Tại hội nghị giao ban ngành Tổ chức Xây dựng Đảng ngày 2/1, Trung tướng Đỗ Căn - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã báo cáo về việc thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức các đơn vị quân đội.
Theo đó, để cụ thể hóa công việc ở các lĩnh vực khác nhau, Bộ Quốc phòng đã xây dựng kế hoạch, đề án ở một số đơn vị để rút kinh nghiệm, sau đó triển khai trong toàn quân.
"Thời gian qua, khi công an thực hiện giải tán tổng cục, cũng có ý kiến là công an giải tán tổng cục, còn quân đội thì thế nào, nhưng vấn đề này phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng", Trung tướng Đỗ Căn nói và khẳng định "Quân đội thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ".
Cụ thể, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo sắp xếp 88 doanh nghiệp quân đội còn 17, giảm 71 doanh nghiệp. Số lượng sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng phải giải quyết chế độ là 16.000 người, chưa tính số lao động hợp đồng của các đơn vị.
"Bộ cũng rút gọn một số binh đoàn, tổ chức lại thành đoàn kinh tế ở vùng chiến lược có điều kiện đặc biệt về quốc phòng an ninh, không tham gia nhiệm vụ làm kinh tế đơn thuần", Tướng Căn nói.
Theo ông, để việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện hiệu quả, phải có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tư tưởng, tổ chức và chính sách; đồng thời có sự phối hợp giữa các ban ngành trong giải quyết chế độ, chính sách.
|
Đội tiêu binh của QĐND VN. Ảnh: Võ Thành
|
Đối với các cơ quan chiến lược, chiến dịch, Bộ cũng đã rà soát, điều chỉnh tổ chức, hợp nhất các phòng, cục có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, phấn đấu đến năm 2021 giảm 10% quân số biên chế so với năm 2015.
"Kế hoạch giảm biên chế tập trung vào các đơn vị phục vụ, bảo đảm, giảm đầu mối trung gian; phân cấp mạnh công tác bảo đảm cho cấp dưới...", Tướng Căn nói.
Với 22 trường dạy nghề trong quân đội gồm cao đẳng, trung cấp, theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ đã tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể; có trường bàn giao lại cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội. "Quân đội sẽ không tham gia lĩnh vực dạy nghề, giới thiệu việc làm như trước kia", Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho hay.
Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống nhà trường của quân đội, từ học viện cho đến các trường sỹ quan, cao đẳng... để thực hiện theo lộ trình đến năm 2020 không còn đào tạo hệ dân sự.
"Hiện có những trường quân đội đào tạo hệ dân sự nhiều gấp vài lần hệ quân sự nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy vẫn là của quân đội. Chúng tôi đã làm và sẽ tiến hành đồng loạt đến năm 2020, chấm dứt việc đào tạo học viên hệ dân sự. Việc này đã được thống nhất với Bộ Giáo dục Đào tạo", Tướng Căn cho hay.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với 25 bệnh viện trong quân đội, từ bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đến bệnh viện của các quân khu, quân đoàn, quân chủng. Với cách làm này, ngân sách nhà nước chi thường chuyên cho biên chế, tổ chức của bệnh viện quân đội sẽ giảm đáng kể.
Hệ thống báo chí trong quân đội cũng sẽ được sắp xếp, kiện toàn. Theo Tướng Căn, thời gian qua, Bộ đã làm trước ở Bộ Tổng tham mưu, cơ quan Bộ Quốc phòng. Năm cơ quan tạp chí hợp nhất lại thành một tạp chí duy nhất của Bộ Tổng tham mưu là tạp chí Quân sự quốc phòng.
Trước đó, tại cuộc họp báo quý IV của Bộ Quốc phòng sáng 27/12/2018, Đại tá Nguyễn Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Bộ Quốc phòng đã giải thể, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (quân số giảm gần 3.000 người).
Bộ cũng giải thể 14 Lữ đoàn Công binh dự bị động viên thuộc bảy tổng công ty, gồm: 36, 319, Đông Bắc, Thái Sơn, xây dựng Lũng Lô, xây dựng Trường Sơn, Thành An; giải thể Ban Quản lý dự án 46, 47; sáu trung tâm dạy nghề - giới thiệu việc làm...