Trạm BOT T2 đang thu phí hoàn vốn cho dự án Quốc lộ 91, nơi nó đang án ngữ, hay thu phí cho cái gì khác?
Tháng 3.2014, Bộ GTVT phê duyệt án cải tạo, nâng cấp QL91 (TP.Cần Thơ) đoạn Km 14+000 - Km 05+889 theo hình thức BOT. Người dân mừng khôn xiết, bởi QL91 khi đó “nát như tương tàu”, có tới 14 điểm đen về tài nạn giao thông, trở thành nỗi khiếp sợ của người đi đường. Có đường mới, dân phấn khởi, chấp nhận trả phí. Và việc, trạm BOT T1, đặt ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, chẳng có gì để phàn nàn.
Nhưng, chuyện lại bắt đầu từ một con đường tai tiếng nhất lịch sử ở Cần Thơ - đó là tuyến Quốc lộ 91B. Tính từ thời điểm bộ GTVT phê duyệt dự án lần đầu (1995) đến lúc điều chỉnh lần cuối (2009) là 14 năm. Rồi mất thêm 1 năm thi công, tháng 6.2010, tuyến đường được thông xe, nhưng chỉ ít ngày sau đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Dư luận phản ứng gay gắt, ngành chức năng vào cuộc tìm nguyên nhân. Sau cùng xác định, đường hỏng là do… xe đi quá nhiều, vượt tần suất thiết kế của tuyến đường.
Vừa tìm nguyên nhân, ngành chức năng vừa tiến hành sửa chữa. Nhưng vì nhiều lý do, việc sửa chữa chỉ mang tính cục bộ, giậm vá mà không có một phương án tổng thể, hiệu quả. Nên sau cùng, đường vẫn… nát.
Năm 2014, khi Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 theo hình thức BOT; Liên danh Sonadezi-Cường Thuận IDICO đã trở thành nhà đầu tư.
Thời điểm này, Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án 1 rà soát, cập nhật dự án Quốc lộ 91B, từ hình thức đầu tư ban đầu nguồn trái phiếu Chính phủ, chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT. Sau đó, thì ghép dự án này vào dự án Quốc lộ 91.
Cuối năm 2016, khi dự án hoàn tất, Bộ GTVT quyết định lập trạm thu phí T2 đặt tại Km 50+050 (khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt), nằm cách Quốc lộ 91B khoảng 40km để thu phí hoàn vốn dự án.
Vậy rốt cuộc trạm T2 đang thu phí cho cái gì? Nếu thu phí cho tuyến Quốc lộ 91B thì quá vô lý. Bởi các phương tiện đi qua nơi đặt trạm, chưa từng đụng tới mét đường nào của Quốc lộ 91B vì trạm thu phí này nằm cách đó tận 40km.
Để có một phương án hợp lòng dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tìm ra đề án đặt trạm T2 phù hợp nhất, trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Đến nay, cầu Vàm Cống đã thông xe, nhưng trạm T2 vẫn nằm ở vị trí cũ.
Trạm này chỉ thực hiện việc miễn giảm, nhưng chưa được dư luận đồng tình. Và mới đây, trước sự phản ứng quyết liệt của tài xế, trạm T2 lại phải dừng thu phí, để kiểm đếm phương tiện, thực hiện cho việc giảm giá tiếp theo. Trước đó, một cuộc họp “mật” giữa Tổng cục Đường bộ và các địa phương có liên quan đã diễn ra, qua đó, cho rằng, việc di dời Trạm T2 là không khả thi, tốn kém!
Có thể thấy, quan điểm của Bộ GTVT đến thời điểm này là không dời trạm. Còn người dân đang bức xúc. Và câu chuyện về trạm BOT T2 sẽ vẫn “nóng”, chỉ tới khi nào Bộ GTVT tìm ra được một phương án công bằng, hợp lòng dân, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Trần Lưu
Báo Lao động