Những dấu hiệu phổ biến nhất của tăng đường huyết
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Tăng đường huyết là khi lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Bạn có thể thấy khát nhiều hơn, uống nước nhiều hơn, đi tiểu nhiều hơn...
Trước bữa ăn hoặc khi không ăn trong vài giờ, tăng đường huyết được định nghĩa là 130mg/dL. Hai giờ sau khi ăn, tăng đường huyết là khi lượng đường trong máu trên 180mg/dL.
Để so sánh, mức đường huyết bình thường thường nằm trong khoảng từ 80mg/dL đến 130mg/dL. Tăng đường huyết hay gặp nhất ở những người mắc đái tháo đường, và về cơ bản, nó mô tả lượng đường trong máu cao xác định tình trạng mãn tính.
Trong một số trường hợp, tăng đường huyết cũng có thể xảy ra do stress hoặc do tác dụng phụ của thuốc corticoid. Dưới đây là cách bạn có thể nhận biết các dấu hiệu của đường huyết cao và cách giảm nó nhanh chóng.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng phổ biến nhất của tăng đường huyết bao gồm:
• Khát nhiều hơn
• Uống nước nhiều hơn
• Đi tiểu nhiều hơn
• Mờ mắt
• Sụt cân
Tuy nhiên, cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị tăng đường huyết hay không là lấy máu. Điều này có thể xác nhận đường huyết có tăng hay không và tăng bao nhiêu. Trên thực tế, các triệu chứng thường không nghiêm trọng cho đến khi đường huyết tăng trên 200mg/dL.
Nếu không được điều trị, tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiễm toan xê-tôn do đái tháo đường (DKA) trong vòng 24 giờ ở một số trường hợp. Khi đó, cơ thể người bệnh giải phóng axit vào máu một cách tự nhiên, và do cơ thể không thể đào thải axit đủ nhanh nên nó sẽ trở thành chất độc trong máu.
DKA là một cấp cứu y tế và những người có các triệu chứng sau nên đến phòng cấp cứu, đặc biệt nếu họ bị đái tháo đường:
• Buồn nôn
• Mệt mỏi
• Khó thở
• Khô miệng
• Đau bụng
Nguyên nhân
Cả đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 đều có thể gây tăng đường huyết. Nhưng cũng có những nguyên nhân tiềm ẩn khác, như stress hoặc dùng thuốc corticoid.
Đái tháo đường
Những người bị đái tháo đường không thể xử lý lượng đường trong máu một cách hiệu quả, có thể là do họ không sản sinh insulin, hormon phân hủy đường trong máu (tuýp 1) hoặc do cơ thể của họ không sử dụng insulin một cách hiệu quả (tuýp 2).
Vì cơ thể không thể tiêu hóa lượng đường trong máu, đường sẽ tích tụ trong máu và làm tăng đường huyết.
Tăng đường huyết đôi khi cũng có thể xảy ra ở những người đang điều trị đái tháo đường. Lượng đường trong máu tăng đột biến này có thể do:
• Ăn quá nhiều
• Tập thể dục không đủ
• Tự dùng quá ít insulin hoặc thuốc
• “Hiện tượng bình minh” hay sự tăng vọt hormon vào sáng sớm có thể làm tăng đường huyết
• Stress hoặc bệnh
Stress
Ngay cả những người không mắc đái tháo đường cũng có thể bị tăng đường huyết. Ví dụ, stress có thể gây ra kháng insulin - tình trạng khiến cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả.
Đồng thời, hormon stress cortisol thúc đẩy giải phóng glucose dự trữ ở gan, làm tăng thêm lượng đường trong máu. Cái gọi là "tăng đường huyết do stress " này có thể xảy ra trong các bệnh lý cấp tính, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc đau tim.
Corticoid
Corticoid, như prednisone và methylprednisolone, cũng có thể gây tăng đường huyết ở tới 46% bệnh nhân không bị đái tháo đường, nhưng điều này thường hết khi ngừng thuốc.
Giống như tác động của stress, những loại thuốc này cũng làm tăng giải phóng glucose ở gan và tăng kháng insulin, và có thể gây tăng đường huyết ngay cả khi không bị đái tháo đường.
Điều trị
Mục tiêu của điều trị tăng đường huyết là giảm lượng đường trong máu. Đối với những người mắc đái tháo đường, điều này có nghĩa là điều chỉnh liều lượng insulin hoặc tuân theo một kế hoạch mà bạn và bác sĩ đã vạch ra phòng trường hợp bị tăng đường huyết.
Những người bị tăng đường huyết mãn tính do đái tháo cũng nên luôn thực hiện các biện pháp để giảm lượng đường trong máu, ngoài việc điều trị những cơn tăng đường huyết.
Cách tốt nhất để bắt đầu giảm lượng đường trong máu đối với những người mắc đái tháo đường là thông qua thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn và tập thể dục.
Những người mắc đái tháo đường loại 1 sẽ cần insulin để giảm lượng đường trong máu, trong khi bệnh nhân đái tháo đường loại 2 thường được điều trị bằng thuốc uống như metformin và có thể cả insulin.
Tuy nhiên, đối với những người bị tăng đường huyết do stress hoặc corticoid, tình trạng này thường tự hết, ngay sau khi hết stress, hoặc khoảng 4 đến 6 giờ sau khi ngừng thuốc.
Nếu tăng đường huyết vẫn tiếp diễn sau khi bệnh lý nền được giải quyết, bệnh nhân có thể được chẩn đoán mắc đái tháo đường.
Những điều cần nhớ
Tăng đường huyết là một tình trạng nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được điều trị. Vì chỉ có thể chẩn đoán bằng cách đo lượng đường trong máu, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ nếu bạn lo lắng về tăng đường huyết. Nếu bạn đang bị các triệu chứng khát nước và đi tiểu nhiều kèm theo sụt cân, thì nên thảo luận với bác sĩ và kiểm tra lượng đường trong máu.
Những người có các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường - bao gồm thừa cân, tiền sử gia đình mắc đái tháo hoặc trên 45 tuổi - nên kiểm tra đường huyết thường xuyên.
( C. H sưu tầm)