Việc Bộ GTVT trình Thủ tướng và khẳng định phương án chọn giao ACV là nhà đầu tư để mở rộng Tân Sơn Nhất có thể thấy rõ, Bộ GTVT đã “chọn” ACV mà không cần qua đấu thầu nữa? Vậy điều này, có khác gì chỉ định thầu không? Đây cũng là điều đang gây ra nhiều tranh cãi.
CHK Tân Sơn Nhất đang quá tải.
Đặc biệt, không còn là “con đẻ” của Bộ GTVT nữa (vì đã chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước - Siêu uỷ ban) thì lý do gì Bộ này lại “bật đèn xanh” cho ACV đến vậy?. Trong khi đó, ACV bị Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra hàng loạt các sai phạm tại các dự án đầu tư xây dựng CHK.
Mặt khác, ACV hiện là công ty cổ phần (có yếu tố nước ngoài tham gia), bản thân ông Nguyễn Minh Phương còn chưa nắm rõ phần vốn nước ngoài là bao nhiêu khi trả lời nhầm, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 94% vốn tại ACV và Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phải nhắc nhở " Nhà nước hiện đang nắm 95,4% cổ phần ACV và 4,6% là cổ phần nước ngoài".
Ông Phương cũng cho biết thêm: “Thủ tướng Chính phủ mới là người cuối cùng quyết định lựa chọn phương án nào, có giao ACV thực hiện nhà ga hành khách T3 hay không”.
Phát ngôn của ông Phương cho thấy hoài nghi về việc Bộ GTVT đang làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, vì đã 2 lần Thủ tướng đã kết luận và đồng ý phương án mở rộng Tân Sơn Nhất theo đề xuất của tư vấn Pháp, tại sao Bộ GTVT không thực hiện?.
Xin nhắc lại, kết luận của Thanh tra Bộ GTVT do chính Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về trách nhiệm trong huy động, quản lý sử dụng các nguồn vốn do ACV quản lý.
Tại dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt. ACV đã để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án.
Nghiêm trọng nhất là dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường HCC 25R – CHK Tân Sơn Nhất thiết kế BVTC chưa phù hợp với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy định tại mục C, Khoản 2, Điều 16 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12.2.2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều lo ngại nhất khi Bộ GTVT chọn ACV mở rộng Tân Sơn Nhất thể hiện ở việc Bộ này từng chỉ ra công tác quy hoạch các cảng hàng không do ACV quản lý chưa dự báo sát tốc độ tăng trưởng lưu lượng hành khách, hàng hoá.
Từ những yếu kém của ACV trong việc quy hoạch thiếu tầm nhìn đã dẫn đến một số cảng bị quá tải, một số cảng chưa đạt công suất. Ngoài ra, các nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế khai thác, dẫn đến phải điều chỉnh một số cảng, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Đáng nói hơn là dù Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm của ACV, nhưng những người để xảy ra sai phạm chỉ bị xử lý trách nhiệm khiến cho dư luận bức xúc.
Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ ngành, địa phương đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất mà tư vấn Pháp ADP-I Engineering đề xuất thông qua văn bản số 142/TB-VPCP ngày 15.4.2018.
Sau đó vài tháng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lại ký quyết định 1942/QĐ-BGTVT, ban hành ngày 31.8.2018 điều chỉnh quy hoạch mở rộng Tân Sơn đã bỏ qua những đề xuất của tư vấn Pháp ADP-I Engineering về việc xây dựng nhà ga T3 thành nhà ga lưỡng dụng mang tính an ninh quốc phòng cao, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.
Tiếp sau đó, đến tháng 12.2018, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ra thông báo hoả tốc số 447/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư, xây dựng dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trịnh tại CHK Tân Sơn Nhất.
Với 2 thông báo kết luận của Thủ tướng và quyết định của Bộ GTVT và thấy rằng, Bộ GTVT đang cố tình làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng đã đồng ý phương án của tư vấn ADP-I thì chẳng có lý do gì mà Bộ GTVT lại không thực hiện. Điều đó cho thấy Bộ GTVT đang vi phạm chủ trương của cấp trên, có dấu hiệu chống đối, coi thường chỉ thị của Thủ tướng?
|