Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đối diện mức án nào?

Ngày đăng: 08:03 06/04/2022 Lượt xem: 314

                Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đối diện mức án nào?

                                   
                                                           
 Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Bị khởi tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng các đồng phạm có thể đối diện với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 bị can đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo Bộ Công an, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định của pháp luật với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đối diện mức án nào? - 1

Bị can Đỗ Anh Dũng (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).

Thế nào là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Công ty Luật TNHH LSX, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm có 2 hành vi là lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hai hành vi này đều có quan hệ mật thiết với nhau. Hành vi lừa dối được xem là điều kiện tiên quyết để hành vi chiếm đoạt xảy ra; hành vi chiếm đoạt chính là kết quả, mục đích cuối cùng của hành vi lừa dối.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Luật sư cho biết, trong vụ việc này, xét về mặt khách quan, hành vi lừa đảo của ông Đỗ Anh Dũng cùng 6 đồng phạm được xem là hành vi đưa ra những thông tin giả để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Về mặt chủ quan, ông Dũng cùng đồng phạm biết đó là thông tin giả nhưng vẫn muốn người khác tin đó là sự thật; hành vi lừa dối có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc xuất trình những giấy tờ sai sự thật.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đối diện mức án nào?

Theo Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Pháp trị, tội danh mà Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng 6 đồng phạm vừa bị khởi tố được quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015.

Tội danh này có mức phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d, Khoản 1, Điều 174; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đối diện mức án nào? - 2

Bị can Đỗ Anh Dũng và 6 đồng phạm (Ảnh: CAND).

Người bị khởi tố tội danh này nếu bị chứng minh có tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt lên đến tù chung thân.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như Khoản 3, Điều 174 Bộ Luật hình sự là hành động "chiếm đoạt" nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.

Thủ đoạn gian dối ở đây có thể được thể hiện bằng nhiều hành vi và cách thức khác nhau nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Tuy nhiên, hành vi thể hiện thủ đoạn gian dối chỉ là phương thức để người phạm tội thực hiện mục đích của mình là "chiếm đoạt tài sản" chứ không phải là hành vi khách quan. Đối với loại tội này, hành vi chiếm đoạt mới là hành vi khách quan của tội phạm. 

Về hậu quả, mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi gian dối là nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản. Có thể nói thiệt hại về tài sản là căn cứ để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định, giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.

Ngoài ra, tại Khoản 2, 3, 4, Điều 179 Bộ Luật dân sự năm 2015 cũng quy định về các tình tiết tăng nặng đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, hay lợi dụng thiên tai, dịch bệnh… Theo đó, tùy từng mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà người phạm tội sẽ bị xác định khung hình phạt phù hợp.

Mặt chủ quan của tội phạm

Như đã phân tích, mong muốn của người phạm tội khi thực hiện hành vi là chiếm đoạt tài sản, do đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý. Mong muốn chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi.

Trường hợp sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đối diện mức án nào? - 3

Một dự án của Tân Hoàng Minh sở hữu tại vị trí vàng gần hồ Tây đang nằm trong diện được yêu cầu xác minh (Ảnh: Trần Kháng).

Có thể nói, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt tại khoản 4 điều 174 bộ luật hình sự

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4, Điều 174 , Bộ Luật hình sự thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên: Trường hợp này cũng tương tự điểm c khoản 2 Điều 174, là căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt để xác định mức hình phạt.

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 174, ngoài hình phạt chính, người phạm tội lừa đảo chiếm đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

( C.H sưu tầm)


tin tức liên quan