao một cách đồng bộ nào nữa. Tuấn Anh bị chấn thương và phải rời sân ngay sau khi hết hiệp 1. Nhưng có thể khẳng định, ở thời điểm rời sân, anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong hiệp 2, các cầu thủ Malaysia cũng không còn đủ sức để dâng cao và tổ chức pressing ngay trên phần sân của Việt Nam nữa.
Phá vũ khí đánh biên của Malaysia
Malaysia, như đã thể hiện trong các trận đấu trước đó, rất mạnh trong những pha tấn công biên. Phần lớn các bàn thắng mà họ ghi được đều từ những pha tấn công biên được tổ chức bài bản, đặc biệt là biên phải, với sự tham gia của hậu vệ phải sinh ra ở Australia Matthew Davies và tiền vệ nhập tịch từ Gambia, Sumareh. Một mảng miếng quen thuộc của Malaysia là các tiền đạo dạt ra biên hoặc một tiền vệ phòng ngự dâng cao để tạo ra các tình huống nhiều đánh ít ở hai hành lang, từ đó đưa được bóng tới những khu vực có thể kiến tạo.
Có thể thấy rõ cách chơi này của các cầu thủ Malaysia ngay từ những tình huống đầu tiên. Trên đây là một pha tấn công biên điển hình của họ. Khi hậu vệ trái Corbin-Ong có bóng, tiền đạo Talaha nhanh chóng giật xuống khoảng trống giữa tuyến hậu vệ và phòng ngự của Việt Nam, trong khi tiền vệ trung tâm Brendan Gan Seng Ling nhanh chóng dâng cao để kéo các trung vệ của Việt Nam xuống sâu hơn, đồng thời sẵn sàng nhận một đường chuyền qua đầu. Nếu Duy Mạnh bị pha di chuyển của Brendan Gan lôi kéo, Malaysia có thể tạo được một tình huống 3 đánh 2 ở cánh phải của Việt Nam.
Nhưng cả ý đồ này của Malaysia cũng bị HLV Park Hang-seo đánh sập. Bằng cách sử dụng chính bài của họ: tạo ra sự vượt trội về quân số ở những khu vực mà Malaysia muốn chiếm lĩnh, mà ở đây là hai biên. Ngay khi hậu vệ cánh của Malaysia dẫn bóng qua vạch giữa sân, và các tiền vệ hoặc tiền đạo của họ vào vị trí để sẵn sàng hỗ trợ, Việt Nam sẽ tổ chức vây ráp với số lượng lớn. Trong tình huống dưới đây, cả hai tiền vệ trung tâm của Việt Nam (lúc này là Quang Hải và Tuấn Anh) cũng như tiền vệ lệch phải (lúc này là Hùng Dũng), đều tham gia tích cực. Việt Nam đã tạo được thế 5 đánh 3, khiến Malaysia không thể triển khai được pha tấn công của mình.
Chiến thuật tương tự cũng được áp dụng ở cánh phải. Trong tình huống dưới đây, Việt Nam còn tạo được sự vượt trội về quân số lớn hơn, khi cả Quang Hải - lúc đó đang chơi lệch phải - cũng bó vào, và tiền đạo Công Phượng cũng lùi về hỗ trợ. Việc có nhiều người xung quanh bóng cũng giúp chúng ta có thể giữ bóng tốt hơn trong trường hợp đối phương cố gắng tổ chức pressing để đoạt lại bóng. Ví dụ trong tình huống dưới đây, Văn Hậu khi cướp được bóng có rất nhiều lựa chọn để chuyền, cả sang ngang (để kiểm soát) lẫn lên phía trước (để tấn công).
Tất nhiên, chiến thuật nào cũng có hai mặt. Diện tích sân không đổi, nên khi Việt Nam tập trung quân số ở khu vực này, chắc chắn là ở những khu vực khác sẽ thiếu người. Nếu Malaysia, ví dụ, có thể chuyển hướng tấn công sang cánh đối diện, cầu thủ của họ ở cánh đó sẽ có cơ hội để chơi một đối một với hậu vệ của Việt Nam. Tuy nhiên, điều may mắn là trong trận đấu vừa qua, các cầu thủ Malaysia không có giải pháp chuyển hướng tấn công hiệu quả. Việc thiếu vắng tiền vệ Nor Azam Azih, người có những đường chuyền dài chéo sân rất hay, có thể là nguyên nhân chính.
