Chốt phiên giao dịch hôm nay (7/2), VN-Index tăng gần 29 điểm, tương đương 2,86% lên 1.040,55 điểm. VN30-Index tăng hơn 23 điểm lên gần 1.031 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đều ghi nhận mức tăng trên 3% khi đóng cửa thị trường.
Sắc xanh đã trở lại với hai sàn chứng khoán sau hai phiên giảm điểm kỷ lục vào đầu tuần. Độ rộng của thị trường nghiêng về phía bên mua khi số cổ phiếu tăng giá áp đảo hoàn toàn so với cổ phiếu giảm, phần nào cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư đã bắt đầu trở lại.
|
Sắc xanh đã trở lại với bảng điện tử trong phiên giao dịch sáng nay. Ảnh chụp màn hình bảng giá SSI
|
Dẫn dắt chính trong phiên giao dịch hôm nay là sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngành tài chính, vốn là nhóm là giảm mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tuần. Trong đó, ngân hàng và chứng khoán là những cái tên nổi bật nhất. Ba cổ phiếu đầu ngành ngân hàng là VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank và BID của BIDV đóng góp hơn 4 điểm vào mức tăng chung của thị trường.
Tuy nhiên, thanh khoản trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM trong phiên hôm nay đã sụt giảm mạnh chỉ còn gần 8.000 tỷ đồng, so với mức 17.500 tỷ của phiên hôm qua. Nhiều cổ phiếu được đẩy lên mức giá trần một cách nhanh chóng mà không gặp lực cản từ bên bán.
Theo một số chuyên gia, đà tăng hiện tại vẫn chưa phải là tín hiệu chắc chắn cho sự phục hồi của thị trường, rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn hiện hữu. Thanh khoản giảm mạnh trong phiên hôm nay có thể do bên bán đã "chùn tay" hơn, nhưng đến những phiên cuối tuần khi lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản, bên bán có thể tiến hành chốt lời "T+3" đẩy thị trường trở lại với sắc đỏ.
Trả lời báo chí sáng nay, ông Trần Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho rằng đà giảm trong 2 phiên đầu tuần không phải đến từ yếu tố nội tại mà chủ yếu do ảnh hưởng từ thị trường thế giới và tâm lý nhà đầu tư thiếu ổn định sau chuỗi phiên tăng điểm liên tục của VN-Index.
Vị lãnh đạo của Uỷ ban Chứng khoán mong nhà đầu tư bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông khi thị trường thế giới giảm điểm. Theo ông, nền tảng vĩ mô của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tích cực, thị trường vẫn kỳ vọng phát triển bền vững trong năm nay.
Trao đổi với VnExpress mới đây, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đánh giá đợt giảm điểm chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý nhà đầu tư, cộng hưởng với trạng thái tiêu cực tại nhiều thị trường lớn.
Dù cho rằng rủi ro vẫn còn trong ngắn hạn, tuy nhiên vị chuyên gia này cũng nhận định thị trường trong trung và dài hạn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Phiên giảm điểm cũng là thời cơ tốt cho những nhà đầu tư trung và dài hạn gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ.
Minh Sơn