Nâng mức cảnh báo mới với dịch bệnh Covid-19
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Việt Nam đã nhận được nhiều sự đánh giá cao của quốc tế trong công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) trong thời gian qua. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang phải tiếp tục các giải pháp mới để ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào.
Không thể chủ quan
Ngày 28/2, lý giải về lý do tại sao CDC Mỹ quyết định Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng, PGS-TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, CDC Mỹ đánh giá Việt Nam minh bạch thông tin trong phòng chống dịch Covid-19, đồng thời đánh giá cao công tác đáp ứng liên ngành của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh.
“Ngoài những kết quả trong điều trị thời gian qua các kịch bản, giải pháp ứng phó, theo tinh thần được Thủ tướng yêu cầu là tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang, dao động. Đặc biệt một nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng chống dịch bệnh của chúng ta là “phát hiện sớm, cách ly và khoanh vùng dịch”. Với nguyên tắc đó, chúng ta đã triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh mạnh hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ đầu. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, kết quả phòng, chống dịch chúng ta đạt được là khả quan. Nhờ đó mà nhiều nước trên thế giới trong đó có CDC Mỹ đã đánh giá cao thành công bước đầu của chúng ta”- ông Phu nhấn mạnh.
Đưa người dân từ vùng dịch trở về vào khu cách ly ở Hà Nội. (ảnh: Diệu Linh)
Trước đó, tại cuộc họp, các đại diện của CDC và Văn phòng Các vấn đề toàn cầu, Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đánh giá những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đã đạt các kết quả tích cực, công tác giám sát, cách ly và điều trị đã được triển khai đồng bộ. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, CDC đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng.
Trên trang web của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ở mục thông tin dành cho khách du lịch trước tình hình dịch Covid-19, CDC đã bỏ Việt Nam ra khỏi các điểm đến có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Hiện chỉ còn 3 điểm đến được CDC khuyến cáo là Singapore, Thái Lan, Đài Loan.
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tích cực từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Y tế, chính quyền địa phương và cả sự ủng hộ, hợp tác của người dân, Việt Nam đã bước đầu khống chế dịch thành công.
PGS Phu cho biết, hiện Khánh Hòa, Thanh Hóa đều đã hết dịch. Còn tại Vĩnh Phúc nhờ có các biện pháp phát hiện ca bệnh sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng hiệu quả nên 15 ngày qua không phát hiện ca bệnh sớm. Nếu như từ nay đến 3/3 (21 ngày), nếu xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) không phát hiện thêm ca bệnh mới thì sẽ chấm dứt cách ly cộng đồng.
“Quan trọng nhất là chúng ta đã nhanh chóng phát hiện ra ca bệnh thứ nhất (ca bệnh đến từ vùng dịch Vũ Hán) và kịp thời khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc, cách ly ngiêm ngặt. Nhờ đó, các ca bệnh đã không lây lan ra nhiều nơi. Càng phát hiện sớm ca bệnh chúng ta càng có cơ hội “dập dịch” nhanh hơn” – PGS Phu nói.
Biện pháp cách ly phải linh hoạt
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, đến nay, 16/16 ca bệnh nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã được chữa khỏi, 15 ngày nay chúng ta chưa có ca lây nhiễm mới, nhưng phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng dịch lây lan ra cộng đồng như cảnh báo của WHO trước diễn biến mới, phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Hà Nội dùng xe cấp cứu để đưa người dân đến khu cách ly. (ảnh: Diệu Linh)
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đây là dịch bệnh mới, nhiều diễn biến khó lường nên Việt Nam vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đã dự tính một số biện pháp mới nên muốn nghe, tham khảo ý kiến của WHO, CDC Mỹ trước khi quyết định.
“Diễn biến của dịch Covid-19 đã phức tạp hơn rất nhiều. Chúng ta phải chủ động hơn trong phòng dịch và tuyệt đối không chủ quan”- Phó Thủ tướng cho biết.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo thống nhất xin ý kiến của Chính phủ nâng thêm một mức cảnh báo, ngăn ngừa dịch bệnh.
Các địa phương có sân bay quốc tế là đầu mối tiếp nhận người Việt Nam từ vùng có dịch về nước. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của các quân khu và các tỉnh có công dân từ vùng dịch về nước phải cộng đồng trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận và tổ chức cách ly y tế.
Đặc biệt một nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng chống dịch bệnh của chúng ta là “phát hiện sớm, cách ly và khoanh vùng dịch”.
PGS-TS Trần Đắc Phu |
Cách ly tập trung đảm bảo 2 nguyên tắc: Tuyệt đối an toàn về vệ sinh dịch tễ tại các khu cách ly tập trung; phân loại các trường hợp cách ly theo nguy cơ lây nhiễm khác nhau đề có biện pháp phù hợp, không cứng nhắc…
Bộ Công an thông báo ngay cho các địa phương thông tin các trường hợp công dân Việt Nam về nước; đồng thời phối hợp với các gia đình để xác định thông tin thân nhân, trên cơ sở đó có giải pháp sàng lọc, giám sát, thực hiện nghiêm các cam kết trong việc cách ly y tế, ngăn ngừa dịch bệnh.
Đối với các công dân Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc, phải có đại diện doanh nghiệp, tổ chức xác nhận thông tin, ràng buộc trách nhiệm…
Tổng quan về bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona của WHO ngày 28/2 cho biết, trong tổng số hơn 83.000 ca mắc Covid-19 trên thế giới đến nay, diễn biến lâm sàng điểm hình có đến 80% là ca bệnh nhẹ, hồi phục sau 7 ngày khởi phát.
Còn các ca nặng dẫn đến viêm phổi thì sau 7 ngày khởi phát thường dẫn đến khó thở phải điều trị tại cơ sở y tế. Một số phục hồi nhưng một số cần phải hồi sức tích cực.
Về lứa tuổi mắc Covid-19, nhóm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là 60-69 tuổi (26,5%); 50-59 tuổi: 22%; tiếp theo là nhóm 40-49 tuổi: 15,6%; 30-39 tuổi: 13,1%; 70-79 tuổi: 12,6%; Nhóm ít mắc nhất chính là trẻ em và thanh thiếu niên (từ 0-19 tuổi) với tỷ lệ 0,4%; Nhóm 20-29 tuổi chỉ chiếm 4,5%; nhóm “siêu già” từ 90-99 tuổi chiếm 0,5%.
Như vậy, những người già, người ở độ tuổi lao động dễ mắc bệnh Covid-19 hơn là trẻ em và thanh thiếu niên.
( C. H sưu tầm )