Những bức xúc với dự án BOT chủ yếu xoay quanh việc thiếu công khai, minh bạch. Người dân làm chủ, là người sử dụng dịch vụ, mua vé qua trạm mà vẫn không biết tổng số tiền đã trả là bao nhiêu, khi nào mới trả hết? Thu phí tự động đến nay sao chỉ mới đạt 30% xe sử dụng, khoảng 700 nghìn/ 3 triệu xe được dán thẻ? Mặc dù trước đó, trải qua 3 năm, kể từ 2017, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo triển khai thu phí không dừng với các dự án BOT giao thông cả nước.
Vừa qua, Bộ GTVT đã đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ dự thảo về việc tăng phí theo lộ trình nhiều dự án BOT. Dự thảo nêu mức thu phí và lộ trình tăng phí dự kiến 3 năm một lần, mỗi lần tăng từ 12-18% (tùy từng dự án). Theo lộ trình này, khoảng 37 dự án phải tăng phí tính trong năm 2019, 10 dự án tăng phí trong năm 2020, 2 dự án tăng phí trong năm 2021. Những dự án còn sót lại, cơ bản tăng phí sau năm 2021.
Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết 61 dự án trên cả nước thu được 5.665 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2019, bình quân mỗi tháng thu hơn 1.000 tỷ đồng tiền phí của xe lưu thông qua trạm, tổng lượng xe qua các trạm hơn 112 triệu lượt. Riêng trong tháng 5, số tiền thu phí đạt 1.121 tỷ đồng, lưu lượng xe qua các trạm là 21,7 triệu lượt. Mức thu như thế được nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho là cao, nhưng phần lớn các nhà đầu tư vẫn kêu lỗ so với chi phí đầu tư và trả lãi vay ngân hàng số tiền quá lớn.
Nhà đầu tư thì báo lỗ. Còn chuyên gia và nhà quản lý cho rằng con số hơn 1.000 tỷ đồng thu về mỗi tháng là cao. Vậy tại sao lại có sự mâu thuẫn này?
Theo thống kê, nếu được áp dụng thu phí tự động không dừng, ước tính tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, giảm kẹt xe tại trạm, giảm nhân sự trực tiếp thu phí... Hơn nữa, cơ quan chức năng có thể quản lý các giao dịch qua trạm một cách công khai, giám sát được thu phí tại các trạm và minh bạch nguồn thu nhờ công nghệ sao lưu dữ liệu không có sự tác động của nhân viên. Đặc biệt là có thể trích xuất bất cứ lúc nào vì lưu trữ tất cả số liệu, lượt xe, biển số, giá vé, file ảnh, video... Lợi ích nhiều mặt như vậy, sao lại chậm triển khai?
Nếu muốn làm xong, không thể kéo dài thêm nữa, đừng chờ nhà đầu tư tự giác. Đã đến lúc mạnh tay với nhà đầu tư chưa áp dụng công nghệ tự động. Hãy ngưng thu phí bằng tiền mặt, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để ai cũng có thể theo dõi. Trường hợp nhà đầu tư vẫn chần chừ triển khai thu phí tự động không dừng, cơ quan nhà nước có thể sử dụng nguồn vốn ngân sách thực hiện vì lợi ích lâu dài, khi hết thu phí ở dự án này có thể dời hệ thống thu phí tự động sử dụng cho dự án khác. Chi phí đầu tư hệ thống thu phí tự động sẽ khấu trừ trong phương án thu hồi vốn nhà đầu tư hoặc lấy trực tiếp trên doanh thu tại trạm BOT. Lúc đó sẽ chủ động, không còn mong chờ sự tự giác nhà đầu tư.
Tôi tha thiết mong cơ quan chức năng quyết tâm, không sợ mất đi nhà đầu tư thiếu công khai và minh bạch, làm rõ sự thật tất cả các dự án BOT và công bố công khai để dân biết. Nhà đầu tư nào làm ăn chân chính thì ủng lộ. Loại bỏ nhà đầu tư làm ăn gian dối. Không thể chờ thêm nữa, không chấp nhận giải thích loanh quanh vì lí do này kia mà chưa thu phí tự động.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Tường Trần