Kỷ luật là số Một
Thêm một đội bóng Đông Nam Á bất lực hoàn toàn trước HLV Park Hang-seo. Các HLV trong khu vực quả thật chưa tìm ra được lời giải cho bài toán khoan phá hệ thống phòng ngự 3 trung vệ của HLV người Hàn Quốc. Tuy nhiên, không có hệ thống nào là ưu việt tuyệt đối. Suy cho cùng, các sơ đồ chỉ là bộ khung để trên đó các HLV phát triển ý tưởng. Với Việt Nam của ông Park, mấu chốt không phải ở sơ đồ, mà ở chỗ các cầu thủ đều hiểu và nghiêm túc thực hiện những nhiệm vụ được yêu cầu trong sơ đồ đó.
Hiểu vai trò của mình là gì, và vai trò của mình trong tương quan với toàn bộ đội bóng như thế nào, là điều mà các cầu thủ Việt Nam đã và đang làm rất tốt. Về lý thuyết, Việt Nam phòng ngự với sơ đồ 5-4-1 sẽ hầu như không có khoảng trống cho đối thủ khai thác. Nhưng thực tế khoảng trống luôn luôn xuất hiện, thứ nhất vì không phải lúc nào cũng duy trì được hình dạng đội hình ấy chính xác một cách tuyệt đối, thứ hai là đối thủ cũng có đủ phương cách để lôi kéo các cầu thủ của chúng ta rời khỏi vị trí.
Có hai cách để lấp đầy những khoảng trống khi chúng xuất hiện. Thứ nhất bằng nỗ lực cá nhân. Ví dụ Tuấn Anh sau khi bị lôi kéo khỏi vị trí nhận ra rằng ở chỗ mà lẽ ra anh nên đứng có một khoảng trống mới xuất hiện, lập tức anh sẽ di chuyển thật nhanh vào vị trí đó trước khi đối phương kịp khai thác. Cách thứ hai là bằng sự linh hoạt về vị trí. Nếu Hùng Dũng, chẳng hạn, lôi kéo khỏi vị trí của mình ở trung lộ, thì một cầu thủ khác, ví dụ người đá cặp Đức Huy, hay trong trường hợp dưới đây là trung vệ Duy Mạnh, sẽ lập tức di chuyển tới để lấp vào khoảng trống mà đồng đội bỏ lại. Khoảng trống ở chỗ của Đức Huy hay Duy Mạnh sẽ được người khác lót, và cứ thế.
Ở đây, Duy Mạnh hiểu nhiệm vụ của anh là phải dâng lên để gây sức ép với cầu thủ sắp nhận bóng của Malaysia. Và anh cũng hiểu, đúng hơn là tin tưởng, rằng trong hệ thống mà đội bóng của mình đang triển khai, luôn có những đồng đội sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống mà anh vừa buộc phải để lại. Đối phó với một hệ thống vừa nguyên tắc nhưng lại vừa linh hoạt như thế quả thực là một bài toán không dễ giải với các đội bóng mà trình độ con người không quá vượt trội Việt Nam. Thực tế, giới chuyên môn khen nhất đội bóng của ông Park là ở tính kỷ luật. Họ thậm chí còn thắc mắc không hiểu ông Park đã làm gì mà các cầu thủ có thể tuân thủ kỷ luật đấu pháp tốt đến vậy.
Ông Park, tới lượt mình, cũng đánh giá cầu thủ trước hết ở sự phù hợp và khả năng đáp ứng vai trò được giao. Ông, ví dụ, sẽ không đánh giá Công Phượng qua khả năng ghi bàn, mà ở vai trò quấy rối và kéo các trung vệ của Malaysia xuống thấp, mở ra khoảng trống ở phía trước cho các đồng đội của anh. Nên sau trận đấu với Malaysia, một trận đấu mà Công Phượng thậm chí không tung ra được cú sút nào, ông Park vẫn khen anh "đã hoàn thành nhiệm vụ", đồng thời nhấn mạnh đến quá trình làm nên bàn thắng chứ không phải ai ghi bàn.
Minh Khiêm