Vaccine hiệu quả thế nào trước biến chủng nCoV?

Ngày đăng: 06:57 24/06/2021 Lượt xem: 234

                Vaccine hiệu quả thế nào trước biến chủng nCoV?

                                     Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Giới chuyên gia lo biến chủng Delta, được phát hiện ở Ấn Độ, lọt lưới miễn dịch cộng đồng và gây ra làn sóng mới, nhưng áp lực lên hệ thống y tế không quá lớn.

 


Những nước tiến hành chương trình tiêm chủng Covid-19 quy mô lớn đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, điển hình là Mỹ và Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần qua khẳng định vẫn giữ nguyên ý định khôi phục trạng thái bình thường trên toàn quốc từ ngày 21/6, khi nước này đã tiêm đầy đủ hai liều vaccine cho hơn 40% dân số.

Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn băn khoăn về khả năng bảo vệ toàn dân của vaccine trước biến chủng nCoV mới, đặc biệt là biến chủng Delta B.1.617.2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và đang tăng tốc lây nhiễm tại nước này. Đây được cho là lý do khiến Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm nay cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế vào ngày 21/6.

Vaccine hiệu quả thế nào trước biến chủng nCoV?
Nhân viên y tế tại Nhật Bản chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 Pfzier tại Trung tâm Y tế Tokyo ngày 17/2. Ảnh: Reuters.

Mức độ hiệu quả của vaccine được tính bằng tỷ lệ phần trăm, thể hiện vaccine khắc chế virus gây bệnh tốt đến mức nào trên thực tế. Khái niệm này khác với "hiệu suất" của vaccine, chỉ tỷ lệ kháng bệnh trong thử nghiệm. Nếu một loại vaccine "hiệu quả 90%" với bệnh có triệu chứng, nguy cơ người tiêm vaccine đó mắc bệnh thấp hơn 90% so với người không tiêm.

Một số nghiên cứu thời gian qua, bao gồm nghiên cứu phòng thí nghiệm lẫn phân tích dữ liệu thực tế trên thế giới, cho thấy danh sách vaccine Covid-19 hiện hành khó khắc chế biến chủng Delta hơn biến chủng Alpha B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên tại Anh vào cuối năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Anh, phân tích trên 7.673 ca nhiễm biến chủng Anh có triệu chứng và 2.934 ca nhiễm biến chủng Ấn Độ cho thấy có sự khác biệt về hiệu quả của vaccine. Nghiên cứu chỉ xét các trường hợp tiêm Pfizer hoặc AstraZeneca.

Khi tiêm một mũi đầu, mức hiệu quả của vaccine đối với biến chủng Ấn Độ thấp hơn 17% so với nhiễm biến chủng Anh. Tuy nhiên, hiệu quả vaccine giảm không đáng kể khi tiêm đầy đủ hai liều.

Deborah Dunn-Walters, chuyên gia về miễn dịch tại Đại học Surrey ở Anh, nhận định vaccine vẫn đảm bảo mức độ bảo vệ nhất định đối với biến chủng mới, và "liều tiêm thứ hai có ý nghĩa rất quan trọng trong khắc chế biến chủng Ấn Độ".

Tuy nhiên, độ hiệu quả giảm 17% sau mũi tiêm thứ nhất vẫn khiến giới chuyên gia lo ngại. Nghiên cứu do Bộ Y tế Anh công bố không nêu rõ tỷ lệ triệu chứng nghiêm trọng ở người nhiễm nCoV.

Yếu tố này cần được làm rõ vì tỷ lệ bệnh chuyển biến nặng mang hàm ý quan trọng đối với khả năng chống chọi trước làn sóng dịch bệnh của toàn bộ hệ thống y tế. Nếu vaccine thất bại trong ngăn ngừa ca nhập viện, gánh nặng đối với hệ thống y tế sẽ lớn hơn khi số ca nhiễm biến chủng tăng cao.

Một nghiên cứu khác của Viện Pasteur Pháp cũng phát hiện vaccine Pfizer và AstraZeneca giảm hiệu quả trước biến chủng Ấn Độ, nhưng lượng kháng thể sinh ra vẫn đủ bảo vệ người bệnh.

Giám đốc viện Pasteur Pháp Olivier Schwartz cho biết đối với người tiêm đủ hai liều Pfizer, lượng kháng thể khắc chế biến chủng Ấn Độ thấp hơn khoảng ba lần. Tình nguyện viên tiêm một liều AstraZeneca có lượng kháng thể khắc chế biến chủng Ấn Độ rất thấp. "Biến chủng đã đạt khả năng đề kháng một phần với kháng thể Covid-19", ông cảnh báo.

Vaccine hiệu quả thế nào trước biến chủng nCoV?
Nhân viên y tế chuẩn bị dụng cụ tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm ngừa El Paso, bang Texas, Mỹ vào ngày 6/5. Ảnh: Reuters.

Theo Adam Finn, giáo sư Đại học Bristol đồng thời là thành viên Ủy ban Tiêm ngừa và Miễn dịch của chính phủ Anh, giới nghiên cứu vẫn chưa nắm rõ tác động từ biến chủng mới lên độ hiệu quả của vaccine, "đặc biệt về khả năng bảo vệ người tiêm khỏi diễn tiến bệnh nghiêm trọng sau liều tiêm thứ nhất và khi tiêm đủ hai liều". Họ cũng chưa rõ biến chủng Ấn Độ có mức độ lây nhiễm cao hơn như thế nào.

Nhìn chung, hiệu quả vaccine chỉ thể hiện rõ nhất trên phương diện ngăn ngừa ca tử vong. Đối với những hình thái khác kém nghiêm trọng hơn như người nhiễm không xuất hiện triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ, vaccine đạt hiệu quả thấp hơn.

Giới chuyên gia thời gian qua nhận định biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn Alpha khoảng 50-70%. Bằng thuật toán mô hình hóa, các nhà khoa học dự đoán trong kịch bản biến chủng nCoV có mức lây nhiễm cao hơn biến chủng Alpha khoảng 40% và Anh vẫn mở cửa vào ngày 21/6 theo kế hoạch, số ca nhập viện mỗi ngày vì Covid-19 dễ dàng vượt giai đoạn đỉnh dịch tại nước này vào mùa đông vừa qua.

"Với biến chủng gây bệnh nặng hơn ở người nhiễm, đồng thời có khả năng qua mặt miễn dịch cộng đồng bằng vaccine, chúng ta sẽ thấy số ca dương tính tăng nhanh hơn trước vì tiếp xúc xã hội. Tuy nhiên, chỉ cần vaccine duy trì được khả năng phòng ngừa triệu chứng bệnh nghiêm trọng, số ca nhập viện sẽ không tăng vọt như những giai đoạn vừa qua", Adam Finn nhận định.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan