Việt Nam có nhập khẩu vắc xin Covid-19 của Nga không?
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
TS Đỗ Tất Đạt cho biết hiện vắc xin của Nga được nhiều người quan tâm nhưng đến nay trong giới nghiên cứu và phát triển vắc xin thì chưa có thông tin gì cụ thể về vắc xin này.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - Bộ Y tế cho hay đối với vắc xin Covid-19 được Nga tự công bố và lưu hành nhưng lại không công bố các kết quả nghiên cứu. Trên các tập san khoa học hàng đầu đều không có thông tin gì về nghiên cứu này.
Khi được hỏi về hiệu quả và an toàn của vắc xin này, ông Đạt cũng cho biết tất cả các số liệu về vắc xin Covid-19 đầu tiên đều do Nga nắm giữ, các chuyên gia trên thế giới cũng chưa được nhìn thấy số liệu đó, vì vậy chưa thể đánh giá vắc xin đó như thế nào về hiệu quả và an toàn.
Đến nay, cuộc chạy đua vắc xin ở các quốc gia vẫn diễn ra và có nhiều nghiên cứu về các loại vắc xin khác nhau.
Theo ông Đạt quy trình sản xuất vắc xin cần các giai đoạn khác nhau và đặc biệt là đánh giá thử nghiệm lâm sàng. Nhưng hiện tại với vắc xin mà Nga đã công bố thì giới khoa học không thể khẳng định được vắc xin Covid-19 của Nga có an toàn hay không.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cho biết vắc xin phòng Covid-19, quá trình nghiên cứu sản xuất có thể được rút ngắn và các bước rút ngắn chủ yếu về mặt thủ tục hồ sơ hoặc các quy trình cấp phép. Các bước sản xuất, nghiên cứu vẫn được đảm bảo, không đi tắt hay bỏ qua bất cứ bước nào.
|
Việt Nam có nhập khẩu vắc xin Covid-19 của Nga không? |
Hiện nay WHO cũng đang đề nghị phía Nga công bố số liệu và các nghiên cứu liên quan đến loại vắc xin này. Khi có đánh giá vắc xin này mới có thể thấy tính hiệu quả, an toàn.
Còn về việc có hơn 20 nước đăng ký nhập khẩu và mua cả tỷ liều vắc xin Covid-19 của Nga, liệu Việt Nam có mua không?, ông Đạt cho biết vì chưa biết hiệu quả, thông số, đánh giá như thế nào nên không thể nhập khẩu.
Để nhập khẩu một loại vắc xin, theo ông Đạt, bắt buộc phải hiểu loại vắc xin đó như thế nào rồi mới có thể đưa ra quyết định có nhập khẩu hay không?
Quốc gia nào có vắc xin thì VABIOTECH sẽ có những tiếp cận. Hầu hết vắc xin của họ được công bố rộng rãi trên thế giới, kết quả tốt sẽ tính đến các bước tiếp theo trong việc nhập khẩu và đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Ông Đạt cũng cho biết việc 20 nước đăng ký mua có thể họ mua nghiên cứu có mang về nước họ hay không thì cũng rất cần những thông tin khoa học từ phía Nga.
Còn đối với vắc xin Covid-19 tại Việt Nam đã qua giai đoạn thử nghiệm trên chuột từ tháng 5 và đến hiện tại vẫn nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật lớn và có thể từ 9 đến 12 tháng nữa, Việt Nam sẽ có vắc xin đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm trên người.
Không sốt ruột trước thông tin nhiều nước đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người nhưng các nhà khoa học của Việt Nam cũng đang thực sự chạy đua với thời gian. Trung bình, một vắc xin cần 10 năm và thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được một vắc xin đã là một thành tựu rất đáng kể.
( C. H sưu tầm)