Tình trạng khẩn cấp của WHO với dịch virus Corona có ý nghĩa như thế nào?

Ngày đăng: 09:31 31/01/2020 Lượt xem: 359


   Tình trạng khẩn cấp của WHO với dịch virus Corona có ý nghĩa như thế nào?


                                                      Nguồn: Báo Điện tử Lao Động


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố  tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) với dịch virus Corona sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp hôm 30.1.


 

Theo The Hill, tuyên bố này cho phép WHO có những khả năng nhất định nhằm tăng cường phản ứng của các chính phủ và tổ chức trên toàn cầu, trước hết là gửi cảnh báo tới thế giới rằng dịch virus Corona thực sự là một trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng về y tế.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp của WHO cũng thúc đẩy các quốc gia hợp tác với nhau nhiều hơn trên các phương diện nhân sự, ngân sách và các nguồn lực có giá trị khác trong đó WHO nắm vai trò điều phối.

Bằng cách nêu bật sự mối đe dọa, việc ban bố PHEIC cũng thuyết phục cư dân ở các quốc gia đã bị nhiễm bệnh tuân thủ các khuyến nghị về sức khỏe và vệ sinh.

Khi Ủy ban khẩn cấp của WHO tuyên bố PHEIC, đồng nghĩa với việc WHO được đưa ra các khuyến cáo về di chuyển với các thành phố, khu vực và quốc gia.

Các khuyến cáo này thường được sử dụng trong các đợt bùng phát dịch bệnh nhanh, mạnh và trên quy mô lớn như dịch SARS năm 2003 đã ảnh hưởng đến 29 quốc gia, làm 774 người thiệt mạng trong vài tháng.

Theo Washington Post, PHEIC có thể có ý nghĩa đối với các hãng hàng không, trong đó có Emirates - hãng vận tải đường dài lớn nhất thế giới - cùng với các hãng hàng không Etihad và Qatar - những hãng có khoảng 160 chuyến bay hàng tuần đến Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc).

Các hãng vận tải vùng Vịnh đóng vai trò là trung tâm, kết nối hành khách từ Trung Quốc đến Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông. Trong khi các hãng hàng không khác đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc thì các hãng trên chưa có động thái gì.

WHO cũng có khả năng xem xét các biện pháp y tế công cộng được các quốc gia triển khai để đảm bảo rằng các biện pháp này đạt các tiêu chuẩn y tế thích  hợp.

Nếu một quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại hoặc thương mại vượt quá các khuyến nghị của WHO, chẳng hạn như từ chối nhập cảnh cho bệnh nhân nghi nhiễm dịch, cơ quan này có thể yêu cầu chứng minh bằng các bằng chứng khoa học.

Những khuyến nghị của WHO không mang tính chất bắt buộc, tuy nhiên theo Giáo sư  Rebecca Katz - giám đốc Trung tâm Khoa học, An toàn và Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Georgetown, có những sức ép đáng kể buộc các nước thành viên của WHO phải tuân thủ các khuyến nghị bởi các quốc gia thành viên bị ràng buộc với Điều lệ Y tế quốc tế 2005 của WHO.

( C. H sưu tầm )

tin tức liên quan