Cải cách lương:
Tất cả công chức, viên chức đều được tăng lương
Nguồn:Báo Điện tử
Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng khẳng định: Đề án cải cách tiền lương sẽ tạo ra một mặt bằng mới là tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương.
Tiền lương không liên quan đến cán bộ đi xe sang, xây biệt phủ
Vừa qua có ĐBQH đề xuất lương khởi điểm của bác sĩ gần 9 triệu đồng. Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất tăng lương cho giáo viên. Ông thấy những đề xuất này có hợp lý không và trong Đề án cải cách tiền lương trình Hội nghị TƯ 7 tới đây có tính đến việc này?
Đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế hiện áp dụng bảng lương chung, điều kiện lao động cao hơn bình thường và chính sách ưu đãi của nhà nước bằng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Đối với giáo dục, viên chức được hưởng phụ cấp theo nghề từ 25-70% và được hưởng thêm phụ cấp thâm niên nhà giáo. Y tế cũng được hưởng phụ cấp như vậy, ngoài ra họ còn có nguồn thu từ BHYT, nguồn thu từ người bệnh đóng góp.
Trong đề án lần này, chúng tôi có nghiên cứu tổng thiết kế toàn bộ hệ thống bảng lương cũng như phụ cấp đối với tất cả ngành nghề.
Khi trình TƯ chúng tôi chỉ trình nguyên tắc. Sau đó trên cơ sở mghị quyết TƯ được thông qua, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng các văn bản cụ thể để quy định bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng và cơ chế tạo nguồn cho việc cải cách tiền lương. Cho nên vấn đề lương, phụ cấp của ngành giáo dục hay y tế sẽ được các cơ quan chức năng thể chế hoá sau khi TƯ ban hành nghị quyết.
Ví dụ bên QH sẽ ban hành nghị quyết về hệ thống lương cho các cơ quan của QH, toà án, viện kiểm sát; Chính phủ ban hành hệ thống lương cho các cơ quan Chính phủ quản lý; bên Đảng, đoàn thể thì Ban Tổ chức TƯ sẽ trình Ban Bí thư quy định.
Lâu nay cán bộ, công chức hay nói lương thấp nhưng không ít cán bộ xây biệt phủ, đi xe sang. Đề án cải cách tiền lương lần này có đề cập đến việc này và khắc phục tình trạng cán bộ công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh lót tay do lương thấp?
Cải cách tiền lương và việc cán bộ, công chức đi xe sang, xây biệt phủ tôi nghĩ là không gắn với nhau. Tiền lương chỉ là một đãi ngộ của nhà nước thôi, ngoài ra cán bộ, công chức còn có khoản thu nhập khác như từ hoạt động kinh tế.
Để khắc phục việc đấy, cần thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng trong việc quản lý các thu nhập của những người trong hoạt động công vụ.
Cải cách tiền lương chỉ góp phần vào phòng chống tham nhũng, còn việc phòng chống tham nhũng, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp thì phải là các giải pháp quản lý cán bộ công chức.
Lương của cán bộ, công chức sẽ được cải thiện rõ rệt
|
Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: T.Hằng |
Khi đề án được TƯ thông qua và triển khai thực hiện, liệu đời sống của cán bộ công chức có được cải thiện không?
Chắc chắn, khi đề án được thông qua và triển khai vào thực tế, tiền lương của cán bộ, công chức sẽ được cải thiện rõ rệt, sẽ tạo ra một mặt bằng mới là tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương.
Tuy nhiên sẽ có sự sắp xếp lại giữa các ngành nghề và bảo đảm tính ưu tiên, khuyến khích các ngành nghề có chính sách ưu đãi của nhà nước sẽ có ưu đãi hơn, còn lại những bất cập hiện nay như quá nhiều phụ cấp, quy định lương bằng hệ số… sẽ được khắc phục.
Khi ấy tiền lương sẽ là chính, phụ cấp chỉ chiếm phần nhỏ. Ngoài ra còn có cơ chế tiền thưởng theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc sẽ tạo ra quyền chủ động của thủ trưởng các cơ quan trong chi trả tiền lương.
Vấn đề nhiều người băn khoăn là tiền đâu để tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương?
Rõ ràng số lượng người hưởng lương từ ngân sách quá đông nhưng ngân sách thì eo hẹp là một sự mất cân đối.
Vì vậy, để cải cách tiền lương, một trong những nhiệm vụ tiên quyết, đột phá là sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ.
Thật ra quy mô ngân sách theo con số tuyệt đối có tăng lên theo tăng trưởng kinh tế, quy mô GDP và quỹ lương nằm trong mức chi thường xuyên đã được ấn định.
Chúng tôi cũng đưa ra đề xuất hàng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách TƯ cho cải cách tiền lương.
Như vậy, với lộ trình sắp xếp bộ máy và quy mô quỹ chi thường xuyên tăng, trong đó đã ấn định quỹ lương, chúng ta sẽ có nguồn để cải cách tiền lương.