Mỹ đứng đầu thế giới về số ca tử vong và mắc Covid-19
Nguồn: Báo Điện tử VOV
Mỹ đã vượt qua Italy và trở thành quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.
Tính tới chiều ngày 11/4 (theo giờ địa phương), Mỹ đã ghi nhận hơn 20.300 người chết do Covid-19, cao nhất trên bảng thống kê toàn cầu, tiếp theo là Italy và Tây Ban Nha. Trong khi đó, Mỹ cũng tiếp tục có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới với hơn 525.000 trường hợp.
Phát biểu tại buổi họp báo cùng ngày, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, số người chết của bang đã lên tới 8.627 trường hợp. Theo ông Cuomo, số người chết trong ba ngày qua dao động từ 777 đến 799 và trong chừng mực nào đó số người chết đang ổn định, nhưng ổn định ở một “tỉ lệ khủng khiếp”.
|
Tại Mỹ, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng. (Nguồn: ABC News) |
|
"Số lượng người phải nhập viện dường như đã chạm đỉnh và hiện là một đỉnh nằm ngang. Tỷ lệ nhập viện giảm là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi đang có nhiều người bị nhiễm bệnh. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều người phải nhập viện, nhưng với số lượng thấp hơn. Dù ít người phải nhập viện hơn, song nhiều bệnh nhân vẫn còn dương tính".
Thống đốc Cuomo cho biết thêm, trong ba ngày qua, tỉ lệ trung bình bệnh nhân phải chăm sóc tích cực cũng đã giảm, tuy nhiên hiện chưa rõ khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc ở bang New York. Thống đốc Cuomo khẳng định sẽ không gỡ bỏ các quy định về “giãn cách xã hội” vì điều này sẽ giúp hạn chế gia tăng số người chết tại New York.
Sau khi số người chết tăng lên mức cao nhất thế giới, cả nước Mỹ hiện trong tình trạng tuyên bố thảm họa lớn. Toàn bộ 50 bang, cùng năm vùng lãnh thổ, gồm quần đảo Virgin thuộc Mỹ, quần đảo Bắc Mariana, đảo Guam, Puerto Rico và Washington D.C, đã được phê chuẩn tuyên bố thảm họa. Samoa thuộc Mỹ hiện là lãnh thổ duy nhất chưa trong tình trạng tuyên bố thảm họa lớn.
Với việc phê chuẩn tuyên bố tình trạng thảm họa lớn, được thực hiện theo sự xác định của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA), cho phép các bang và vùng lãnh thổ tiếp cận vào các quỹ Liên bang để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Giới chức và bác sĩ các bang tại Mỹ đã cạnh tranh để có được nguồn cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu như máy trợ thở và thiết bị bảo vệ cá nhân, trong bối cảnh nhiều bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt./.
( C. H sưu tầm)