Hình thức đấu thầu cạnh tranh giúp Campuchia thu được kết quả rất tốt khi giá trúng thầu cuối cùng là 3,877 UScents/kWh (khoảng 900 đồng/kWh). Mức giá đó có tồn tại nếu Việt Nam áp dụng?
Liên quan giá điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6/2019, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương lại được yêu cầu nghiên cứu phương án đấu thầu dự án điện mặt trời như Campuchia đã làm.
Thông tin về yêu cầu của Thủ tướng liên quan đến đấu thầu dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương cho biết: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang hỗ trợ Bộ này nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời.
Qua nghiên cứu sơ bộ của tư vấn, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng cơ chế khuyến khích giá bán điện cố định trong thời gian đầu, sau đó dần chuyển sang hình thức đấu thầu. Tư vấn quốc tế của WB là Baker Mackenzi và PwC đã hoàn thành 2 báo cáo về lộ trình thực hiện đấu thầu và cơ chế đấu thầu.
|
Cơ chế giá cho điện mặt trời sau 30/6/2019 vẫn còn bỏ ngỏ. Ảnh: Lương Bằng |
Theo Bộ Công Thương, các nghiên cứu của WB đã được tư vấn trình bày báo cáo tại nhiều hội thảo thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà đầu tư, địa phương để tiếp tục hoàn thiện. Về báo cáo cơ chế đấu thầu, WB đề xuất 2 hình thức thực hiện. Hình thức đấu thầu thành công tại Campuchia tương ứng với đề xuất hình thức thứ 2 của WB và tương tự đề xuất của ADB.
“Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để có thể có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp thì Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ... ”, Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương khẳng định đang nghiên cứu các đề xuất này xem có phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam không, có cần điều chỉnh hay ban hành bổ sung quy định pháp lý không, khả năng áp dụng thực tế tại Việt Nam... để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Hình thức đấu thầu cạnh tranh để chọn nhà phát triển dự án giúp công khai, minh bạch và đã giúp Campuchia thu được kết quả rất tốt khi giá trúng thầu cuối cùng là 3,877 UScents/kWh (khoảng 900 đồng/kWh), bỏ xa mức giá trần được đặt ra ban đầu là 7,6 UScents/kWh (gần 1.800 đồng/kWh).
Nhưng có nhiều vấn đề cần làm rõ liên quan giá đấu thầu thành công này của Campuchia.
Trả lời PV. VietNamNet, một chuyên gia trong ngành điện cho hay: Để có được giá đấu thầu thành công thấp như vậy, Campuchia đã làm 4 việc: Bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; làm đường dây truyền tải, trạm biến áp cho nhà đầu tư; dự án được vay lãi suất thấp của WB và ADB (khoảng 2,5% bằng đồng USD, tương đương mức lãi suất 5,5% bằng VNĐ); bức xạ tốt hơn, nắng nhiều hơn Việt Nam.
Trên Diễn đàn năng lượng tái tạo Việt Nam, câu chuyện đấu thầu giá điện mặt trời cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư. Có chuyên gia tính toán rằng, nếu đấu thầu dự án điện mặt trời được triển khai ở Việt Nam, thì giá trúng thầu thấp nhất cũng ở mức trên 6 cent/kWh (trên 1.400 đồng).
Đấu thầu là phương án tốt, Việt Nam có thể làm được, nhưng e rằng “rừng thủ tục” có thể khiến một dự án đem vào đấu giá chậm trễ đáng kể - chuyên gia này nhận định.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch ủy ban phát triển năng lượng của Tập đoàn Hà Đô, cho rằng: Mục tiêu của Chính phủ muốn đấu thầu là minh bạch, công khai. Đây là điều tốt.
Nhưng đại diện doanh nghiệp này băn khoăn bao giờ mới có cơ chế đấu thầu? Về hạ tầng, các dự án điện này muốn đưa ra đấu thầu phải có đất sạch, muốn có đất sạch phải có quy hoạch. Trong khi, quy hoạch là vấn đề bị kêu nhiều sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Ngoài ra, một doanh nghiệp khác nghi ngại: Muốn có đất sạch đấu thầu cần có tiền giải phóng mặt bằng. Liệu UBND tỉnh có ngân sách để thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng hay không, nhất là khi nhiều địa phương không dư dả về ngân sách?
Nhiều nhà đầu tư khi được hỏi đều tỏ ra lo ngại việc xây dựng cơ chế đấu thầu kéo dài, mất thời gian. Nếu các vấn đề này được đẩy mạnh, thì cơ chế đấu thầu mới đạt mục tiêu đề ra. Khi đó, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo mới thực sự khuyến khích thêm nhà đầu tư tham gia. Còn ngược lại, việc triển khai chậm trễ thì phần thiệt là không huy động được nguồn lực đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo.
Lương Bằng