Một thông tin..."sởn gai ốc"...

Ngày đăng: 08:21 08/08/2018 Lượt xem: 650

Một thông tin… “sởn gai ốc”, “toát mồ hôi hột”

 
 

(Dân trí) - Họ là ai? Vì sao có sự sai sót này? Do năng lực hay do “lợi ích nhóm”? Và nếu như không làm rõ, xử lý nghiêm thì chắc chắn, sẽ còn nhiều nữa những văn bản trái pháp luật, “gieo nỗi khổ cho dân” như thế này, phải không các bạn?

 

 

 

Dẫu không phải doanh nhân nhưng đọc thông tin này, chắc không ít người… “sởn gai ốc”, “toát mồ hôi hột”. Đó là trên báo Vietnam Net ngày 07.8 vừa qua , bài "5.600 văn bản trái luật: Bộ, tỉnh ký sai, ai phải bồi thường" cho biết:

"Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật. Đáng chú ý, qua kiểm tra văn bản do các bộ ngành, địa phương ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật.

Trong đó, có tới trên 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật”.

Về tác hại của những văn bản này, Bộ Tư pháp cho rằng đã: “ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh của nước ta”.

“Về lâu dài, văn bản trái luật không được xử lý kịp thời sẽ làm mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”.

Đọc những thông tin trên, không thể không kêu lên hai từ “kinh hoàng” bởi 5.600 là con số lớn, rất lớn, nhất là nhìn từ góc độ đối tượng bị ảnh hưởng thì vô cùng lớn dù không biết chính xác nó là 56.000, 560.000 hay… 56 triệu người?

Kinh hoàng bởi 5.600 văn bản này được bao nhiêu người soạn thảo, bao nhiêu cấp thẩm tra, bao nhiêu người ký ban hành... mà không ai phát hiện ra?

Kinh hoàng còn bởi đã có bao nhiêu người bị xử phạt, bị hạn chế, bị gò ép… và “làm mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường” như đánh giá của Bộ Tư pháp.

Thế nhưng cho đến nay, hình như chưa có bất cứ “tác giả” nào phải chịu trách nhiệm về sự sai trái này.

Tại sao người dân dù chỉ một vi phạm nhỏ cũng bị “xử lý nghiêm” còn những người ban hành ra các văn bản sai trái này lại vô can, thậm chí biết đâu chả có người còn được… khen thưởng, lên chức?

Kinh hoàng còn bởi trong khi Thủ tướng quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ doanh nghiệp, lo lắng đến mọi quyền lợi của người dân thì trong bộ máy công quyền lại xảy ra những văn bản “hại nước, hại dân” như thế này?

Và kinh hoàng hơn, đó là câu hỏi, họ là ai? Vì sao có sự sai sót này? Do năng lực hay do “lợi ích nhóm”? Và nếu như không làm rõ, xử lý nghiêm thì chắc chắn, sẽ còn nhiều nữa những văn bản trái pháp luật, “gieo nỗi khổ cho dân” như thế này, phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám


tin tức liên quan