Sổ đỏ như hộ khẩu, ngực lép khỏi lái xe?
Nguồn:Báo Điện tử Đất Việt
Thông tư số 33/2017 của Bộ TNMT quy định từ ngày 5/12 tới, sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên các thành viên trong hộ gia đình...
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/12 tới.
Nói nôm na cho dễ hiểu, từ trước tới nay, sổ đỏ chỉ có tên 2 vợ chồng cùng sở hữu đất, thì từ 5/12, một cuốn sổ đỏ hợp lệ phải có đầy họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Ngay sau khi Thông tư này được đăng tải trên báo chí, rất nhiều người dân đã bày tỏ sự chán nản, bức xúc giống như phản ứng về Thông tư “ngực lép không được lái xe gắn máy” mà Bộ Y tế đã từng ban hành trước đây. Bởi việc ra đời Thông tư này không khác gì việc vẽ thêm thủ tục, tạo thêm rắc rối để gây phiền hà cho người dân.
Một cựu quan chức của Bộ TNMT, ông Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng của Bộ này đã bình luận: “Tôi cho rằng những người đề xuất chuyện này không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự. Bởi lẽ đối với con cái trong gia đình thì trong bộ luật dân sự đã nói về quyền thừa kế. Con cái được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản.
Việc thêm tên các con vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc chúng ta phải xác định rõ ràng được sự đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó. Và theo GS Đặng Hùng Võ, điều này là không thể.
Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ, việc viết thêm tên thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ làm rối việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp. “Phải xác định rõ được con cái có đóng góp vào tài sản hay không, hay chỉ có vợ và chồng. Chuyện tài sản là chuyện cần cẩn thận, chứ không phải chúng ta đưa tên vào đó một cách vô cớ”, GS Võ nhấn mạnh.
Cứ hình dung hộ ông A và bà B cùng là chủ sở hữu một mảnh đất, nhưng vì có thông tư này mà các con của ông bà và thậm chí cả các cháu (nếu trường hợp được nhập chung hộ khẩu) cùng được ghi tên vào sổ đỏ. Khi ông bà muốn bán mảnh đất, nhưng chỉ cần 1 người con, 1 người cháu không đồng ý ký giấy thì xem như công việc mua bán bị phá vỡ (trong khi họ hoàn toàn chẳng có đóng góp công sức gì trong việc sở hữu mảnh đất này. Vậy thì có phải quy định này đã trói buộc và mua rắc rối cho người dân hay không?
Con cái trong gia đình đã có quyền thừa kế để hưởng gia sản của cha mẹ, tại sao Thông tư này lại còn quy định thêm một lần nữa cái quyền ấy, coi họ như đồng chủ sở hữu tài sản, trong khi nhiều trường hợp họ không hề có một chút đóng góp gì?
Một thông tư ra đời chỉ mang rắc rối, phiền hà, gây khó khăn cho người dân, gây nên sự bức xúc kiểu như “ngực lép không được lái xe máy” thì Bộ TNMT có nên lắng nghe ý kiến của người để sửa đổi, điều chỉnh hay không?