Phó thủ tướng: 'Bộ Tài chính làm cái gì cũng chậm'

Ngày đăng: 10:37 08/07/2019 Lượt xem: 489

Phó thủ tướng: 'Bộ Tài chính làm cái gì cũng chậm'

Nhiều lần trong cuộc họp, Bộ Tài chính bị ông Vương Đình Huệ phê bình và truy trách nhiệm khi chậm trễ trong xây dựng văn bản pháp luật.   

Chủ trì cuộc họp ngày 8/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hơn một lần phê bình lãnh đạo Bộ Tài chính - đơn vị được giao chủ trì cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - vì tiến độ chậm trễ.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, các Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng 11 đề án về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới, tổ chức, quản lý doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 3 đề án phải trình trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, hiện các Bộ mới trình một đề án.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng ngắt lời Thứ trưởng Tài chính và cho rằng công tác này quá chậm trễ khi đã giao nhiệm vụ gần 2 năm nay mà Bộ chưa làm xong. Ông cũng yêu cầu trong tháng 7, Bộ phải hoàn tất, nếu không sẽ xem xét trách nhiệm Thứ trưởng.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhắc nhở một số văn bản Bộ Tài chính dự kiến trình gần đây cũng bị chậm so với kế hoạch. Lý giải về điều này, ông Huỳnh Quang Hải chia sẻ, Bộ đã xin ý kiến các bộ, ngành, đồng thời thường xuyên đốc thúc song đến nay chưa nhận được ý kiến từ một số cơ quan nên chưa thể tổng hợp. Trước giải thích này, Phó thủ tướng yêu cầu, nếu đơn vị nào không trả lời thì Bộ có thể báo cáo lên cho lãnh đạo Chính phủ, song trách nhiệm chính vẫn là Bộ Tài chính. 

"Phải xây dựng xương sống của hệ thống văn bản pháp luật nhưng Bộ Tài chính làm cái gì cũng chậm, trách nhiệm nằm ở đâu", Phó thủ tướng đặt câu hỏi. 

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh một dự thảo, nghị quyết về cổ phần hoá, thoái vốn, muốn trình Quốc hội vào tháng 10 thì tháng 9 này Chính phủ phải cho ý kiến. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc làm này vẫn dậm chân tại chỗ. 

Dẫn chứng về sự chậm trễ của Bộ Tài chính, Phó thủ tướng còn nêu ví dụ về việc cơ quan này được giao xem xét tác động của Nghị định 20 về hoạt động liên doanh liên kết mà doanh nghiệp kêu khó mấy năm nay song hiện vẫn chưa hoàn tất. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng bị Phó thủ tướng điểm danh về sự chậm trễ trong nhiều hoạt động và nhấn mạnh lần này lãnh đạo Chính phủ "sẽ truy đến nơi."

Những chậm trễ liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp, ông Huệ nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần cảnh cáo, kỷ luật luôn, và nêu đích danh bởi nếu thông tin tù mù thì không thể gắn với trách nhiệm giải trình.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hiện có 148 doanh nghiệp đã đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng. Danh sách các doanh nghiệp này đều được công khai, đồng thời Bộ Tài chính cũng chỉ đạo yêu cầu niêm yết và phạt nếu đăng ký niêm yết nhưng vẫn chậm trễ. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, hiện cơ quan này mới mới xử phạt được 24 doanh nghiệp, còn lại không chịu nộp, bởi nhiều lý do. 

Đến đây, Phó thủ tướng cũng đặt câu hỏi liệu có tình trạng Uỷ ban Chứng khoán đang nể nang với các doanh nghiệp hay không mà chưa xem xét trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo doanh nghiệp. 

"Tôi đề nghị các đồng chí cố gắng cá thể hoá trách nhiệm gửi Thủ tướng, đảng uỷ khối", Phó thủ tướng nói.  

Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa chậm so với kế hoạch đề ra. Theo Danh mục đã  được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp nhưng đến nay mới hoàn tất 35 doanh nghiệp.

Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm. Theo danh mục đã được duyệt giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 doanh nghiệp nhưng hiện mới đạt được 88 doanh nghiệp, chưa đạt 22%.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý tình trạng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu số lượng lớn, lãi suất cao. Phó thủ tướng cho rằng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đáng lẽ phải theo dõi, xem xét tình trạng để báo cáo nhưng công tác này vốn làm không tốt

"Làm quản lý phải có những phát hiện bất thường để tư vấn cho Chính phủ, chứ ở đây, tôi thấy Chính phủ, Thủ tướng toàn tham mưu ngược cho các bộ ngành", Phó thủ tướng nói.  

Phó thủ tướng cho rằng, việc thúc đẩy phát hành trái phiếu có thể giảm bớt áp lực với các ngân hàng, song cơ quan quản lý phải theo dõi những diễn biến bất thường. Nếu có, phải chấn chỉnh, đồng thời cần làm rõ ngân hàng mua hay là các nhà đầu tư tổ chức.

Nhấn mạnh không hạn chế việc tăng trưởng tín dụng nhưng Phó thủ tướng cho biết phải kiểm soát việc dẫn vốn đúng mục tiêu, liều lượng phù hợp, minh bạch.  "Đây chưa nói là sai đúng gì, mà là có hiện tượng bất thường. Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán sớm có báo cáo này", ông Huệ nhấn mạnh. 

Đại diện Uỷ ban Chứng khoán cho biết, tổng số phát hành trái phiếu gần đây của các doanh nghiệp vào khoảng 60.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp phát hành chủ yếu trái phiếu riêng lẻ cho một số đối tác. Tuy nhiên, theo ông Sơn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo riêng gửi Chính phủ. 

Nguyễn Hà

tin tức liên quan