20 giờ ngày 8/1, quán nhậu của anh Tâm trên đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng trống hơn một nửa. Năm nhân viên phục vụ, mỗi người một góc cầm điện thoại lướt web. Chị rửa bát tựa lưng vào ghế trong góc bếp, trông ra cửa, đưa tay che miệng ngáp dài.
|
Trưa 9/1, quán bia trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) chủ yếu là nhân viên ngồi không. Ảnh: Phạm Nga.
|
Thông thường, mỗi ngày, quán nhậu này có doanh thu khoảng 60 triệu đồng, nhưng khi Nghị định 100 ban hành, trong ba ngày đầu tiên con số này chỉ còn lại gần nửa. Quá sốt ruột, tối 3/1, anh Tâm lên Facebook thông báo về dịch vụ đưa khách hàng có sử dụng rượu, bia về nhà miễn phí.
"Tôi chưa nghĩ ra được giải pháp nào hay hơn", ông chủ quán rầu rĩ nói. Anh Tâm cũng tuyển thêm hai tài xế với mức lương bảy triệu đồng để đưa khách về nhà, đồng thời tận dụng thêm nhân viên nhàn rỗi.
"Có dịch vụ này, khách tới quán chỉ nhích khoảng 10%. Nhiều người nói uống chỉ một hai chén rượu mà lại phải có người đưa về, rồi gửi xe ở quán thì thà nhịn uống", anh giải thích.
Chung tình cảnh anh Tâm, quán nhậu của ông Hưng ở phường Lam Sơn, Thanh Hóa lâm cảnh đìu hiu. "Tám năm mở cửa, khách quen nhiều, nhưng cũng giảm 20%", ông Hưng tặc lưỡi.
Từ ngày 1/1, ông đã thông báo tại quán, thậm chí báo cả lên facebook về việc sẽ đưa khách về nhà miễn phí trong bán kính 5 km. "Dịch vụ này của tôi có từ khi nghị định 46 ban hành. Hồi đấy, chế tài chưa nghiêm nên khách không để ý còn giờ, nhiều người chủ động đề nghị. Tất nhiên, cũng vẫn có người tự đi về", ông Hưng nói.
Tại quận Thủ Đức, TP HCM, nhà hàng Nhất Nướng Sài Gòn đã cho in tấm bảng, dán ở nơi dễ nhìn nhất để nhắc nhở khách hàng về việc sẽ có nhân viên nam sẵn sàng đưa khách về bằng xe máy. Nếu nhóm khách trên năm người, quán đưa về miễn phí bằng xe ôtô 7 chỗ trong bán kính dưới 5 km.
Quán ăn Ốc Ghe (quận 1, TP HCM) có sáng kiến, khách nào ký cam kết "Đã uống bia thì không lái xe" sẽ được cấp mã code hỗ trợ 50% chi phí đi xe ôm công nghệ về nhà, không giới hạn số km.
|
Một quán ở quận 1, TP. HCM cho khách viết cam kết vào phiếu "Đã uống rượu bia, tôi không lái xe" để được hỗ trợ 50% phí đưa về. Ảnh: Phan Diệp.
|
Ở Hà Nội, 8 ngày qua, lượng xe ôm công nghệ và taxi đậu ngoài nhà hàng có sức chứa 1.500 khách trên đường Lê Trọng Tấn đông hơn hẳn thường lệ. Sáng 8/1, anh Đoàn Bá Ninh, quản lý bàn của nhà hàng cho nhân viên treo biển thông báo dịch vụ giữ xe cho khách gửi lại và hỗ trợ gọi dịch vụ đưa về. Tuy vậy, lượng khách vẫn giảm khoảng 30%.
"Trước đến giờ chúng tôi đã có dịch vụ này rồi, nhưng chỉ khách say khướt mới cần. Giờ thì người uống một vài chén cũng không được lái xe nên nhiều người gọi xe ôm, taxi. Chúng tôi treo biển để họ biết", anh Ninh nói.
|
Tấm biển thông báo hỗ trợ khách trưa 9/1 tại một quán bia trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Phạm Nga.
|
Tuy vậy, nhà hàng nổi tiếng đất Hà thành này chỉ hỗ trợ dịch vụ, không trả phí đi lại. Người tổng quản lý cho biết, do lượng khách đông nên việc đưa về miễn phí là không khả thi. "Chúng tôi đang thăm dò xem tình hình làm ăn thế nào, rồi mới có kế hoạch tiếp. Nghị định mới thì tốt thôi, nhưng nếu khách cứ giảm sút thế này thì dân kinh doanh chúng tôi bấn loạn lắm", ông nói.
Trưa 9/1, ông Nguyễn Văn Hồng, 70 tuổi, ở Thanh Xuân cùng với nhóm bạn đến nhậu nhưng không cần dịch vụ đưa về vì người cầm lái xung phong uống nước ngọt. "Tôi hoàn toàn ủng hộ nghị định 100. Có luật này ra, chúng tôi ăn nhậu an toàn, văn minh hơn hẳn. Cũng có lý do để từ chối các cuộc rượu, bia không mong muốn", ông nói rồi nâng cốc.
Phạm Nga - Phan Diệp